Phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc
Sáng nay (7.11), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (7.11.1981 - 7.11.2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”.
Đây là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương và Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, nhằm ôn lại chặng đường 40 năm vẻ vang của GHPGVN với tinh thần “Hộ quốc an dân” và kiên định phương châm “Đạo pháp - Dân tộc -chủ nghĩa xã hội”.
Dự buổi lễ tại điểm cầu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân Vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; đại diện các Tôn giáo bạn.
Về phía GHPGVN có Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ - Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Đàm, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; cùng Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng trị sự GHPGVN.
Trước khi tiến hành Đại Lễ kỷ niệm, đại biểu tham dự đã dành 1 phút để tưởng niệm chư vị lịch đại Tiền bối hữu công, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ, Chư tôn đức Lãnh đạo GHPGVN viên tịch qua các thời kỳ, Đức đệ tam Pháp chủ GHPGVN viên tịch; tưởng niệm các nạn nhân tử vong do dịch COVID-19.
Đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước
Trong diễn văn kỷ niệm 40 năm thành lập GHPG Việt Nam Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam khẳng định, chặng đường 40 năm trưởng thành, phát triển, hội nhập cùng đất nước, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam có được tiền đồ như ngày nay ở trong nước và trên thế giới.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện cho Tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài với gần 55 ngàn Tăng Ni, 18 ngàn ngôi chùa và tự viện cơ sở Phật giáo, hàng chục triệu tín đồ Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài. Hội đồng Chứng minh là biểu tượng tinh thần Đạo pháp, Hội đồng Trị sự điều hành 13 Ban, Viện và 63 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xiển dương đạo pháp, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong 40 năm qua (1981 - 2021), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về hệ thống tổ chức từ trung ương đến các địa phương, về chủ trương hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo, đào tạo tăng tài, xiển dương chân lý, hoằng pháp lợi sinh hướng dẫn đồng bào Phật tử, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo trong việc giữ gìn các di sản văn hóa Việt Nam.
Về các hoạt động nhân đạo từ thiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp rất đáng tôn vinh, mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng tham gia trong các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc y tế đối với cộng đồng, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu hợp tác Phật giáo quốc tế, đã 3 lần đăng cai tổ chức rất thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực của Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân hậu, nghĩa tình, và luôn yêu chuộng hòa bình.
Giáo hội đã rất coi trọng công tác chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài. Cử các đoàn hoằng pháp đi giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc tại các ngôi chùa Việt khắp năm châu trở thành nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, góp phần khẳng định và nâng tầm cộng đồng người Việt trên thế giới.
Hoạt động học thuật của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phân viện Nghiên cứu và của 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển, biên tập và xuất bản nhiều bộ sách có giá trị học thuật cao, đặc biệt là đang xuất bản bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là công trình thế kỷ khẳng định tầm vóc Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nêu rõ, thành tựu các Phật sự trong 40 năm qua, đó là nền tảng, động lực để hoàn thành chương trình Phật sự nhiệm kỳ 8 và các nhiệm kỳ tiếp theo của Giáo hội tầm nhìn đến năm 2045. Đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng đất nước ta trở thành nước phát triển, Tăng Ni, Phật tử hãy năng động hơn nữa trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Xây dựng mô hình Giáo hội kiến tạo, ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác hoằng pháp, hướng dẫn đồng bào Phật tử và quản trị hành chính Giáo hội cấp từ trung ương đến địa phương, cũng như kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tạo thành nguồn lực mạnh mẽ phát triển Giáo hội và đất nước.