Về những bản tuyên ngôn bất hủ khẳng định chủ quyền đất nước

HOÀNG KHÔI |

Những ngày tháng Chín hằng năm, vào dịp Quốc Khánh chúng ta thường nhắc tới bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945. Đó là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn tuyên bố chấm dứt chế độ thuộc địa phong kiến ở nước ta và mở ra kỷ nguyên độc lập tự do của dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

1. “Tuyên ngôn Độc lập” là một văn kiện lịch sử lớn, đã tổng kết về một thời kỳ đầy đau thương nhưng vô cùng anh dũng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và khẳng định mạnh mẽ quyền tự do độc lập của nước Việt Nam trước đồng bào Việt Nam và trước toàn thế giới.

Sức thuyết phục của “Tuyên ngôn Độc lập” được thể hiện ở cách lập luận chặt chẽ, ở những lý lẽ đanh thép và ở những bằng chứng không ai chối cãi được. Mở đầu bản tuyên ngôn, Hồ Chủ tịch đã trích dẫn hai câu ở “Tuyên ngôn Độc lập” của Mỹ và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp để khẳng định một lẽ phải tất yếu về quyền được sống quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc bình đẳng của con người. Đặc biệt, Người bổ sung thêm: “Suy rộng ra, tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ quyền con người đến khẳng định quyền của một dân tộc, lời tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một khẳng định mang giá trị đóng góp lớn trong lý luận cách mạng dân tộc dân chủ. “Tuyên ngôn Độc lập” còn khẳng định một sự thật là nhân dân Việt Nam lấy lại nước từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp bởi Pháp đã bán nước ta cho Nhật và vì thế Pháp không còn độc quyền trên đất nước ta. 

Với “Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức hóa khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để thế giới trông vào, khẳng định chính nghĩa thuộc về dân tộc Việt Nam, chính thức hóa một nhà nước được nhân dân ủng hộ. Bản chính văn này là một sản phẩm của tư duy logic, của lý trí tỉnh táo và nó thuyết phục người đọc bằng lập luận chặt chẽ, ở lý lẽ sắc bén, ở bằng chứng xác thực như đã nói. Song, hơn thế, “Tuyên ngôn Độc lập” còn thuyết phục người đọc bằng hình tượng nghệ thuật. Ở tác phẩm này người ta thấy rất rõ hai hình tượng độc lập nhau, một bên là hình tượng thực dân Pháp, ban đầu là một tên khổng lồ tham lam, độc ác lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng bác ái thi hành những luật pháp dã man, lập nhà tù, ràng buộc dư luận, dùng thuốc phiện rượu cồn làm nòi giống ta suy nhược, cướp ruộng đất hầm mỏ, đặt cả trăm thứ thuế, độc quyền in giấy bạc, bóc lột nông dân, công nhân, đè đầu các nhà tư sản dân tộc... Đúng là một tên khổng lồ, tham lam muốn nuốt chửng mọi giá trị của đất nước ta. Tuy nhiên tên khổng lồ này còn là một kẻ hèn nhát đã quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta trước Nhật. Chưa hết, khi Nhật tước khí giới của quân Pháp thì chúng bỏ chạy hoặc đầu hàng và chỉ trong 5 năm đã hai lần bán nước ta cho Nhật. Thậm chí khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết tù chính trị đang bị giam ở Yên Bái và Cao Bằng. Tên khổng lồ thực dân Pháp ngày càng teo lép, càng bị triệt tiêu trở nên thảm hại! 

Trong khi đó, nhân dân Việt Nam từ chỗ bị áp bức, bị đe dọa, bị bần cùng, thậm chí các cuộc khởi nghĩa bị tắm trong những biển máu càng ngày lại càng lớn mạnh. Nhân dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, đã đánh đổ các xiềng xích thực dân cả trăm năm để xây dựng nước Việt Nam độc lập, để giúp cho người Pháp bằng một thái độ khoan hồng và nhân đạo... Rõ ràng, hình tượng nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, càng tự tin, càng chủ động hoàn toàn xứng đáng với lời khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.

Tuyên ngôn là văn bản của quốc gia, chính phủ, chính đảng, đoàn thể hoặc của nhà tư tưởng công bố nhằm bày tỏ thái độ, lập trường, cương lĩnh trước các vấn đề trọng đại về chính trị, tư tưởng, nghệ thuật. Đó là một văn bản phát biểu công khai với một nội dung tập trung, ý kiến rõ ràng, dứt khoát nhằm thuyết phục và lôi kéo nhiều người ủng hộ chính kiến, quan niệm của người chủ trương.

Trong lịch sử nước ta vẫn tồn tại những bản tuyên ngôn bất hủ khẳng định chủ quyền của đất nước. Xin được nhắc thêm để mọi người cùng ghi nhận.

2. Văn bản có tính tuyên ngôn đầu tiên cần phải được nhắc tới là bài “Quốc tộ”. Một cách chính xác, văn bản này có tên “Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn” (Trả lời nhà vua hỏi về ngôi nước) của thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915 - 990) khi ông trả lời vua Lê Đại Hành (980 - 1005). Nguyên văn: 

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các 

Xứ xứ tức đao binh

(Tạm dịch: Vận nước dài dằng dặc/ Trời Nam một dải thái bình/ Bình thản ở nơi lầu gác/ Khắp nơi không có chiến tranh).

Phương châm trị nước mà thiền sư Pháp Thuận gợi ý cho nhà vua là để gìn giữ vận nước lâu bền thì phải gìn giữ nền thái bình cho muôn dân, trăm họ. Trong cuộc sống, cái gì đến ắt sẽ đến, bởi vậy phải thật sự bình thản, thuận theo lẽ tự nhiên, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì - ý nghĩa của chữ “vô vi” là như thế. Như vậy sẽ tránh được những tai họa của chiến tranh.

Lâu nay, nói đến tuyên ngôn độc lập, tuyên ngôn khẳng định chủ quyền đất nước, người ta hay nói tới bài thơ “Nam quốc sơn hà” tương truyền là của Lý Thường Kiệt (Ngô Tuấn - 1019-1105) cho người đọc trên sông Như Nguyệt để khích động tinh thần chiến đấu của tướng sĩ chiến thắng giặc Tống xâm lược. Dưới đây là một trong nhiều bản dịch bài thơ:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng bay nhất định phải tan vỡ 

(Lê Thước - Nam Trân dịch - SGK Văn 7)

Với bài thơ này, nội dung quan trọng nhất được thể hiện là thái độ khẳng định dứt khoát chủ quyền đất nước và thể hiện một cách sáng tỏ tinh thần bình đẳng dân tộc mà hai chữ “Nam đế” trong nguyên bản “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” được xem như là hai chữ vàng. Nam đế là vua Nam. Trong chữ Hán “đế” và “vương” đều có nghĩa là “vua”, nhưng xét vị trí thì “đế” cao hơn “vương”. Vua Trung Hoa thường cậy mình nước lớn, mình là đế, gọi vua các nước là vương. Bài thơ dùng chữ Nam đế là để tỏ thái độ ngang hàng, bình đẳng với nước Trung Hoa, vua Trung Hoa vậy. Có một chi tiết vui vui: Sau hiệp định Paris về Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là H.Kissinger đến Hà Nội vào xem Bảo tàng lịch sử, được nghe giới thiệu bài thơ này đã nói: Tất cả nội dung Hiệp định Paris các ông đã ghi sẵn ở đây rồi chứ còn gì nữa!

Có thể thấy ở hai bài thơ có một sự bổ sung với nhau nhằm hoàn thiện tinh thần độc lập tự chủ của cha ông xưa.

Cũng ở thời kỳ tự chủ đầu tiên của dân tộc dưới triều Tiền Lê và Lý, Trần còn có hai tác phẩm nữa cũng mang yếu tố tuyên ngôn về thái độ sống và ý thức về chủ quyền dân tộc. Đó là bài thơ của Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải (1241 - 1294) và Thiền sư Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Bài thơ của Trần Quang Khải có tên “Thuật hoài”:

Chương Dương cướp giáo giặc 

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình rèn trí lực

Non nước vững ngàn thu 

(Bản dịch)

Nhớ về những chiến công hiển hách đánh giặc ngoại xâm với những hình ảnh hào hùng cướp giáo, bắt giặc nhưng vị chủ tướng không quên nhắc nhở không được ngủ quên trong chiến thắng vì thời đại mới, đất nước hòa bình thì phải rèn luyện trí và lực. Yếu tố trí lực nhất là trí tuệ là yếu tố cực kỳ cần thiết của giai đoạn sau chiến tranh.

Còn Phật Hoàng Nhân Tông lại đưa ra một quan niệm của nhà Phật để gắn kết đạo với đời. Với khái niệm Phật tại tâm, Trần Nhân Tông đã đánh thức cái tâm thánh thiện bên trong của mỗi con dân Đại Việt để khiến họ phát huy nội lực cùng nhau xây dựng đất nước, cân bằng giữa đời và đạo. Nhà vua luôn hướng về một cuộc sống thánh thiện luôn có những điều tốt lành mà bài phú “Cư trần lạc đạo” thể hiện tâm niệm của người:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền

Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm

Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền

(Bản dịch)

3. Nếu nói đến “Tuyên ngôn độc lập”, bản đầu tiên của dân tộc Việt Nam phải là bản “Đại cáo bình Ngô”. Bản tuyên ngôn này được Nguyễn Trãi (1380 - 1442) thay mặt Lê Lợi viết vào năm 1428 sau khi nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Bình đinh Vương Lê Lợi đánh thắng giặc Minh sau 10 năm trường kỳ gian khổ nằm gai nếm mật và trở thành hoàng đế Đại Việt. Tinh thần của “Đại cáo bình Ngô” là tinh thần nhân nghĩa, an dân trừ bạo ngược. Bằng tư tưởng này bản đại cáo đã bóc trần luận điệu giả dối phò Trần diệt Hồ của giặc Minh chỉ là cái cớ để chiếm nước ta. Cũng chính tư tưởng này, bài cáo cũng khẳng định lập trường chính nghĩa của ta và phi nghĩa của địch. Nếu “Nam quốc sơn hà” trước đó mới đặt ra việc xác định đất nước và dân tộc ở hai phương diện lãnh thổ và chủ quyền, thì “Đại cáo bình Ngô” đã mở rộng ra nhiều phạm vi mang tính chân lý. Đó là những khẳng định về lĩnh vực lãnh thổ, về phong tục tập quán, về chế độ, về văn hiến, về anh hùng hào kiệt...

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc - Nam cũng khác

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có

(Bản dịch)

Đó là những thực tiễn lịch sử không thể nào chối cãi được. 

Thử làm một đối chiếu nhỏ giữa “Đại cáo bình Ngô” (1428) và “Tuyên ngôn Độc lập” (1945) sau này ta sẽ thấy nội dung và nghệ thuật có sự gặp nhau rõ rệt. Cả hai bản tuyên ngôn đều thể hiện rất rõ chân lý về sự tồn tại độc lập có chủ quyền. Cả hai bản đều đưa ra những cáo trạng hùng hồn tội ác của giặc khiến dân ta phải trải qua những ngày điêu linh đẫm máu và nước mắt. Hai bản tuyên ngôn cùng xây dựng được hình tượng nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, càng đẹp sẵn sàng mở đường hiếu sinh khi giặc thất thế và hình ảnh kẻ thù ham sống sợ chết hèn nhát thảm hại. Cả hai bản tuyên ngôn đều là những tác phẩm chính luận sắc bén mang đậm chất hùng ca khẳng định nền độc lập của dân tộc với một niềm tin, “nên công oanh liệt ngàn năm/ Bốn phương biển cả thái bình ban chiếu duy tân khắp chốn” và “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Cả hai bản thiên cổ hùng văn này đều do hai anh hùng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa được thế giới công nhận soạn thảo và công bố.

4. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi một triều đại, một chế độ những người chịu trách nhiệm đứng đầu nhà nước, đứng đầu thể chế đều phải có triết lý để điều hành nhằm bảo tồn và phát triển đất nước. Các triều đại phong kiến tiếp nối nhà Hậu Lê như nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn cũng có những tuyên ngôn đầy tình yêu nước và tự hào dân tộc Việt Nam. Hãy nhớ lời hiểu dụ của vua Quang Trung (1789 - 1992) tại Hội thề ở làng Thọ Hạc tháng 12 năm Mậu Thân: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luận bất phản (thuyền xe chúng không quay về được)/ Đánh cho phiến giáp bất hoàn (không còn mảnh giáp nào)/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ (cho chúng biết nước Nam anh hùng luôn có chủ)”. Chính lời hiểu dụ này đã khiến cho lòng dân Việt ở thời điểm ấy bừng bừng tinh thần chiến đấu nô nức tòng quân mà ca dao xứ Thanh đã ghi nhận. “Thùng thùng trống đánh quân sang/ Chợ Già trước mắt quán Ngang ven đàng/ Qua Chiêng thì rẽ sang Giàng/ Qua quán Đông Thổ vào làng Đình Hương/ Anh đi theo chúa Tây Sơn/ Em về cày cuốc mà thương mẹ già”. Có thể nói đó chính là những tuyên ngôn nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tập quán người Việt, tuyên ngôn về tinh thần quyết tâm đánh giặc, ý thức tự chủ tự cường. Chính tinh thần này đã tiêu diệt hơn 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh mùa xuân 1789 và bảo toàn được non sông đất nước.

Đến hôm nay, nếu có dịp tham quan kinh thành Huế, xin mọi người hãy đến điện Thái Hòa chiêm ngưỡng bốn câu thơ khắc trang trọng trên một bức hoành trước ngai vàng: “Nước ngàn năm văn hiến/ Vạn dặm một sơn hà/ Từ Hồng Bàng khai quốc/ Thịnh trị Việt Nam ta” (Bản dịch). Bốn câu ngũ ngôn tứ tuyệt được treo trước ngai vàng chắc phải là lời của bậc quân vương, thì có thể xem đây cũng là một lời tuyên ngôn đáng tự hào về công cuộc thống nhất giang sơn và tinh thần độc lập của triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX.

Là con dân của một nước độc lập ngàn năm văn hiến, chúng ta hãy ghi nhận những lời răn dạy, bảo ban của cha ông xưa.

HOÀNG KHÔI
TIN LIÊN QUAN

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi đầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

VƯƠNG TRẦN |

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn và đặt nhiều niềm tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc từ những cá nhân lao động tiêu biểu

PHẠM ĐÔNG |

Trong quá khứ, giai cấp công nhân là đội ngũ tiên phong, lực lượng nòng cốt để tiến hành cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại. Đến nay, lực lượng này cũng đang tích cực trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội cùng với đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng: Một dân tộc mạnh phải là dân tộc đoàn kết, hành động mạnh mẽ

NHÓM PV |

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một dân tộc mạnh phải là dân tộc đoàn kết, có ý chí, quyết tâm hành động mạnh mẽ với khát vọng trở thành giàu có, thịnh vượng, bền vững trường tồn.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi đầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

VƯƠNG TRẦN |

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn và đặt nhiều niềm tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc từ những cá nhân lao động tiêu biểu

PHẠM ĐÔNG |

Trong quá khứ, giai cấp công nhân là đội ngũ tiên phong, lực lượng nòng cốt để tiến hành cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại. Đến nay, lực lượng này cũng đang tích cực trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội cùng với đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng: Một dân tộc mạnh phải là dân tộc đoàn kết, hành động mạnh mẽ

NHÓM PV |

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một dân tộc mạnh phải là dân tộc đoàn kết, có ý chí, quyết tâm hành động mạnh mẽ với khát vọng trở thành giàu có, thịnh vượng, bền vững trường tồn.