Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động đến mọi nhà, mọi người, mọi doanh nghiệp, mọi lĩnh vực, mang đến nhiều cơ hội nhưng đặt ra không ít thách thức cho người lao động. Cùng với sự cộng hưởng tác động của dịch bệnh COVID - 19 làm cho khó khăn, thách thức vốn đã nặng nề này còn nặng nề hơn. Để vượt lên thách thức đó, tổ chức công đoàn và người lao động phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận, thay đổi chính mình, đó là trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong với sự dẫn dắt của Nhà nước thông qua các chính sách phù hợp. Người lao động là nhân tố có vai trò quan trọng, là người biến công nghệ thành sản phẩm, mang tình cảm, trách nhiệm của mình đến các sản phẩm, dịch vụ chung cho xã hội. Nhưng, người lao động không thể đứng một mình mà cần sự hợp tác, chung tay của các bên để biến mục tiêu thành hiện thực.
“Tại diễn đàn này, chúng ta cùng nhìn nhận vấn đề đặt ra, cùng thảo luận, trao đổi, hợp tác để đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp. Về phía tổ chức Công đoàn Việt Nam, chúng tôi cam kết nỗ lực cao nhất để tuyên truyền, vận động người lao động tự thay đổi; tiếp tục nâng cao kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp, để có việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” – ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, các diễn giả tham gia 2 phiên thảo luận về các nội dung: Mở rộng phạm vi và khái niệm hợp tác đa bên trong cải thiện năng lực sẵn sàng thích ứng của người lao động trong bối cảnh lớn hơn của nền kinh tế số bao trùm; tác động, hàm ý của cách mạng công nghiệp 4.0 tới quan hệ lao động, đi sâu vào hai nhánh giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0: xây dựng và thúc đẩy văn hóa tổ chức bao trùm – đa và thúc đẩy vai trò của công nghệ nâng cao vị thế cho người lao động.
Diễn đàn Đa phương là một sáng kiến của Samsung Việt Nam, bắt đầu được tổ chức thường niên tại Việt Nam từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp. Thông qua sự kiện thường niên này, các tư tưởng, giải pháp, sáng kiến được chia sẻ và thảo luận, từ đó cảm hứng hành động và năng lượng tích cực được lan tỏa, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả.
Theo khảo sát của Viện phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và Viện phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) được trình bày tại diễn đàn, có tới 42,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát chưa có chuẩn bị gì về lực lượng lao động cho cách mạng 4.0; trong khi đó chỉ có 6% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã có kế hoạch và đang triển khai có kết quả. Khảo sát này cũng nhấn mạnh rằng, trong thời kỳ công nghiệp 4.0, các kỹ năng mềm vẫn đóng vai trò quan trọng.