Triển khai kế hoạch, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục quán triệt triển khai Nghị quyết 7c/NQ-BCH và Kết luận 03/KL-BCH trong các cấp công đoàn; xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn thực phẩm là cơ sở để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động, là động lực quan trọng giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người lao động.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn và các đối tác liên quan về tầm quan trọng, vai trò, lợi ích mang lại cho các bên khi thực hiện nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động; xây dựng và chia sẻ mô hình doanh nghiệp thực hiện tốt bữa ăn ca cho người lao động; biểu dương các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp tiêu biểu trong công tác này.
Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung về bữa ăn ca với giá trị thấp nhất từ 20.000 -25.000 đồng/suất trở lên đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thuộc vùng I, vùng II và từ 18.000-22.000 đồng/suất trở lên đối với địa bàn thuộc vùng III, vùng IV. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng thực hiện mức tối đa theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 1.9.2016 hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Ngoài ra, công đoàn cần tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức bữa ăn ca theo quy định.
Tham gia nghiên cứu, đề xuất, ban hành định mức calo đảm bảo dinh dưỡng đối với bữa ăn ca nói chung và một số ngành nghề đông công nhân lao động (như dệt may, da giầy, thủy sản,…) để làm căn cứ đối thoại, thương lượng và hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác theo dõi, giám sát, phân tích, khai thác thông tin và nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động về bữa ăn ca...