Trước làn sóng người lao động rời bỏ khu vực kinh tế lớn nhất nước để trở về quê, có thể thấy, bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực với số lượng lớn sau dịch, nhất là các ngành thâm dụng lao động như giày da, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử… đã tới lúc cần lời giải hoàn chỉnh.
Một số giải pháp được đề cập như bố trí chỗ ăn nghỉ tại chỗ, phương tiện đưa đón hay các biện pháp y tế chưa thật sự giải quyết được sự thiếu hụt của số lượng lớn người lao động đã về quê.
“Trong nguy luôn có cơ”, nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán này thì đây là nguồn nhân lực quan trọng tái cơ cấu nền kinh tế, cân bằng sự phát triển chênh lệch giữa các vùng miền như hiện nay, chính là động lực mới để phát triển nền kinh tế sau đại dịch.
Các định hướng, giải pháp có thể nên được nghiên cứu, hoạch định chiến lược một cách bài bản như sau:
Các địa phương như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cần thống kê lực lượng lao động hiện tại đang cư trú tại địa phương để phân loại nhóm lao động và có sự điều chỉnh về phân bố nguồn nhân lực phù hợp. Đối với nhóm lao động có tay nghề, thâm niên phù hợp, có thể giới thiệu, bố trí sắp xếp tại các doanh nghiệp, nhà máy hoạt động trên địa phương. Đối với người lao động chưa có tay nghề thì bố trí đào tạo, sắp xếp công việc phù hợp. Đặc biệt chú ý đến vị trí giữa doanh nghiệp và chỗ ở của người lao động, cũng như quá trình di chuyển có thuận tiện trong quá trình kiểm soát dịch bệnh cũng như giảm thiểu các chi phí ăn ở phát sinh của người lao động.
Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp cần nguồn nhân công lớn, bên cạnh ổn định sản xuất, cần mạnh dạn nghiên cứu tự động hóa, hiện đại hóa quá trình sản xuất kinh doanh. Hoạt động này giảm dần nhân công phổ thông và tăng cường trang bị các phần mềm tự động, máy móc hiện đại trong quy trình sản xuất. Còn hệ thống dây chuyền, thiết bị, máy móc đang sử dụng nên tính toán chuyển giao cho các khu công nghiệp, nhà máy ở các khu vực trước thiếu nhưng giờ lại thừa nhân lực như miền Tây và Nam Trung Bộ.
Thêm vào đó, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như công ty công nghệ phần mềm, kinh doanh trực tuyến, chăm sóc sức khỏe cũng như logistics. Với ưu thế trung tâm kinh tế thương mại và dịch vụ lớn nhất nước, TP. Hồ Chí Minh với nguồn nhân lực chất lượng cao thì những ngành lĩnh vực này sẽ có sự phát triển cũng nhịp với thế giới sau đại dịch.
Thành phố nên tiến hành lập các nhóm doanh nghiệp mạnh, đầu đàn để hỗ trợ; đẩy mạnh hoạt động phát triển các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thành lập các tổ tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu về pháp lý, về tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn quốc tế để có thể mạnh dạn liên doanh, liên kết với các đối tác quốc tế.
Từng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động mua bán với đối tác nước ngoài, người viết đã thấy sự hụt hẫng của các doanh nghiệp trong các vấn đề này.
Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất cho bài toán này chính sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn cho doanh nghiệp sau đại địch để có thể tái cơ cấu sản xuất.
Ngay từ đầu dịch, nhiều chính sách, nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Khắc phục tình trạng này, các gói hỗ trợ mới cần thực chất, xác định đúng đối tượng, giảm các yêu cầu, thủ tục, đảm bảo sự tiếp cận của doanh nghiệp.
Cần nhận thức rõ rằng đối tượng cần được hỗ trợ nhất sau dịch chính là các doanh nghiệp, sau doanh nghiệp chính là tất cả người lao động. Các cơ quan quản lý nhà nước và người lao động cần chung tay hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực và kịp thời chính là vaccine của nền kinh tế và xã hội sau đại dịch.
Tóm lại, để mở cửa nền kinh tế, hướng tới bình thường mới sau khi dịch bệnh được kiểm soát, vấn đề nguồn nhân lực phải được giải quyết đầu tiên, tạo tiền đề cho các lời giải tiếp theo sau đại dịch. Một bài toán cần sự chung tay của toàn xã hội từ Nhà nước, doanh nghiệp cho đến người lao động.