5 "dự án bom tấn" mở đầu năm 2021
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), chỉ riêng những tháng đầu năm 2021, 5 dự án đầu tư nước ngoài (đầu tư FDI) với quy mô lớn đã rót nguồn vốn khả quan vào Việt Nam.
Với tư cách là “cánh chim đầu đàn” về thu hút đầu tư FDI trong những tháng đầu năm, ngoài Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) so tổng vốn đăng ký “khủng” trên 3,1 tỉ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh ngày 19.3.2021), tỉnh Long An còn có 1.111 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 9,17 tỉ USD; trong đó có 588 dự án hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 3,624 tỉ USD, đạt 39,4% tổng vốn đăng ký.
Tỉnh Cần Thơ xếp thứ 2 về thu hút đầu tư FDI. Đầu năm 2021, Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỉ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ đã được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 22.1.2021).
TP.Hải Phòng cũng được xếp vào “tốp” các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay, dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD (giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cấp ngày 4.2.2021).
Tại Quảng Ninh, Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hong Kong) có tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác tại Quảng Ninh (Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 29.3.2021).
Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD (Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cấp ngày 6.1.2021).
Quy mô vốn đầu tư FDI tăng mạnh
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tính sơ bộ, trong quý I/2021, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỉ USD. Trong đó có 451 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,46 tỉ USD, tuy giảm giảm 54,2% về số dự án nhưng tăng 24,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỉ USD, chiếm gần 39,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam;
Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỉ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư (trong đó vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 91,1% và 71,5% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này);
Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỉ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hongkong, Hoa Kỳ…
Trao đổi với PV Lao Động chiều 23.5, PGS TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), nhấn mạnh: Xét về tính bền vững của các dự án đầu tư FDI, nếu tính bền vững theo tiêu chí môi trường thì có thể bảo đảm vì Việt Nam có kinh nghiệm trong thẩm định và quyết định dự án nào không tốt cho môi trường.
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021, 3 lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư bao gồm bất động sản nhà ở, bất động sản văn phòng và bất động sản công nghiệp. Đặc biệt trong năm 2020 và 2021, nhu cầu về văn phòng tăng trưởng mạnh.
Tính đến hết quý I/2021, tổng vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản là 0,6 tỉ USD, tăng 56% so với cùng kỳ, chiếm 5,9% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.