Lương công chức, viên chức: Cách nào giữ chân lao động khu vực công?

Minh Phương - Bảo Hân |

Trước thực trạng cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, y tế khu vực công nghỉ việc chuyển sang khu vực tư, theo đại biểu quốc hội, để thu hút, giữ chân người có năng lực trong khu vực công, trước hết cần đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương chung cho cả khối hành chính sự nghiệp.

"Chúng ta "nợ" nhà giáo một chính sách quan trọng"

Lương quá thấp khiến làn sóng nghỉ việc của giáo viên diễn ra ở một số địa phương. Từ đây dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tính đến cuối tháng 4.2022, chỉ tiêu biên chế (giáo viên, nhân viên) sự nghiệp giáo dục và đào tạo của toàn tỉnh Đắk Lắk còn thiếu so với định mức quy định là 1.260 chỉ tiêu. Tại TP.HCM, năm học 2022-2023 cần 5.241 giáo viên từ mầm non đến THPT. 

Trao đổi với Lao Động - bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, lương quá thấp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giáo viên bỏ nghề, thiếu giáo viên.

Để thu hút, giữ chân người có năng lực trong khu vực công, cần đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương chung cho cả khối hành chính sự nghiệp của nước ta, bởi đây là giải pháp cơ bản và trước hết.

Nữ đại biểu quốc hội khẳng định, trong cải cách tiền lương, cần quan tâm hơn đối với giáo viên vì lao động của nhà giáo là lao động đặc thù. Đây là bài học thành công của nhiều nước trên thế giới khi xây dựng chính sách lương riêng cho nhà giáo để thực hiện thành công mục tiêu phát triển, đổi mới hệ thống giáo dục như Luxembourg, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Singapore...

Ở Việt Nam, chủ trương xếp lương nhà giáo được đề cập ở Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (năm 1996) và tiếp tục được nhắc lại trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mãi chưa được thực thi.

"Coi như chúng ta đang “nợ” các thầy cô giáo một chính sách quan trọng. Từ đây, đã có không ít thầy cô giáo đã rời ngành để lựa chọn con đường mưu sinh khác" - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục trăn trở.

Cũng theo Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp, câu chuyện thiếu giáo viên càng trầm trọng khi tỷ lệ giáo viên bỏ nghề gia tăng, việc tuyển dụng bổ sung không dễ vì thiếu nguồn nhân lực.

Chẳng những mong muốn thu hút người giỏi vào nghề giáo khó khả thi, mà áp lực trước mắt đối với nhiều địa phương chính là vấn đề thiếu giáo viên để triển khai triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Do đó, bà Mai Hoa cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương nói chung, trong đó có lương nhà giáo; bảo đảm chế độ tiền lương hợp lý, có tính đặc thù của nghề giáo.

"Muốn trò giỏi, cần có thầy giỏi. Muốn có thầy giỏi, cần cơ chế chính sách thu hút, bao gồm chính sách liên quan tới công tác đào tạo, tuyển dụng, tạo môi trường làm việc tốt nhất để nhà giáo có thể yên tâm gắn bó và có động lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người" - bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Tiền lương chưa tương xứng với trách nhiệm công vụ

Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân có hệ số 1 là 2,34, tức là 2,34 x 1.490.000 = 3.486.600 đồng (chưa trừ bảo hiểm xã hội), cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67), rồi hệ số 3 (3,00)... Tối đa có 9 bậc lương (hệ số 9 là 4,98).

Còn mức lương thấp nhất của giáo viên mới ra trường trong khu vực công sẽ là 2.771.000 đồng đối với giáo viên mầm non và tiểu học hạng 4; cao nhất là 6.556.000 đồng đối với giáo viên trung học phổ thông hạng I. 

Trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, giáo dục phải nghỉ việc chuyển sang khu vực tư, bà Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, nguyên nhân chính là do chính sách tiền lương ở khu vực công hiện nay còn thấp, không bảo đảm mức sống.

Theo bà Tạ Thị Yên, cải cách tiền lương gắn liền với việc xác định vị trí việc làm rất quan trọng, cần làm sớm nhất có thể. Ảnh: NVCC
Theo bà Tạ Thị Yên, cải cách tiền lương gắn liền với việc xác định vị trí việc làm rất quan trọng, cần làm sớm nhất có thể. Ảnh: NVCC
 

Đội ngũ công chức, viên chức là nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản về chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm song thực tế cho thấy, mức độ đãi ngộ chưa tương xứng với họ.

Trong khi đó, khu vực tư nhân sẵn sàng tuyển chọn những người làm việc trong khu vực công với mức lương hấp dẫn hơn kèm theo đó là đãi ngộ về vật chất, cơ hội học tập và thăng tiến.

Mặt khác, Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII cũng nêu rõ, chính sách tiền lương trong khu vực công “chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động”.

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII về cải cách tiền lương được kỳ vọng là một trong những giải pháp cốt yếu để cán bộ, công viên chức sống được bằng lương. Tuy nhiên do tác động của dịch bệnh, cải cách tiền lương cho đội ngũ này đã bị "lỡ hẹn".  

Vì vậy, theo bà Tạ Thị Yên, cải cách tiền lương gắn liền với việc xác định vị trí việc làm rất quan trọng, cần làm sớm nhất có thể. Tuy nhiên, trong bài toán chi phí-hiệu quả thì tăng lương chắc chắn phải gắn với tinh giản biên chế và tăng cường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước.

Minh Phương - Bảo Hân
TIN LIÊN QUAN

Công nhân được trả ít nhất 150% tiền lương khi làm thêm giờ

MINH PHƯƠNG |

Sau thời gian ngắn phải ngưng, giãn việc, công nhân hiện được tăng ca đều hơn, họ phấn khởi vì có khoản tiền tích cóp khi chỉ còn vài tháng nữa là hết năm.

Xây dựng kế hoạch năm 2026 giảm 5% biên chế công chức so với năm 2021

Phạm Đông |

Giai đoạn 2022-2026, Bộ Nội vụ đề xuất biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính là 242.372 người. Trong đó, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 101.546 biên chế; địa phương là 140.826 biên chế.

Sẽ điều chỉnh chính sách lương hưu từ đầu năm 2022

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trước đây dự kiến ngày 1.7.2022 sẽ điều chỉnh lương hưu, nhưng do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, bộ đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1.1.2022.

Công nhân được trả ít nhất 150% tiền lương khi làm thêm giờ

MINH PHƯƠNG |

Sau thời gian ngắn phải ngưng, giãn việc, công nhân hiện được tăng ca đều hơn, họ phấn khởi vì có khoản tiền tích cóp khi chỉ còn vài tháng nữa là hết năm.

Xây dựng kế hoạch năm 2026 giảm 5% biên chế công chức so với năm 2021

Phạm Đông |

Giai đoạn 2022-2026, Bộ Nội vụ đề xuất biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính là 242.372 người. Trong đó, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 101.546 biên chế; địa phương là 140.826 biên chế.

Sẽ điều chỉnh chính sách lương hưu từ đầu năm 2022

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trước đây dự kiến ngày 1.7.2022 sẽ điều chỉnh lương hưu, nhưng do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, bộ đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1.1.2022.