Dự lễ khai giảng có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật và PGS.TS Nguyễn Hiệp Thương - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn; TS Lê Cao Thắng - Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công đoàn; TS Nguyễn Đức Tĩnh - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Đây là lớp đào tạo lý luận và nghiệp vụ công tác Công đoàn dành cho cán bộ Công đoàn trực thuộc cơ quan Tổng Liên đoàn; Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang; Công đoàn của Đại học Huế và một số đơn vị khác.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật nhấn mạnh, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trường Đại học Công đoàn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công đoàn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 10b/NQ-BCH ngày 12.10.2020 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khoá XII) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn trong giai đoạn mới”.
Để đảm bảo chất lượng của lớp học, Phó Chủ tịch Trần Văn Thuật yêu cầu Trường Đại học Công đoàn sắp xếp, phân công giảng viên tham gia giảng dạy có chất lượng, bố trí cơ sở vật chất, đường truyền Internet, phần mềm, tài liệu, sắp xếp chương trình để có kế hoạch giảng dạy và học tập phù hợp, chất lượng tốt nhất; quản lý và đánh giá kết quả học tập của các học viên một cách thực chất…; Ban Tổ chức, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công đoàn thường xuyên quan tâm, động viên cán bộ Công đoàn tham gia khóa đào tạo…
Để khóa đào tạo đạt kết quả tốt, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn đề nghị các học viên tham gia khóa học nêu cao tinh thần trách nhiệm khắc phục khó khăn, bố trí thời gian công tác hợp lý để tham dự đầy đủ các buổi trao đổi của giảng viên; tích cực thảo luận, tương tác 2 chiều để bổ sung thực tiễn hoạt động Công đoàn từ cơ sở gắn với đặc thù của ngành, của cơ quan, đơn vị, địa phương.