Xây dựng văn hóa đọc cho người lao động
Công ty TNHH Canon Việt Nam hiện có 3 nhà máy tại Việt Nam, với hơn 21.000 công nhân lao động. Trong thời gian qua, công đoàn cơ sở đã phối hợp tốt với lãnh đạo Công ty TNHH Canon Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đoàn viên, người lao động. Trong đó, chú trọng tới việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Ông Nguyễn Anh Ngọc - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam - cho biết, Ban Chấp hành Công đoàn và Phòng Hành chính nhân sự của công ty đã đầu tư xây dựng thư viện để phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của cán bộ, công nhân viên. mỗi nhà máy một thư viện với hơn 7.360 đầu sách, báo.
“Đặc biệt, trong thư viện, chúng tôi đã đặt một góc mang tên “Góc báo Công đoàn” - tại đây, có các loại báo của hệ thống Công nhân Việt Nam như Báo Lao Động, Báo Lao Động Thủ đô; sách liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Sổ tay cán bộ công đoàn…
Tranh thủ thời gian rảnh - giờ nghỉ trưa, sau khi tan ca - người lao động thường tới thư viện để đọc sách, báo qua đó cập nhật được những thông tin mới nhất liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của mình” - ông Ngọc cho hay.
Sau những giờ làm việc, nữ công nhân Đỗ Thị Kim Dung - Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) thường tìm đến “Góc báo Công đoàn” để tìm đọc các loại sách, báo có nội dung liên quan đến chính sách BHXH, việc làm, công đoàn…
“Vào thư viện tôi thường tìm đọc những tờ báo của tổ chức Công đoàn như Báo Lao Động, Báo Lao Động Thủ Đô… Bởi trong các tờ báo này có nhiều bài viết về đời sống, việc làm của công nhân lao động cũng như hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đặc biệt, tôi thường chú ý đến chuyên mục “Hỏi - Đáp” - thông qua chuyên mục đã giúp tôi và các đồng nghiệp tiếp cận, nâng cao hiểu biết về các kiến thức pháp luật, nhất là những kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động như Luật Lao động, Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp... từ đó có thể hiểu rõ về quyền lợi của mình” - chị Dung chia sẻ.
Phấn đấu mỗi đơn vị có ít nhất 1 tủ sách
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội - cho biết, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các công đoàn cơ sở trực thuộc căn cứ điều kiện thực tế, triển khai phát triển văn hóa đọc trong CNVCLĐ Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
“Việc xây dựng, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong CNVCLĐ, sẽ góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - bà Đặng Thị Phương Hoa cho hay.
Theo lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội, các cấp công đoàn cần tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của CNVCLĐ và các cấp Công đoàn Thủ đô về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc.
Khuyến khích mô hình tủ sách, thư viện, phấn đấu mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có ít nhất 1 tủ sách hoặc thư viện. Vận động CNVCLĐ xây dựng văn hóa đọc, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, xây dựng thói quen đọc sách phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân.
Phấn đấu để CNVCLĐ có kĩ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí.
LĐLĐ các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, tham mưu Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” tại địa phương bổ sung tiêu chí về tủ sách, thư viện trong tiêu chuẩn xét công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.