Người Việt tại Lào tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu

Khánh Minh |

Đại lễ Vu Lan báo hiếu là hoạt động thường niên do chùa Phật Tích Vientiane tổ chức nhằm gìn giữ văn hoá truyền thống trong đời sống văn hoá của cộng đồng người Việt tại Lào.

Sáng 12.8 (tức ngày 15.7 âm lịch), tại chùa Phật Tích thủ đô Vientiane (Lào) đã diễn ra Đại lễ Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2566 với sự tham dự của các chư tăng, ni, Phật tử Lào và Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Vientiane.

Đây là hoạt động thường niên do chùa Phật Tích Vientiane tổ chức nhằm gìn giữ văn hoá truyền thống trong đời sống văn hoá của cộng đồng người Việt tại Lào, đồng thời cũng là dịp để bà con Phật tử bày tỏ tấm lòng hiếu kính đối với các bậc sinh thành.

Đại lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Phật Tích Vientiane được tổ chức với các nghi thức truyền thống của cả Phật giáo Lào và Việt Nam, điều góp phần cho thấy mối quan hệ đặc biệt và sự gắn kết chặt chẽ của chư tăng, ni, Phật tử hai nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Minh Quang, trụ trì chùa Phật Tích đã nhắc lại lịch sử nguồn gốc và ý nghĩa sâu sắc của ngày lễ Vu Lan trong đạo Phật.

Theo Thượng toạ Thích Minh Quang, lễ Vu Lan báo hiếu là nét đẹp truyền thống văn hoá tâm linh của mỗi người con đất Việt, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Lào nói riêng.

Được khánh thành cuối năm 2010 với diện tích hơn 2.000 m2, chùa Phật Tích Vientiane không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo người con đất Việt xa xứ trên đất nước Triệu voi, mà còn là nơi đoàn kết bà con cùng hướng về Tổ quốc. Đây cũng là nơi gìn giữ, bảo tồn bản sắc và quảng bá văn hóa của dân tộc Việt tại đất nước Lào anh em.

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mùa Vu Lan báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì vậy, đây là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và được Phật giáo coi là ngày lễ quan trọng trong tháng 7 âm lịch hằng năm.

Đại lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Ảnh: Khánh Minh
Đại lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Ảnh: Khánh Minh

Theo quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Vu Lan là dịp để chúng ta nghĩ đến “tứ đại ân” nghĩa là ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn thầy bạn và ơn xã hội.

Trước hết, mỗi người cần thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đối với ơn quốc gia, chúng ta hãy tri ân các anh hùng dân tộc đã hy sinh, hãy là những người công dân tốt. Ơn thầy bạn là sự trân trọng những người dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, đạo đức cho chúng ta trong cuộc sống. Ơn xã hội là biết ơn mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, chẳng hạn như trong thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua, đã có biết bao bác sỹ, chiến sỹ tuyến đầu vất vả ngày đêm. Chúng ta cần tri ân họ sâu sắc.

Đại lễ Vu lan có thể tổ chức vào các ngày trong tháng 7 âm lịch, chính lễ vào rằm tháng 7 (tức ngày 12.8.2022). Nội dung gồm: Tụng kinh-sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà…; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sỹ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu; nghi thức “Bông hồng cài áo” tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sỹ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ…

Trước tháng 7 âm lịch, hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra thông bạch số 317 về tổ chức lễ Vu Lan theo tinh thần Phật giáo truyền thống, tránh những hình thức mê tín dị đoan.

Theo đó, trong khâu tổ chức mua sắm lễ, các cơ sở tự viện tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống.

Người dân không đốt nhiều vàng mã, nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tại tư gia của các gia đình, nếu mọi người tổ chức nghi lễ có đông người tham gia thì phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương.

Khánh Minh
TIN LIÊN QUAN

Đoàn kết, chăm lo hơn nữa đời sống bà con kiều bào

PHẠM ĐÔNG |

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cho biết, sau nhiều năm hoạt động, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã đạt được nhiều thành công, góp phần giữ vững bản sắc dân tộc Việt Nam cho kiều bào tại châu Âu.

Liên Hợp Quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người

Thanh Hà |

Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tôn giáo

Song Minh |

Việt Nam và Lào sẽ tổ chức trao đổi kinh nghiệm về công tác tôn giáo bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm thúc đẩy công tác tôn giáo đạt hiệu quả cao hơn nữa, góp phần bảo vệ độc lập và ổn định của 2 nước.

Đoàn kết, chăm lo hơn nữa đời sống bà con kiều bào

PHẠM ĐÔNG |

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cho biết, sau nhiều năm hoạt động, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã đạt được nhiều thành công, góp phần giữ vững bản sắc dân tộc Việt Nam cho kiều bào tại châu Âu.

Liên Hợp Quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người

Thanh Hà |

Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tôn giáo

Song Minh |

Việt Nam và Lào sẽ tổ chức trao đổi kinh nghiệm về công tác tôn giáo bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm thúc đẩy công tác tôn giáo đạt hiệu quả cao hơn nữa, góp phần bảo vệ độc lập và ổn định của 2 nước.