Cung trăng bất tử dưới góc nhìn người Việt

BÀI VÀ ẢNH MINH THI |

Cung trăng được "hình thành" bởi vũ khúc "Nghê Thường" của cặp thần tiên Hậu Nghệ - Thường Nga, cũng là Chử Đồng Tử và Tiên Dung trong truyền thuyết Việt ở đầm Nhất Dạ đã một đêm bay lên trời hóa thành bất tử.

Từ xa xưa Trung thu đã trở thành một lễ hội truyền thống của dân tộc Việt. Lễ hội này được tiếp nối qua nhiều thế hệ và cho đến nay vẫn vẹn nguyên sự háo hức, niềm ước vọng về những điều viên mãn, tròn đầy như ánh trăng ngày rằm tháng 8. Với Người Việt nói đến mặt trăng là nói đến chú Cuội, chị Hằng, cây Đa, Thỏ ngọc và Cóc vàng. Những hình tượng của cung trăng này mang ý nghĩa gì trong văn hóa Việt?

1. Theo quan niệm phương Đông trong vòng tuần hoàn của Tứ tượng thì phía Đông là ban ngày, mùa Xuân, thần chủ là Mặt Trời. Ngược lại rằm tháng 8 là giữa Thu, thuộc phía Tây, ban đêm, do Mặt Trăng làm thần chủ. Chính vì thế Trung Thu trở thành ngày Tết của chị Hằng - thần Mặt Trăng. Về chị Hằng, thần thoại Trung Hoa kể, Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bất tử sống trên thượng giới. Lúc đó, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Hậu Nghệ, bằng tài bắn cung của mình, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một mặt trời. Ngọc Hoàng bèn trừng phạt, đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới. Thấy Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ. Tây Vương Mẫu cho Hậu Nghệ một viên thuốc để trở thành bất tử. Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Khi ông đi vắng, Hằng Nga tò mò mở chiếc hộp và vô tình Hằng Nga đã nuốt viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời, bay mãi cho đến khi đến Mặt Trăng.

Khái niệm bất tử là mắt xích thú vị khi kết nối thần thoại Trung Hoa với tích cổ của người Việt. Trong tín ngưỡng dân gian thì Chử Đồng Tử được tôn là vị thần bất tử, đứng hàng thứ hai trong Tứ bất tử nước Nam. Câu chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được tóm tắt trong câu đối ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) như sau: “Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ. Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền”. Chử Đồng Tử vì hiếu thuận với cha nên đã kỳ ngộ gặp được Tiên Dung ở bãi Tự Nhiên. Sau đó nhờ thành tâm học đạo đã được tiên ông truyền cho phép màu ở núi Quỳnh Lâm. 

2. Xem chuyện Đầm Nhất Dạ có thể nhận ra nhiều điểm tương đồng với thần thoại Hậu Nghệ - Hằng Nga về tên gọi cũng như nội dung lịch sử. Cổ sử Trung Hoa cho biết sau khi Hạ Khải mất, con là Thái Khang lên nối ngôi. Thái Khang ham chơi bời, thích săn bắn, không quan tâm việc chính sự. Hậu Nghệ vốn là vua của nước Hữu Cùng, là một chư hầu của nhà Hạ. Hậu Nghệ thường đi theo phục vụ Thái Khang. Thấy Thái Khang bỏ bê triều chính, Hậu Nghệ nảy sinh ý định giành ngôi. Một hôm Thái Khang rời kinh đô đi săn ở đất Lạc. Hậu Nghệ bí mật tập kích kinh đô nhà Hạ, chiếm được kinh thành. Sau đó mang quân ra chặn bờ sông, phong tỏa lối về của Thái Khang. Thái Khang bị buộc phải lưu lạc đến hết đời.

Gương đồng Nguyệt cung thời Đường.
Gương đồng Nguyệt cung thời Đường.

Liên hệ giữa Chử Đồng Tử và Hậu Nghệ thấy rõ nhất là về ngôn ngữ và những yếu tố lịch sử. Có từ “chư hầu”, chỉ ra mối tương thông Chử - Hậu. Hậu Nghệ là một chư hầu đã làm gián đoạn nhà Hạ, đuổi Hạ Thái Khang lưu lạc nơi đất Lạc. Bốn mươi năm sau nhà Hạ phải tới Thiếu Khang mới lại trung hưng. Chử Đồng Tử đã lấy con gái vua Hùng mà không được phép nên vua Hùng tức giận, đem quân đến đánh vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung, cho thấy có một cuộc đụng độ đã xảy ra vào thời này. 

Trong thần thoại Trung Hoa, Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Còn Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh, được tôn là Chử Đạo Tổ. Theo phép phiên thiết, “Tông Bố” đọc lướt là “Tổ”. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.

Lý do để Chử Đồng Tử là thần bất tử chính là ở phép cải tử hoàn sinh. Gậy và nón là hình ảnh của vuông - tròn, âm - dương. Thần tích ở Đa Hòa còn kể tại đây có vị thần Cá (thần Dí) đã vật chết voi của nhà vua, nhưng khi được yêu cầu làm voi sống lại thì không làm được, bởi “phép cải tử hoàn sinh chỉ có Tản Viên Sơn Thần và Đức thánh Chử Đồng Tử là làm được”. Điều này cho thấy không phải “thần” nào cũng có thể “cải tử hoàn sinh”. Chỉ có 2 vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử là có phép thuật này.

3. Hậu Nghệ đi tìm thuốc trường sinh gặp Tây Vương Mẫu cho thuốc tiên. Hậu Nghệ nghĩa là vị Hầu ở xứ Nghệ, cũng là nơi tu hành của Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử đi vào đất Quỳnh Lâm (Nghệ An) gặp lão Phật Quang và được gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Thần tích ở đền Đa Hòa còn kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Sa công chúa. Vị công chúa này là người có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Ba người (Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Tây Sa) dùng phép thuật của mình cứu dân, xây dựng lâu đài, để rồi một đêm cùng bay về trời. Câu đối ở đền Đa Hòa miêu tả lại chuyện này: “Cảnh hóa đó năm nào, đây bãi Tự Nhiên, một đêm thành đầm trạch. Kỳ duyên trùm thiên cổ, vợ chồng nhân gian, lên trời biến thần tiên”.

Về mặt chữ nghĩa thì Hằng thông nghĩa với Thường nên Hằng Nga cũng là Thường Nga. Mặt khác trong Ngũ hành thì hành Hoả ở phía trên, hành Thủy ở phía dưới. 2 nhân vật Hậu Nghệ và Thường Nga làm thành một cặp đối ứng theo phép lưỡng lập. Trong đó, chữ “Nghệ” nghĩa là đỉnh cao, đối phản với “Thường”, tiếng Việt là bình thường, sàn sàn như nhau, không có gì nổi trội. 

Về mặt trăng nổi tiếng nhất là tích cổ kể chuyện vua Đường Huyền Tông nằm mơ rong chơi trên nguyệt cung. Ông nghe thấy tiếng nhạc và các tiên nữ múa trong y phục mang sắc màu cầu vồng được làm bằng lông chim. Tiếng hát của tiên nữ vô cùng huyền diệu, điệu bộ thanh thoát, bay bổng. Sau khi tỉnh dậy, vua đã hồi tưởng lại giấc mơ và chép lại vũ điệu, nhạc khúc. Vũ khúc đêm trăng có tên Nghê Thường vũ y khúc. Nếu để ý, sẽ thấy Nghê Thường rất gần với Nghệ - Thường. Trong đó Nghệ là Hậu Nghệ, Thường là Thường Nga. Y phục lông chim mang sắc cầu vồng tức là năm sắc của Ngũ hành.

4. Ngũ tượng Trung Thu ngoài Hậu Nghệ - Thường Nga là trục trên dưới hay Nam - Bắc, thì trục Đông Tây được lập bởi hình ảnh Thỏ Ngọc và Cây Đa. Từ khoá Cây giúp nhận ra hành Mộc của phía Đông. Cuội có thể là biến âm của “cội”, nghĩa là “gốc”, ứng với câu “Thằng Cuội ngồi gốc cây Đa”. Hoặc cũng có thể đó là biến âm từ “cối” trong từ kép “cây cối”, “cối” có thể là từ Việt cổ cũng nghĩa là “cây” mà ngày nay không còn dùng nữa. Trên gương đồng cung trăng thời Đường thường thể hiện một cái cây lớn (cây Đa hay cây Quế) với một cái u to ở giữa thân. Liệu cái u này có phải là nói đến cái “cội” hay “cối” trong tên của chú Cuội không?

Bài văn giáng bút “Dạ Trạch tiên gia phú” của Thánh Chử do Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh chép và khắc ở đình làng Quan Xuyên, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Bài văn giáng bút “Dạ Trạch tiên gia phú” của Thánh Chử do Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh chép và khắc ở đình làng Quan Xuyên, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Cây Đa đã là hành Mộc phía Đông thì còn lại biểu tượng Thỏ Ngọc phải là tượng trưng của phía Tây. Dịch học Việt xác định phía Tây thuộc hành Thổ, nghĩa là đất đá khoáng vật nói chung (gồm cả Ngọc) và vì thế đối phản với thực vật ở phía Đông. “Thỏ” âm Hán Việt là “Thố”, chính là biến âm của “Thổ”. Phía Tây trong Ngũ hành có sắc Trắng, nên Thỏ trên cung trăng gọi là Bạch Thố. Như thế trong câu truyện dân gian về Trăng thu, Thỏ Ngọc cùng với Cây Đa đã tạo thành trục Đông Tây, hợp với trục trên dưới là Hậu Nghệ và Thường Nga, hoàn chỉnh mặt phẳng đứng trong không gian 2 chiều. Thỏ Ngọc có chiếc chày giã thuốc bất tử, tương ứng với Tây Sa công chúa, người vợ thứ hai của Chử Đồng Tử trong truyện Đầm Nhất Dạ.

Còn lại vị trí trung tâm của cung trăng được biểu hiện bằng chú Cóc vàng, tên chữ là Kim thiềm (Thiềm thừ). Mặt trăng cũng được gọi là Thiềm cung. Màu Vàng là màu của Trung cung trong Ngũ hành. “Con cóc là cậu ông Trời”. Hóa ra cậu ông Trời lại “ngự” ở chính cung trăng. Trên những chiếc gương đồng thời Đường có hình cung trăng có thể hiện Cóc vàng đang giơ cả 4 chân, như chỉ về 4 hướng. Bởi vì Cóc vàng ở Trung tâm, Nghệ - Thường ở hướng Nam - Bắc, Cây - Thỏ ở hướng Đông - Tây. Tất cả xếp thành một mô hình Ngũ hành đầy đủ, toàn mĩ trên Cung trăng.

Trong bài “Dạ Trạch tiên gia phú” lưu truyền ở vùng Khoái Châu, Hưng Yên, Thánh Chử đã giáng bút đề: “Tích cũ còn ghi trong sách khó tin. Gót tiên như áng mây trôi bất diệt”. Sách “Thái Bình hoàn vũ ký” chép: “Người Lạc Việt, cứ mùa thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý thì lấy nhau”. Câu chuyện về cặp vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung hay Hậu Nghệ - Thường Nga còn là biểu tượng cho sự kết hợp tròn đầy của âm dương, ngũ hành, là biểu tượng cho sự đoàn tụ và những khát vọng về viên mãn thường hằng, bất tử.

BÀI VÀ ẢNH MINH THI
TIN LIÊN QUAN

Tôn giáo phát huy nguồn lực đồng hành cùng cả nước chống đại dịch

TS. LÊ THỊ LIÊN - VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ |

Khi dịch bệnh bùng phát ở đợt 4, bằng cách này cách khác các tổ chức tôn giáo trong cả nước đều tham gia vào công tác phòng chống dịch COVID-19. Các chủ trương, chính sách đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm xã hội của khối tôn giáo Việt Nam trong đại dịch.

Các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong phòng chống dịch COVID-19

TS. LÊ THỊ LIÊN - VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ |

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương.

Tôn giáo phát huy nguồn lực đồng hành cùng cả nước chống đại dịch

TS. LÊ THỊ LIÊN - VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ |

Khi dịch bệnh bùng phát ở đợt 4, bằng cách này cách khác các tổ chức tôn giáo trong cả nước đều tham gia vào công tác phòng chống dịch COVID-19. Các chủ trương, chính sách đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm xã hội của khối tôn giáo Việt Nam trong đại dịch.

Các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong phòng chống dịch COVID-19

TS. LÊ THỊ LIÊN - VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ |

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương.