Các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu
Tiếp theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, sáng nay (24.7), các đại biểu thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cơ bản đồng tình với Tờ trình và báo cáo về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Đình Khang (đoàn Ninh Thuận) - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) - nhấn mạnh, việc đưa vào kế hoạch danh mục nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Khang, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu giai đoạn 2021-2025, đó là: Phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 27 - 27,5m2 sàn/người.
Theo tinh thần đó, ngày 12.6.2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW về việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được xác định.
Đó là: “Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thoả đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí, xử lý các tình huống đột xuất gây ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập”.
Cùng với chủ trương, định hướng của Đảng, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 14.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, yêu cầu: Chủ động xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở, thiết chế văn hoá - thể thao cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của bộ, ngành, địa phương. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Khang, các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nhà ở xã hội nói chung, nhà ở cho công nhân nói riêng là hết sức rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy, cả nước hiện có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án).
Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Riêng đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay trên địa bàn cả nước, số lượng mới đạt 2.580.000m2 (đủ bố trí cho hơn 330.000 người lao động), đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020.
Về bố trí nguồn vốn, theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163/ 9.000 tỉ đồng, chỉ chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Đề nghị đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025
Đại biểu Nguyễn Đình Khang nêu thực tế: Mặc dù, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Tổng LĐLĐVN có nhiều nỗ lực song các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu trầm trọng, cách xa với nhu cầu nhà ở cho người lao động. Do vậy, hầu hết công nhân, người lao động phải thuê nhà tại các khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các khu công nghiệp.
Mô hình nhà trọ rất đa dạng, tuy nhiên do pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn cho loại hình nhà trọ này nên chất lượng nhà ở thường không đồng đều. Nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng khoảng 9 - 10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật kèm theo dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của người lao động.
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang nêu các đề xuất:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo nhu cầu và kế hoạch vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo, đề xuất.
Thứ hai, Chính phủ, Quốc hội tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp.
Bao gồm: Quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp;
Sửa đổi pháp luật thuế để các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê được hưởng ưu đãi, đảm bảo đồng bộ với pháp luật về nhà ở;
Bổ sung hình thức bán nhà cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuê để doanh nghiệp cho công nhân của mình thuê lại;
Sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà công nhân khu công nghiệp trong các pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở... theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Khang, đây là cơ hội, điều kiện chăm lo cho công nhân - lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nhưng rất dễ bị tổn thương, hướng đến xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị Quyết 02 NQ/TW của Bộ Chính trị.
“Điều này chính là sự thể hiện tính ưu việt của chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn xã hội đến công nhân lao động, chắc chắn công nhân lao động cả nước sẽ yên tâm hăng say lao động sản xuất, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”- đại biểu Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.