Từ ngày 7.9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có mưa vừa và mưa to, tổng lượng mưa đo được trên 300mm. Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương, đặc biệt là tại huyện Lương Sơn, nước ngập sâu vào nhà dân và các khu trọ của công nhân tại khu công nghiệp, khiến họ phải oằn mình dọn dẹp.
Chiều 9.9, có mặt tại khu nhà trọ của công nhân ở thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, theo ghi nhận của PV, mặc dù nước đã rút, nhưng lượng bùn đất đọng lại vẫn còn rất lớn, có nơi lớp bùn dày đến hàng chục cm. Dưới sàn nhà, ngoài sân, đồ đạc ngổn ngang, bám đầy bùn đất. Rất nhiều công nhân đã phải nghỉ làm để tranh thủ dọn dẹp phòng trọ.
Chỉ tay vào mức nước ngập còn in lại trên tường của phòng trọ, anh Phùng Sinh Phúc (SN 1985) - công nhân Công ty COASIA, KCN Lương Sơn - cho biết: “Giờ lượng bùn đất đã được dọn dẹp đi đáng kể rồi đấy, sáng nay phải dày đến 30-40cm, ngập đến bắp chân!
Khoảng 2h chiều qua, khi đang nghỉ ngơi tại phòng thì thấy nước từ từ dâng rồi ngập vào phòng. Tôi chỉ kịp dắt xe máy lên mô đất cao, lúc quay lại đã thấy ngập đến ngang người”.
Theo anh Phúc, không lâu sau, phòng trọ chỉ hơn 10m2 đã ngập đầy nước, anh cùng một người hàng xóm phải phá khóa để hỗ trợ những người khác đưa những đồ điện tử lên cao, đồng thời dắt xe máy của họ ra khỏi vùng ngập.
“Nước lên nhanh quá, chúng tôi cố hết sức nhưng cứu đồ không xuể. Ngay sau đó, có lực lượng công an xã và dân quân tự vệ mang xuồng đến hỗ trợ và đưa chúng tôi ra ngoài, lúc đó nước đã ngập đến gần ngực" - anh Phúc nói thêm.
Cách đó không xa, mặc dù ở trên nền đất cao ráo hơn, nhưng xóm trọ của anh Bùi Văn Tuấn (SN 1993) - công nhân công ty Transon Việt Nam - cũng không thoát khỏi cảnh ngập úng.
Cùng những người hàng xóm trong khu trọ nhanh tay bơm xịt đẩy bùn ra ngoài, anh Tuấn cho hay: "Lúc đó, xóm trọ gần 20 phòng đã đi làm gần hết, lúc ngồi trong công ty chỉ biết là trời mưa chứ cũng không nghĩ rằng lại ngập cao như vậy. Đến khi tan ca về thì đã thấy nước dâng lên đến gần cổng làng (cổng thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn), không vào được phòng nữa.
Cũng may, trước đó, bà chủ trọ đã kịp thời đi mở khóa và cất chăn chiếu, quần áo lên gác xép cho anh chị em, nếu không cũng chẳng còn quần áo khô để mặc".
Tuy nhiên, theo anh, do tình hình gấp gáp nên chủ trọ chỉ kịp di chuyển những đồ nhẹ, còn đồ điện nặng như tủ lạnh hay máy giặt thì bị ngâm trong nước cũng đã bị hư hại.
"3 năm trước ở đây cũng có một lần ngập, nhưng chỉ ngập lên đến sân rồi lại rút ngay sau đó, chỉ có đợt này là cao và nặng nề nhất. Đêm qua, nhiều công nhân phải ngủ lại công ty, hoặc có người đi bộ đến 12h đêm để tìm nhà nghỉ.
Giờ đồ đạc trong phòng trọ cái nào còn dùng được thì dùng, nếu không cũng chỉ đành mua lại thôi chứ cũng không còn cách nào khác" - anh Tuấn bộc bạch.
Trao đổi với PV, ông Đinh Quốc Thể - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình - cho hay: "Ngày 8.9 vừa qua, do mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương bị ngập sâu, trong đó có thôn Năm Lu, nơi nhiều công nhân tại KCN Lương Sơn thuê trọ. Khi xảy ra sự việc, hầu hết công nhân đang ở trong ca làm nên không kịp ứng phó.
Các chủ nhà trọ có hỗ trợ công nhân vận chuyển đồ nhưng chỉ được một phần nào đó, phần đa số đồ đạc còn lại bị chìm trong biển nước".
Theo ông Thể, ngay sau khi nắm được tình hình, Công đoàn các KCN đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở có hỗ trợ chỗ ăn nghỉ với những công nhân không thể về nhà trọ. Theo thống kê, có khoảng 350 công nhân không thể quay về nơi trọ.
"Tính đến ngày hôm nay (9.9), có khoảng hơn 600 lao động không thể đến các doanh nghiệp làm việc. Thời gian tới, công đoàn các KCN cũng sẽ báo cáo với Liên đoàn lao động tỉnh Hòa Bình để có những hỗ trợ đến với người lao động, giúp họ sớm khắc phục khó khăn, quay trở lại với nhà máy" - ông Thể nói thêm.