Khoảng 4 năm nay, kể từ khi cha mẹ không còn đưa rước như còn bé, mỗi ngày em Sơn Thanh Xuân - ở khóm Đai Rụng, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, là học sinh lớp 7A, Trường Trung học cơ sở Phường 2 - phải lội bộ hơn 1km trên con đường đất lầy lội và đạp xe thêm hơn 6km để đến trường.
Đang mùa mưa nên con đường đất vào nhà em luôn lầy lội. Xuân cho biết, do đường đến trường xa, lại còn phải lội bộ nên em phải đi thật sớm. Học buổi sáng thì 5h em thức nấu mì ăn nhanh để tranh thủ xuất phát sớm mới kịp đến trường. “Việc đi học có vất vả, nhưng em phải cố gắng, bởi vì phải học sau này có bằng tốt nghiệp lớp 12 em mới có thể đi làm để nuôi sống bản thân và gia đình”, Thanh Xuân chia sẻ.
Cách đó không xa, con đường đến trường của cậu học trò có thân hình nhỏ nhắn Triệu Minh Thạch, học sinh Trường THCS phường 2, thị xã Vĩnh Châu cũng lầy lội không kém.
Mỗi ngày tính cả đi, về Thạch phải chinh phục trên 15km. Trong đó có cả việc xoăn quần lội sình và đạp xe trên con đường ngõ xóm ngập nước quanh năm.
Thạch cho biết, do “đặc thù” của những con đường đi, nên hiếm có ngày nào đến trường em còn được mặc chiếc quần khô ráo.
“Dù xoăn quần lên tới đầu gối, nhưng hôm nào quần em mặc cũng bị ướt một khúc. Nhiều hôm còn bị sình bùn văng lên bẩn cả áo. Mỗi khi tới trường em đều giũ cho sạch quần, tuy nhiên quần sẽ bị ướt đến 1, 2 tiếng sau mới khô”, Thạch chia sẻ.
Còn ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), mỗi ngày em Trần Văn Khả, học sinh lớp 2, học điểm lẻ, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (xã Ninh Quới) phải lội bộ hơn 2km, sau đó phải sang đò qua sông mới tới trường.
Mẹ của Khả, chị Đoàn Thị Rỡ cho biết, do gia đình đơn chiếc, hai vợ chồng phải quần quật suốt với 15 công ruộng, ngoài ra còn đi kéo cá, tép nên không có thời gian đưa rước con.
“Vợ chồng tôi thấy thương và lo cho thằng nhỏ lắm. Vì mới có 8 tuổi phải tự lội bộ đi học. Nhưng vì hoàn cảnh, đành để cho con chịu cực. Để an toàn cho con, từ năm 6 tuổi, khi mới vào học lớp 1 cha của Khả đã dạy bơi và cháu bơi rất giỏi nên vợ chồng tôi cũng đỡ lo phần nào. Con nó ngoan và chăm học lắm mình cũng mừng. Dù còn nhỏ nhưng cháu chủ động chuẩn bị tập sách đi học, rồi về nhà cũng lo làm bài tập, đọc bài trước hết”, chị Rỡ chia sẻ.
Không chỉ Xuân, Thạch hay Khả, trong những ngày tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, vẫn còn nhiều học sinh ở nhiều địa phương khá gian nan, vất vả trên bước đường đến trường. Trong đó, hầu hết các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa ĐBSCL. Chuyện phải lội bộ hằng vài cây số, đạp xe trên những con đường đất sình lầy, ngập nước, hay vượt sông bằng ghe, xuồng,… để được đến trường không phải là chuyện lạ.