Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - nhấn mạnh, hội nghị là một cơ hội tốt để lãnh đạo thành phố được lắng nghe ý kiến đóng góp, hiến kế của kiều bào, các đại biểu là doanh nhân, đại diện doanh nghiệp kiều bào để cùng tìm ra giải pháp đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cộng đồng kiều bào trong và ngoài nước, các hội đoàn, doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tiếp tục quan tâm chia sẻ trách nhiệm, đóng góp những ý kiến, giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", qua đó góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi với lãnh đạo các sở, ngành thành phố, đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài về công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài; giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Theo ông Phạm Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ - Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phần lớn hàng Việt Nam đang xuất khẩu theo các hãng nước ngoài mà thiếu kênh nhập khẩu từ các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian tới, cần thiết lập mạng lưới doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy kênh phân phối tại thị trường nước ngoài; thúc đẩy thành lập các hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài làm đầu mối, kết nối kênh tiêu thụ hàng Việt và phòng tránh rủi ro thị trường.
Bên cạnh đó, tăng cường kết nối, tổ chức nhiều diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài để giới thiệu và đưa hàng hóa Việt Nam ra quốc tế.
Phát biểu trực tuyến, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - cho rằng, với hơn 330 triệu dân, Mỹ là đối tượng và thị trường tiềm năng của hàng hóa Việt Nam.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các thỏa thuận ghi nhớ đã ký kết giữa hai nước, tận dụng tiềm năng thị trường các khu vực có đông người Việt sinh sống, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của người Việt, nhất là các bang có thế mạnh của người Việt tại Hoa Kỳ.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Hòa - đại diện Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia - cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia thúc đẩy triển khai đa dạng các chương trình xúc tiến thương mại, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để quảng bá tiêu thụ hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản, hàng dệt may, trái cây để thâm nhập vào thị trường Australia.
Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động nghiên cứu các ngành hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu hàng hóa, kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở Australia có hệ thống phân phối hàng hóa và mở các trang điện tử bằng tiếng Anh giới thiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước này.
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nhân kiều bào đã đóng góp ý kiến, khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm, mong muốn được sử dụng hàng hóa Việt Nam, sẵn sàng giới thiệu, quảng bá và góp phần xây dựng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước sở tại.
Các doanh nhân kiều bào cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề ra giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế như tập trung hơn nữa vào nguồn khách hàng là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; xác định danh mục và tập trung cho nguồn hàng hóa Việt Nam đảm bảo chất lượng và phù hợp với thị hiếu thị trường quốc tế; tận dụng hệ thống kênh phân phối sẵn có của kiều bào ở nước ngoài; tận dụng sự phát triển của công nghệ và tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia để đưa hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng trên thế giới…