Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm thứ 10
Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Vì vậy, để Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay thực sự là điểm nhấn của cả giai đoạn 10 năm thực hiện, Bộ Tư pháp đã đề nghị các địa phương căn cứ điều kiện chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng.
Do đó, LĐLĐ tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật cho cán bộ công nhân viên và người lao động trong tỉnh.
Nội dung trọng tâm của chỉ đạo là tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là với những nội dung có tác động lớn đến xã hội, được dư luận quan tâm như: Phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, biển đảo; gia đình và trẻ em.
Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh Nam Định cũng chỉ đạo các Công đoàn cơ sở chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến những nội dung liên quan trực tiếp đến cán bộ công nhân viên và người lao động cũng như tổ chức Công đoàn Việt Nam như luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động và phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Các Công đoàn cơ sở cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước, của tổ chức Công đoàn Việt Nam liên quan đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho CNLĐ; các chính sách phục hồi thị trường lao động, việc làm, phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra một cách phức tạp.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, bà Bùi Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định - cho rằng, các cấp Công đoàn cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và đội ngũ cộng tác viên tư vấn pháp luật.
Các Công đoàn cơ sở cũng cần chú ý định hướng dư luận, nhất là trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến quyền, lợi ích đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đặc biệt là trong quá trình xây dựng, sửa đổi một số luật trong năm 2022 như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn và sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn.
Đường hướng hoạt động tuyên truyền pháp luật theo yêu cầu của Bộ Tư pháp
Bên cạnh các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, Bộ Tư pháp cũng yêu cầu các địa phương tăng cường việc sử dụng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng, vận hành Cổng/Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện chuyển đổi số; khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, mạng xã hội.
Bên cạnh đó, các Công đoàn cơ sở cần chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp để kết nối, chia sẻ thông tin trên cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia sau khi đưa vào vận hành.
Đồng thời, Công đoàn cơ sở cũng cần tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật và chủ động, linh hoạt áp dụng các cách làm sáng tạo, có hiệu quả.
Bộ Tư pháp cũng yêu cầu các cơ sở tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, nền tảng Internet, mạng xã hội, đồng thời phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Các hoạt động hưởng ứng cần phải được tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, tập trung trong 2 tháng cao điểm là tháng 10, 11. Nội dung các hoạt động cần nhấn mạnh tập trung tuyên truyền, triển khai các hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội; cũng như thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách, pháp luật và lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hoặc hình thức khác phù hợp với địa phương.