Hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Pháp ngữ ngày 24.3 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, không gian kinh tế Pháp ngữ - với 88 quốc gia và chính quyền thành viên, hiện diện ở khắp các châu lục trên thế giới, có 1,2 tỉ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại thế giới - do đó có tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế rất to lớn, đặc biệt là trong bối cảnh tất cả các nước thành viên đang nỗ lực hết mình để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã cùng các nước đang phát triển, trong đó có nhiều nước Pháp ngữ và các đối tác phát triển triển khai hợp tác Nam - Nam và ba bên hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thể hiện tính khả thi cũng như tiềm năng hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này thời gian tới. Bên cạnh đó, là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, Việt Nam đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Cùng với ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp hiện đại, minh bạch, trách nhiệm và bền vững, chuyển đổi số là xu thế lớn của thế giới, là yêu cầu và đòi hỏi khách quan và là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay. Việt Nam đã có Chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030, với 3 trụ cột về kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế Việt Nam và giải quyết các thách thức xã hội đang tăng rất nhanh, thể hiện trong thực tế ứng phó với dịch COVID-19 hiện nay.
Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Việt Nam cũng đang sở hữu cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động trẻ, nhanh nhạy, giàu tiềm năng để thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp và người dân Việt Nam tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số. Ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang phát triển mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm đầu 30 thế giới về truy cập số.
“Quá trình phục hồi kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững, bao trùm của tất cả các nước rất cần có sự tham gia và đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp. Chính vì thế, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và chú ý lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, cố gắng tháo gỡ những khó khăn, tiếp thu các ý kiến và các giải pháp phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể hợp tác, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Pháp ngữ cùng với các doanh nghiệp Việt Nam chắt chiu từng cơ hội để xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài, bền vững, cùng phát triển, trong các lĩnh vực được trao đổi tại diễn đàn, cũng như tạo tiền đề cho các hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-cộng đồng Pháp ngữ
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hiện hữu trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia, gây ra sự gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chuỗi cung ứng. Dù vậy, theo Bộ trưởng, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp thế giới và của người dân đã và đang góp phần thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế thế giới. Sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong nỗ lực này là hết sức quan trọng.
Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo cho hay, Tổ chức này đã xác định hợp tác cùng với Chính phủ Việt Nam trên ba lĩnh vực chủ chốt giúp tạo ra những doanh nghiệp hợp tác hoạt động trong việc tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, lĩnh vực thứ nhất là nông, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm; thứ hai là đổi mới sáng tạo năng lượng tái tạo và thứ ba là chuyển đổi số.
“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ba lĩnh vực ưu tiên này và để làm như vậy, nhiệm vụ của tất cả chúng ta là vượt qua những thách thức, khó khăn để tạo ra những thỏa thuận hợp tác doanh nghiệp các nước với nhau trong khuôn khổ Pháp ngữ, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác của Cộng đồng Pháp ngữ”, - Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo nhấn mạnh.
Theo Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo, việc thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp khối Pháp ngữ còn giúp nâng cao hơn nữa tỷ lệ trao đổi thương mại trong khối Pháp ngữ hiện nay là 20% và đạt được mức độ tỷ lệ cao hơn mức 16% GDP ở toàn cầu hiện nay, cũng như tỷ lệ vốn đầu tư của cộng đồng Pháp ngữ trên toàn thế giới hiện là 15%.
Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với Cộng đồng Pháp ngữ, là một trong những quốc gia sáng lập của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, cũng là một trong những nước đi đầu về tăng trưởng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo khẳng định đây là lý do để Cộng đồng Pháp ngữ lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của Phái đoàn kinh tế thương mại và tổ chức diễn đàn kinh tế đầu tiên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.