Công nhân không dám mơ nhà ở xã hội
Gần 10 năm làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, vợ chồng anh Trần Văn Sơn (SN 1980, quê Thanh Hoá) - vẫn đang ở thuê trọ ở gần khu công nghiệp với mức 2,5 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng làm công nhân khoảng hơn 12 triệu, trừ đi các chi phí như tiền phòng, điện, nước, ăn uống và một số sinh hoạt khác thì tiền tiết kiệm còn lại chẳng còn bao nhiêu.
“Với mức giá nhà ngày càng tăng cao, biến động, là công nhân, chúng tôi không dám nghĩ đến. Thu nhập ít ỏi, trong khi phải chi trả nhiều khoản nên việc tích lũy, sở hữu một căn nhà đối với chúng tôi là điều vô cùng khó khăn”, anh Sơn chia sẻ.
Một trường hợp khác, hơn 16 năm vào TP.Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc, nhưng tới nay, anh Đoàn Trần Nhiệm (quê Bình Định) - công nhân Công ty Nidec Việt Nam - vẫn đang phải ở thuê nhà trọ ở Khu giãn dân phường Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Sau dịch bệnh, thu nhập của vợ chồng anh Nhiệm khoảng 15 triệu/tháng kể cả làm thêm nhưng do còn nuôi 2 con nhỏ đang ăn học nên không có tích luỹ nhiều, mong muốn có nhà vẫn vượt tầm với.
“Mong sao Nhà nước sớm xây nhà ở xã hội giá rẻ và ngân hàng cho công nhân lao động (CNLĐ) vay thêm tiền ưu đãi thì mới có thể mua được nhà” - anh Nhiệm nói.
Anh Sơn, anh Nhiệm chỉ là 2 trong số rất nhiều công nhân đang làm việc tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh không dám nghĩ tới việc mua nhà, kể cả là NƠXH dù đã có hàng chục năm trời sinh sống và làm việc tại các đô thị này. Nhu cầu lớn, thế nhưng số lượng phát triển dự án NƠXH vẫn diễn ra nhỏ giọt, mất cân đối. Nhiều người cho rằng, số lượng NƠXH khan hiếm, giá nhà đất biến động không ngừng đang ngày càng bỏ xa mức thu nhập trung bình của người lao động hiện nay.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vướng mắc liên quan tới việc tiếp cận nhà ở xã hội của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp. Ngoài ra, nhiều người từng mua NƠXH cũng gặp phải không ít khó khăn bởi rất nhiều thủ tục rườm rà. Mặt khác, hàng loạt các khó khăn phát sinh liên quan đến vấn đề bố trí nguồn quỹ đất, thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý quá lâu cũng như việc khó huy động nguồn vốn đầu tư và kỳ vọng lợi nhuận khi đầu tư vào lĩnh vực này đang khiến không ít dự án nhà ở xã hội đình trệ ở nhiều địa phương.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) bày tỏ lo ngại trước tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở cho công nhân. Nguồn cung nhà ở cho nhóm này chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng. Công nhân vẫn gặp nhiều khó khăn, các vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Ông Tuấn đề nghị Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân.
"Đây là lực lượng quan trọng, có đặc thù so với các nhóm khác. Nhưng quy định hiện hành chưa có chế định riêng về nhà ở cho họ, hoặc quy định còn nằm rải rác trong một số văn bản", ông Tuấn nói.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cũng đề nghị Chính phủ có ngay chính sách khuyến khích xây và bán, bán trả góp, cho thuê, mua nhà ở cho người thu nhập thấp. Các nhóm cần ưu tiên trước mắt là người lao động, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức chưa có nhà. Chủ trương này sẽ bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền kinh tế và khu vực công.
Mới chỉ đáp ứng 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2
Bộ Xây dựng nhìn nhận việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ.
Về bố trí, giải ngân nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỉ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP vẫn chưa được bố trí.
Bộ Xây dựng cũng chỉ ra vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài như: dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện…
Chính sách chưa hấp dẫn các nhà đầu tư
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong vấn đề phát triển NƠXH là: Nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển NƠXH; việc dành quỹ đất 20% thuộc các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa được thực hiện triệt để hoặc chưa được sử dụng đúng mục đích; thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn; nhiều khu công nghiệp được hình thành, nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân... Mặc dù Nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho nhà ở xã hội, tuy nhiên các cơ chế chính sách ưu đãi hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư các dự án NƠXH, nhất là nhà ở xã hội cho thuê.