Nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong mọi ngành nghề, lĩnh vực.
PGS, TS Nguyễn Thị Kim Dung - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân trong thời điểm hiện nay là việc làm rất cần thiết. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam đang có xu hướng giảm, Việt Nam bắt đầu bước vào trạng thái “bình thường mới”, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh để phục hồi kinh tế.
Công nhân Việt Nam sau thời gian không tham gia sản xuất hoặc bị gián đoạn sản xuất đã bị ảnh hưởng đến ý thức chấp hành kỷ luật lao động. Để quá trình phục hồi sản xuất có hiệu quả cao nhất, các chủ thể cần nhận thức và hành động đúng để nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động.
Vận dụng sáng tạo quan điểm Hồ Chí Minh về ý thức chấp hành kỷ luật lao động của công nhân, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức công đoàn và bản thân mỗi công nhân cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, hệ thống hóa và hoàn thiện những luật có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công nhân, như pháp luật lao động, tiền lương… Các luật ban hành cần bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, quy định cụ thể để giảm bớt tình trạng chờ hướng dẫn mới thi hành. Tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, giáo dục pháp luật để công dân hiểu và tự giác chấp hành. Các quy tắc pháp lý cần chú ý vấn đề dung hòa các lợi ích khác biệt.
Thứ hai, Công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân. Mục đích của hoạt động này là nhằm hình thành và mở rộng tri thức, hiểu biết pháp luật cho công nhân, tạo tình cảm và lòng tin của họ đối với pháp luật; hình thành động cơ và thói quen sống và làm việc theo pháp luật. Công đoàn cần tập trung phổ biến về pháp luật lao động và Luật Công đoàn, làm rõ quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia quan hệ lao động.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật. Thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã quan tâm đổi mới hình thức, phương pháp để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật lao động cho công nhân.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật lao động trong doanh nghiệp. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của cả người sử dụng lao động và người lao động, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Đồng thời, phát hiện những nội dung bất cập, không khả thi của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thực hiện đồng bộ các chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy dân chủ và giữ vững kỷ cương trong xã hội. Thông qua công tác đấu tranh chống vi phạm pháp luật, bảo đảm công bằng xã hội, ý thức pháp luật của công nhân sẽ được củng cố và không ngừng nâng cao.
Thứ năm, mỗi công nhân phải luôn tự ý thức rèn luyện bản thân, tích cực tìm hiểu các quy định pháp luật, tìm hiểu phương pháp để thực hiện các quy định có một cách hiệu quả. Hình thành tư duy, thói quen, tác phong, kiên trì, quyết tâm thực hiện các hành vi đúng đắn để biến việc chấp hành kỷ luật lao động thành thói quen trong mọi lúc, mọi nơi, tự nguyện, không cưỡng bức.
Xây dựng công nhân có ý thức và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ việc nâng cao nhận thức về chính trị, kinh tế, xã hội cho công nhân Việt Nam, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân, trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ; đảm bảo và phát huy quyền con người, quyền công dân.
Theo ông Hòa, cần thực hiện cuộc vận động xây dựng người công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa với các nội dung như trách nhiệm công dân, tinh thần học tập, trau dồi tri thức; có ý thức và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội; sống có nghĩa tình, có văn hóa, có lư tưởng.
Tiếp tục, xây dựng và thực hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân; đề cao trách nhiệm, tính tự giác của người sử dụng lao động và của công nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật.
Ngoài ra, phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đối với công tác tuyên truyền, giáo dục trong công nhân. Quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tình hữu ái trong giai cấp công nhân.