Không về quê vì vẫn có thu nhập
Từ giữa tuần qua, khi Cty Always (chuyên sản xuất các loại xe đạp, trú đóng tại KCX Tân Thuận, Quận 7, TPHCM) bắt đầu hoạt động trở lại, chị Nguyễn Mộng Nghi (quê huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), CN của Cty cũng đi làm ngay.
Chị Nghi cho biết, từ gần giữa tháng 7.2021, Cty ngừng hoạt động do có nhiều người bị dương tính với COVID-19, thay vì về quê, chị Nghi chọn ở lại TPHCM để chờ đợi được đi làm trở lại. “Gần 3 tháng nghỉ việc, không đi làm, nhưng Cty vẫn trả 70% lương nên trong những ngày giãn cách xã hội, chúng tôi vẫn có khoản tiền đủ để sinh sống” - chị Nghi chia sẻ.
Giống chị Nghi, anh Trần Quốc Thái, CN Cty Pepperl + Fuchs Việt Nam, (quê huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết khi Cty phải tạm dừng hoạt động từ ngày 12.7 để phòng chống dịch theo yêu cầu của Ban Quản lý các KCX-KCN, anh cũng chọn ở lại TPHCM chứ không về quê. Trước khi tạm ngừng việc, Cty công bố sẽ trả 70% lương cơ bản, hỗ trợ tiền thuê nhà 1 triệu đồng/tháng nên anh yên tâm ở lại. Đến khi Cty tổ chức làm việc “3 tại chỗ”, anh Thái xung phong đi làm cùng với nhiều lao động khác.
Ông Quách Mẫn Nghĩa - Chủ tịch CĐ Cty Always - cho biết Cty có khoảng 2.000 lao động. Khi phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 7 và 8, Cty quyết định trả 70% lương thu nhập để NLĐ có khoản tiền sinh sống trong lúc chờ khôi phục lại sản xuất. Nửa đầu tháng 9, Cty tiếp tục trả 50% lương thu nhập cho tất cả CN. Đến 16.9, những CN thực hiện “3 tại chỗ” được trả đầy đủ tiền lương, những người chưa đi làm hưởng 50% lương thu nhập. Ngoài ra, với F0, Cty còn hỗ trợ 2 triệu đồng/người. Do đó, hầu hết CN chọn ở lại TPHCM thay vì quê. Đến ngày 7.10, khi Cty hoạt động trở lại có đến hơn 90% CN đi làm ngay, Cty không lo thiếu hụt lao động.
Ông Nguyễn Uy Danh - Chủ tịch CĐ Cty Pepperl + Fuchs Việt Nam - cũng có chung nhận định: “Trong lúc khó khăn, NLĐ chọn về quê là do không có thu nhập hoặc thu nhập thấp không đủ sống. Nếu có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, thì NLĐ sẽ không về quê. Vì thế khi Cty hoạt động lại bình thường, hầu hết CN của Cty đã đi làm trở lại ngay”.
Linh hoạt chính sách lương, thưởng và phúc lợi
Ông Trương Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Cty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn - cho biết Cty có 400 lao động, khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, có 200 lao động tham gia. Cty nhận thấy nếu chăm lo không tốt cho CN thì sau dịch, nguy cơ thiếu lao động sẽ rất cao. Vì thế, khi thực hiện “3 tại chỗ”, ban lãnh đạo Cty cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với NLĐ và chủ động chăm lo suất ăn tốt hơn, thêm rau, trái cây để tăng cường sức khoẻ cho CN.
Với những NLĐ không tham gia “3 tại chỗ”, Cty cũng chăm lo như đi chợ hộ giúp họ tránh tiếp xúc, tránh lây nhiễm, yên tâm ở nhà phòng chống dịch. Trong suốt đợt dịch, Cty có 15 ca F0 cả ở nhà và ở Cty, nhưng do đã được tiêm vaccine sớm nên các ca F0 đều bình an. Ngay cả những người thân của NLĐ nếu bị nhiễm bệnh cũng được Cty hỗ trợ, chăm sóc. Vì thế, chỉ có khoảng 20/400 lao động của công ty về quê và họ cũng sẵn sàng quay lại làm việc.
Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng Giám đốc Cty Talentnet Corporation - doanh nghiệp chuyên về tuyển dụng lao động cho rằng, có nhiều cách để doanh nghiệp giữ chân NLĐ trong bối cảnh hiện nay, trong đó lương, thưởng là yếu tố quyết định để NLĐ gắn bó với doanh nghiệp. Ngoài lương, thưởng thì việc quan tâm đến phúc lợi cho NLĐ là rất quan trọng. Ví dụ, hiện NLĐ rất quan tâm đến sức khoẻ, doanh nghiệp nên đầu tư vào vấn đề này, chẳng hạn có dịch vụ bác sĩ riêng cho NLĐ. Doanh nghiệp cũng nên chia sẻ với NLĐ về mục tiêu phát triển để họ có động lực, mục tiêu gắn kết dài lâu.
“Doanh nghiệp nên linh hoạt về việc chi trả lương, thưởng xứng đáng cho NLĐ để họ luôn thoả mãn được nhu cầu của bản thân, từ đó có động lực gắn bó và nên lắng nghe ý kiến của NLĐ trước khi ban hành các chính sách về phúc lợi. Đặc biệt, doanh nghiệp cần viết nên một câu chuyện với sứ mệnh đóng góp cho xã hội những gì để NLĐ biết và phấn đấu vì mục tiêu chung” - bà Trinh nói.