Ăn nên làm ra giữa dịch bệnh
“Ngay từ tháng 9.2021 đơn vị đã khởi động lại sản xuất” - bà Phan Thị Quyến - Giám đốc Hành chính Công ty TNHH Tỷ Thạc - doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất giày đóng tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết. Tuy mới có trên 300 lao động làm việc, nhưng đã mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp quy mô 4.000 lao động này. Bởi trong vài ngày tới, số lao động làm việc sẽ tăng lên con số trên 1.000.
“10 ngày sau khi tiêm, chúng tôi đưa toàn bộ số lao động này ra ngoài để thực hiện phương thức “1 cung đường 2 điểm đến” và tiếp tục test COVID-19 để đưa thêm 600 - 700 lao động vào làm việc 4 tại chỗ. Chúng tôi vận dụng mọi cách có thể để nâng số lao động vào làm việc” - bà Quyến chia sẻ thêm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng sôi nổi trở lại đường đua sản xuất, kinh doanh. Ngay trong ngày 1.10, ngày đầu tiên TP.Sa Đéc nới lỏng giãn cách, thực hiện theo Chỉ thị 15, Công ty CP Thủy sản Trường Giang - doanh nghiệp chuyên chế biến xuất khẩu cá tra ở Khu Công nghiệp Sa Đéc đã khởi động sản xuất khâu đầu vào.
Theo người đại diện của công ty, trước mắt, doanh nghiệp sử dụng trên 300 lao động, nhưng vài ngày tới, con số này sẽ tăng lên khoảng 800. Đây cũng là bức tranh chung về sự khởi sắc của doanh nghiệp Đồng Tháp ngay giữa những ngày địa phương này đang trên đỉnh cao của dịch COVID-19.
Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - cho biết, đến tuần đầu tháng 10.2021, toàn tỉnh có 200 doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất với 21.000 công nhân. Trong đó, có một số doanh nghiệp đã tăng tốc ngay giữa bão dịch. Điển hình là Doanh nghiệp Tư nhân Bình Loan chuyên sản xuất thực phẩm chay ở TP.Cao Lãnh.
“Ngay từ đầu tháng 9, chúng tôi đã tăng công suất gấp đôi so với thời điểm trước dịch COVID-19” - ông Thái Thanh Bình, chủ doanh nghiệp Bình Loan chia sẻ. Theo đó, mỗi tháng doanh nghiệp cung cấp 10.000 lon sản phẩm cho tập đoàn chuyên cung cấp thực phẩm có chi nhánh toàn quốc. Đây không chỉ là con số lớn so với cơ sở sản xuất quy mô gia đình, mà còn là chuyện lạ bởi thời điểm này cả tỉnh Đồng Tháp đang trên đỉnh dịch. Tuy nhiên với anh Bình tất cả chỉ đơn giản ở chỗ: “Được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Ngay trong tháng 8.2021, 20 lao động tại doanh nghiệp được ưu tiên tiêm vaccine nên chúng tôi rất dễ thuyết phục để người lao động chấp nhận vào làm việc 4 tại chỗ”.
Có cả “vaccine hành chính”
Không ai phủ nhận việc Đồng Tháp ưu tiên vaccine cho doanh nghiệp đã giúp các doanh nhân trụ vững sản xuất, kinh doanh duy trì việc làm cho người lao động trong những ngày dịch COVID-19. Ngay đợt dịch lần thứ 4 vừa xuất hiện, Đồng Tháp đã ưu tiên tiêm vaccine cho 2.000 lao động làm việc 3 tại chỗ tại Khu Công nghiệp Sa Đéc và tinh thần đó tiếp tục duy trì liên tục đến nay.
Tuy nhiên, không dừng lại ở chuyện quan tâm về vaccine y tế, Đồng Tháp còn tăng cường “vaccine hành chính”. Ngay tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã truyền cảm hứng hỗ trợ doanh nghiệp trong từng cán bộ: “Không đổ thừa dịch, không đợi hết dịch mới làm, ngay từ lúc này cả hệ thống chính trị phải xắn tay vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...”.
Theo đó, bên cạnh ưu tiên vaccine COVID-19, ông Nghĩa yêu cầu từng địa phương, ban ngành nghiên cứu, chắt chiu từng cơ hội có thể và xem việc trợ giúp doanh nghiệp như nhiệm vụ chính trị then chốt của cá nhân và đơn vị mình.
Sau hiệu lệnh đó, tùy đặc thù cụ thể mà mỗi ngành, mỗi địa phương có cách vận dụng khác nhau, nhưng tất cả có điểm chung là nỗ lực trợ giúp doanh nghiệp trên Đất Sen Hồng tăng tốc ngay giữa dịch.
Điển hình là Công đoàn các khu công nghiệp, khu kinh tế Đồng Tháp. Sau khi chủ động thành lập 87 Tổ an toàn COVID-19 với 400 thành viên tham gia phòng chống dịch tại 3 khu công nghiệp trong tỉnh, đích thân Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp, khu kinh tế Đồng Tháp Nguyễn Thanh Nhàn chủ động vận động nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ cho người lao động làm việc 4 tại chỗ.
Cụ thể là tổ chức tặng gần 30 tấn rau củ, hàng ngàn vật tư y tế hỗ trợ doanh nghiệp chăm lo người lao động làm việc 4 tại chỗ... Nhờ đó, mà đến ngày 22.9, toàn tỉnh có 155 doanh nghiệp duy trì hoạt động với hơn 18.300 lao động làm việc theo phương thức “4 tại chỗ”.
Không dừng lại ở đó, ngay cuộc đối thoại với các doanh nghiệp tiêu biểu vào ngày 23.9.2021, sau khi nghe các ý kiến trình bày về vướng mắc trong việc hồi phục sản xuất, kinh doanh, ông Nghĩa đã mạnh dạn ký quyết định thành lập ngay Tổ Công tác đặc biệt. Theo đó, phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách kinh tế trực tiếp điều hành để xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp...
Chính sự quan tâm, chăm lo thấu đáo, nghĩa tình của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã tạo bệ đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần cho doanh nhân, doanh nghiệp vươn lên ngay giữa đại dịch. Hy vọng và tin rằng, cách làm chu đáo này sẽ tạo động lực cho cỗ xe doanh nghiệp trên Đất Sen Hồng tăng tốc và lao nhanh về đích khi dịch COVID-19 được kiểm soát.