7 ngày 3 cuộc gặp lớn của Thủ tướng: Chung một thông điệp
Từ 3.9 đến 9.9, tức là chưa đầy 1 tuần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 3 cuộc gặp lớn với các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là những đối tác quan trọng của Việt Nam.
Ngày 3.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc với lãnh đạo nhà máy Samsung tại tỉnh Thái Nguyên. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của các doanh nghiệp FDI, trong đó có Samsung.
Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định nhân dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của mọi chính sách. Các doanh nghiệp FDI, trong đó có Samsung, là một thành tố của nhân dân. Chiến thắng dịch bệnh có đạt được hay không phụ thuộc vào đóng góp của nhân dân. Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và mong muốn Samsung đã và sẽ tiếp tục tin tưởng, tích cực hợp tác, đóng góp vào công tác phòng chống dịch tại Việt Nam.
Trên nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục có chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo phúc lợi xã hội cho công nhân cả về vật chất và tinh thần. Ông khẳng định, đây là bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, Việt Nam không hy sinh phúc lợi xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Một ngày sau, ngày 4.9, Thủ tướng làm việc với Đại diện Đại sứ quán Mỹ và một số doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn có chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam. Tại đây, đại diện của một số doanh nghiệp Mỹ đã báo cáo Thủ tướng tình hình hoạt động tại Việt Nam, đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất liên quan đến việc duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, tổ chức sản xuất, cấp phép làm việc và di chuyển nội địa cho các chuyên gia, tiếp cận nguồn vaccine, thủ tục hành chính, thuế và phí…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: “Chính phủ Việt Nam luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp nước ngoài, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp đang đối mặt”.
Thủ tướng khẳng định đây chỉ là những khó khăn nhất thời, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành tiếp tục lắng nghe, giải quyết kịp thời, hiệu quả khó khăn, vướng mắc, triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài nói riêng và cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung trong giai đoạn khó khăn hiện nay để không làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất; bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động.
Thủ tướng cho rằng, đại dịch COVID-19 là vấn đề toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu, đòi hỏi các bên đoàn kết, chia sẻ, thông cảm lẫn nhau, chung tay ứng phó trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Và ngày 9.9, Thủ tướng lại có cuộc gặp với các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU), Đại sứ các nước EU, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) và một số tập đoàn, doanh nghiệp của Châu Âu tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp này, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các bên, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp EU và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép; những gì đã làm được phải làm tốt hơn, khi chưa có giải pháp căn cơ thì chọn giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể.
Nghị quyết 105: Giải toả nhiều rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư
Nghị quyết 105 của Chính phủ ban hành ngày 9.9 khẳng định quan điểm tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp.
Nghị quyết tập trung vào 4 điểm chính: Một là, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hai là, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Ba là, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền. Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị quyết 105 ra đời kịp thời đã thể hiện những giải pháp cụ thể, trong đó có những cam kết của Việt Nam mà Thủ tướng đã đưa ra trong các cuộc gặp gỡ với những đối tác lớn.
Điểm nhấn quan trọng nêu trong Nghị quyết 105 đối với doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư nước ngoài là các giải pháp đảm bảo việc duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bên cạnh các biện pháp phòng dịch phù hợp với thực tiễn; xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn cụ thể, thống nhất, tạo thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện phương án tổ chức sản xuất trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đồng thời với các chuyên gia và lao động nước ngoài thực hiện nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao, làm việc trong các chuỗi cung ứng tại doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI.
Rõ ràng, những động thái mới nhất cho thấy những nỗ lực, sự cầu thị của Việt Nam trên tinh thần luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
Bởi việc các doanh nghiệp FDI nhanh chóng khôi phục, ổn định sản xuất tạo sức khoẻ cho nền kinh tế. Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thành công của doanh nghiệp FDI cũng là thành công của Việt Nam”.