Tổ dân phố phối hợp cảnh sát khu vực xác nhận cư trú
Trên chiếc bàn làm việc, tệp hồ sơ dày cộm xếp thành chồng vừa được chị Đặng Hương Ly - cán bộ lao động thương binh xã hội (phường Giáp Bát) mang tới bàn làm việc của bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để xem xét, rà soát và kiểm tra lại. Đây là tập hồ sơ những người lao động tự do, lao động mất việc làm nhưng không có giao kết hợp đồng đề nghị được hưởng hỗ trợ chính sách do dịch COVID-19.
Cán bộ tổ dân phố trên địa bàn phường đã phải đi từng ngõ, từng nhà, để rà từng đối tượng, kịp thời lập danh sách, hồ sơ để hỗ trợ người lao động. Yêu cầu này được lãnh đạo UBND phường Giáp Bát nhấn mạnh tới từng tổ dân phố trên địa bàn trong việc rà soát, hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Kết quả, có hơn 1.000 hồ sơ đủ điều kiện được trình hội đồng xét duyệt của phường, 537 hồ sơ đã được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng kịp thời để đảm bảo cuộc sống trong những ngày giãn cách.
Rà soát lại một lượt danh sách về các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, bà Hoa cho biết, dù hồ sơ hưởng hỗ trợ đã đơn giản thủ tục nhiều, tuy nhiên vẫn có những đối tượng gặp khó. Đặc biệt là nhiều người lao động tự do sinh sống trên địa bàn phường nhưng chưa thực hiện các thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng, chứng minh về nơi cư trú…
“Trước thực tế đó, UBND phường yêu cầu các tổ trưởng tổ trưởng tổ dân phố phải chuyển đơn đề nghị hưởng hỗ trợ tới từng hộ, đồng thời phối hợp cùng cảnh sát khu vực xác nhận cư trú cho người dân. Cùng với đó, phường cũng không yêu cầu người dân phải nộp xác nhận không đề nghị hưởng hỗ trợ nơi thường trú mà thay vào đó sẽ gửi thông báo về địa phương đối với những người đã hưởng hỗ trợ” - bà Hoa nói và cho hay, việc này đảm bảo công khai, minh bạch và quan trọng nhất giúp được người lao động tiếp cận chính sách một cách thuận tiện nhưng không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.
Hỗ trợ các túi an sinh tới người lao động, gia đình khó khăn
Đó là cách cán bộ phường tháo gỡ vướng mắc cho lao động tự do trên địa bàn phường Giáp Bát. Còn tại địa bàn phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), ông Lâm Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân cho biết: Tại địa phương, tổ trưởng tổ dân phố, Ban Công tác mặt trận rà soát các trường hợp không có giao kết hợp đồng, lao động tự do hướng dẫn cho nhân dân thực hiện. Từ tổ dân phố, các ban, ngành đoàn thể rà soát tổng hợp và gửi hội đồng xét duyệt của phường.
“Hội đồng xét duyệt của phường thời gian vừa qua cũng đã xét duyệt được gần 300 trường hợp. Những trường hợp này cũng đã được hỗ trợ tận tay, kịp thời, giúp người lao động trong lúc đang thực hiện giãn cách xã hội. Mỗi trường hợp được hỗ trợ 1,5 triệu đồng” - ông Thảo nói.
Cũng theo ông Thảo, trên địa bàn phường hiện nay còn khoảng 200 trường hợp thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này. Thời gian tới, hội đồng xét duyệt của phường sẽ tiếp tục họp xét duyệt trên cơ sở đề xuất của tổ dân phố để tiếp tục hỗ trợ người dân. Những việc này đều được công khai, niêm yết trên hệ thống cầu thang văn hoá, qua các nhóm zalo của tổ dân phố để tuyên truyền nhân dân.
Ông Thảo cũng cho biết, đối với những trường hợp không có giấy tờ thể hiện cư trú trên địa bàn như đăng ký tạm trú, xác nhận cư trú… thì tổ trưởng tổ dân phố, cùng cảnh sát khu vực, ban công tác mặt trận đề xuất để hội đồng xét duyệt ở phường xem xét. Các đơn vị như cảnh sát khu vực, tổ dân phố cũng tạo điều kiện để người lao động có thể hoàn thành được thủ tục này.
Ngoài ra, theo ông Thảo, các tổ chức, ban, ngành đoàn thể của phường, tổ dân phố cũng rà soát với các đối tượng gặp khó khăn, đối tượng lao động tự do chưa hoàn thiện được hồ sơ đề nghị hưởng chính sách để kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm, các túi quà an sinh, không để ai bị đói, đứt bữa trong thời gian giãn cách xã hội này.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, sau khi Sở đề xuất, thành phố đã đồng ý tháo gỡ vướng mắc về thủ tục xác nhận để lao động tự do hưởng 1,5 triệu đồng theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỉ đồng).
Như vậy, người lao động tự do, đang cư trú trên địa bàn khi nộp hồ sơ không phải nộp kèm thêm xác nhận không nhận hỗ trợ ở nơi thường trú (ở quê) do giãn cách xã hội. Nếu người lao động được hưởng hỗ trợ thì sẽ gửi thẳng thông báo về địa phương. Như vậy tiết kiệm được thời gian và hỗ trợ kịp thời cho người lao động. Đồng thời, các cấp chính quyền cần tiếp nhận hồ sơ hằng ngày bằng hình thức thuận lợi nhất cho người lao động. Sau khi có những tháo gỡ này, nhiều người lao động được tiếp cận gói hỗ trợ kịp thời hơn.
Theo số liệu từ Sở LĐTBXH Hà Nội, đến 17h ngày 8.9.2021, 30/30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 123.398 lao động tự do với số tiền 185,09 tỉ đồng (trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho 101.553 lao động với số tiền 152,32 tỉ đồng). Các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Ba Đình, Tây Hồ, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đống Đa đã phê duyệt và thực hiện tương đối nhanh nhóm chính sách này.