Đồng bào dân tộc góp phần to lớn vào thành quả phát triển của đất nước

Thanh Hà |

Đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện và đồng bào các dân tộc đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển của đất nước.

Toàn diện, bám sát thực tiễn

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Ủy ban Dân tộc tổ chức tháng 1.2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách dân tộc. Hệ thống các chính sách ngày càng phủ kín các lĩnh vực, địa bàn, có tính toàn diện, bám sát thực tiễn. Đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện. Đồng bào các dân tộc đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển của đất nước.

Các chính sách dân tộc đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, kịp thời hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề; bố trí sắp xếp, ổn định dân cư; cấp phát báo, tạp chí; xuất cấp gạo; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc thiểu số rất ít người…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc, các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2021 trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá, đây là những đóng góp quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, công tác dân tộc cần bám sát và nắm bắt tình hình thực tiễn các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là về đời sống của đồng bào, tình hình thiên tai, dịch bệnh, di cư tự phát, các điểm “nóng” về an ninh trật tự...

Đồng thời, Chiến lược dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cần được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả; chú trọng các chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng chuỗi giá trị, chuyển giao công nghệ để tạo sinh kế bền vững, từ đó nâng cao trình độ, tay nghề, nhận thức, tinh thần tự lực tự cường, thoát nghèo vượt khó cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Ruộng bậc thang tại xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh minh họa. Ảnh: Thanh Hà
Ruộng bậc thang tại xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh minh họa. Ảnh: Thanh Hà

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần được đổi mới để thuận lợi hơn trong việc vận động người dân hiểu rõ và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, xã hội; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về công tác dân tộc nhằm thu hút nguồn vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, giao lưu cộng đồng các dân tộc thiểu số với các nước trong khu vực.

Những chuyển biến quan trọng 

Tại cuộc làm việc với Ủy ban Dân tộc đầu tháng 2.2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào dân tộc có những chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ mà Ủy ban Dân tộc đã xác định trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý Ủy ban Dân tộc cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, quyết tâm thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới"; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc.

Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục, ban hành văn bản theo quy định để triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nhấn mạnh công tác dân tộc và chính sách dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách trong công tác dân tộc; đồng thời lưu ý phải chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác dân tộc, đặt mục tiêu là người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng như tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc.

Cùng với đó, công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn cần được chú trọng, song song với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Các địa phương nhanh chóng nắm bắt đời sống của người dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn bị tác động trực tiếp từ đại dịch COVID-19 để có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Gắn thực tiễn trong đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Hà |

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cần nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, nội dung của các ấn phẩm báo chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng phù hợp, gắn bó mật thiết với thực tiễn nhu cầu thông tin của đồng bào các dân tộc.

Việt Nam nỗ lực trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Thanh Hà |

Việt Nam đang nỗ lực trao quyền cho phụ nữ tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Ái Vân |

Để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, ngân sách nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.

Gắn thực tiễn trong đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Hà |

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cần nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, nội dung của các ấn phẩm báo chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng phù hợp, gắn bó mật thiết với thực tiễn nhu cầu thông tin của đồng bào các dân tộc.

Việt Nam nỗ lực trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Thanh Hà |

Việt Nam đang nỗ lực trao quyền cho phụ nữ tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Ái Vân |

Để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, ngân sách nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.