Đầu tư bảo vệ Di sản Văn hóa
Mới đây, tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Do sớm nhận thức được giá trị của di sản tư liệu này, những năm gần đây, chính quyền địa phương, Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng hợp tác các chuyên gia triển khai hàng loạt dự án bảo tồn di sản. Bởi vậy, những hiện vật gốc độc bản, chưa bị sửa đổi.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn, việc quản lý di sản này đã được UBND thành phố quan tâm từ những năm 1990 với các quyết định quan trọng như: Cấm khai thác đá núi (1991), thành lập đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn (1992), thành lập Ban Quản lý Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn (2000), ban hành các quy chế quản lý di tích nói chung (năm 2007 và 2020), bộ quy tắc ứng xử trong du lịch tại di tích bằng hình ảnh (2017)...
Không chỉ riêng Đà Nẵng, tại Hà Nội, trong những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm, đầu tư. Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và sưu tầm các Di sản Văn hóa cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Các di tích thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý được thực hiện tốt công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước.
Hay tại Huế, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế. Quỹ bảo tồn di sản Huế được thành lập tạo ra nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.
Quỹ có 6 nhiệm vụ. Đó là tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của quỹ theo quy định; tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.
Phát huy Di sản Văn hóa với phát triển kinh tế
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.
Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và Di sản Văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển".
Để phát huy được tốt những giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư, bên cạnh các mặt công tác khác thì việc bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam lưu giữ hệ thống Di sản Văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng.
Vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong suốt những thập niên qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa với phát triển kinh tế đã từng bước được xác lập và vận hành trên thực tế.
Nhiều Di sản Văn hóa của Việt Nam được ghi danh vào danh mục quốc gia, quốc tế như một cách ghi nhận và bảo tồn các giá trị lịch sử, giáo dục và sự đặc sắc về nghệ thuật. Bên cạnh đó, Di sản Văn hóa đã và đang trở thành một yếu tố cốt lõi của quá trình chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và là mấu chốt quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến du lịch.
"Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể được phát huy. Nhà nước tham gia vào quá trình này với tư cách là người bảo trợ và tạo điều kiện thông qua việc ban hành các cơ chế ưu đãi, khuyến khích và đãi ngộ đối với các cá nhân và cộng đồng liên quan" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.