Những sáng kiến giá trị
Khi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.Huế phát động chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, anh Trần Ngọc Vĩ - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí-Xây lắp, Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế - liền tham gia.
Đề tài anh Vỹ đăng ký là “Nghiên cứu tiết kiệm chi phí sản xuất trong công tác sửa chữa và bảo dưỡng các phương tiện - thiết bị xe ôtô cơ giới chuyên dùng và máy móc phục vụ cho công tác vận chuyển của đơn vị”.
Anh Vỹ cho biết, là người đứng đầu xí nghiệp, anh luôn trăn trở làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà công ty tin tưởng giao phó.
“Nghiên cứu, cải tiến các phương tiện, thiết bị chuyên dùng để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động luôn được tôi tập trung thực hiện” - anh Vỹ chia sẻ.
Với sáng kiến này, anh Vỹ đã gia công lắp đặt mới bộ tời cẩu xuồng đựng rác dung tích 10m3 cho xe cuốn ép 3 chức năng trong 1. Chi phí cải tiến lắp đặt thấp, nhưng hiệu quả mang lại khá lớn.
Anh Vỹ cho biết, sau khi cải tiến, thay vì xe cuốn ép chở mỗi lần một xuồng rác thì nay cuốn ép được 5 xuồng một lần chở, vừa tiết kiệm được công vận chuyển vừa tiết kiệm được nhiên liệu tiêu hao. Sáng kiến này của anh Vỹ giúp công ty tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng/năm.
Với sáng kiến “Trạm bảo vệ rừng lắp ghép”, anh Lê Nguyên Bảo - Phó Trưởng phòng Tài vụ Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Nam Hòa cũng giúp công ty làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Bảo cho hay, việc xây dựng các trạm để bảo vệ khu vực rừng tự nhiên luôn là một vấn đề nan giải cho công ty, do các trạm bảo vệ thường xây dựng các vị trí trọng yếu, nằm trong rừng sâu, có nơi không có đường đi cũng như phương tiện để vận chuyển vật liệu.
Ngoài tiết kiệm kinh phí, sáng kiến “Trạm bảo vệ rừng lắp ghép” còn dễ thi công, không đòi hỏi nhân công có tay nghề và khi cần thiết có thể tháo để chuyển sang vị trí khác.
Tiếp tục lan tỏa
Nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), ngay từ đầu năm 2022, LĐLĐ huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã phát động phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” gắn với thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đến 100% Công đoàn cơ sở.
Đối với khối doanh nghiệp, nội dung thi đua tập trung vào “hiến kế” để tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới, tiết kiệm nguyên vật liệu nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Còn ở khối giáo dục và đào tạo, thi đua được tập trung vào dạy giỏi, “Đổi mới phương pháp dạy và học” và thi đua “Làm đồ dùng dạy học”…
Kết quả, năm 2022, toàn huyện Gia Lâm có 685 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp cơ sở; 58 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp trên cơ sở, LĐLĐ huyện Gia Lâm quyết định công nhận và khen thưởng cho 39 CNVCLĐ, trong đó có 32 sáng kiến, sáng tạo thuộc lĩnh vực sản xuất - kinh doanh giá trị làm lợi hơn 11 tỉ đồng.
Tiêu biểu có thể kể đến sáng kiến “Cải tiến phương pháp kết dính silicon trong sử dụng khuyên Inox (sản xuất khuôn mẹ) của công nhân Lê Viết Văn làm lợi cho Công ty TNHH Lixil Việt Nam 2,3 tỉ đồng; đề tài thiết kế, lắp đặt băng tải vận chuyển sản phẩm trong bộ phận sản xuất của công nhân Đặng Khắc Thọ đã làm lợi cho Công ty TNHH Lixil Việt Nam 1,965 tỉ đồng; hay như sáng kiến giảm chi phí nguyên vật liệu tại trạm xử lý nước thải số 3 của công nhân Nguyễn Thế Tiến - Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam - đã làm lợi cho công ty 787 triệu đồng…
Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể khẳng định, phong trào thi đua đã góp phần tích cực, giúp doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời cũng là động lực kịp thời động viên, cổ vũ CNVCLĐ tích cực lao động sản xuất, nghiên cứu sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của huyện và Thủ đô.
Ông Nguyễn Đức Thể cho biết, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn của huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; đưa phong trào thi đua phát triển cả về bề rộng, chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn và trở thành một trong những nội dung hoạt động Công đoàn hằng năm.
Các cấp Công đoàn huyện sẽ tiếp tục động viên CNVCLĐ thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất và công tác; tìm giải pháp tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư năng lượng, thay thế vật tư nhập ngoại bằng vật tư trong nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.