Khách du lịch đến Yên Bái ngày càng tăng
Dịp nghỉ lễ 30.4-1.5 năm nay, tỉnh Yên Bái đã đón 209.900 lượt du khách, tăng 72,6% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng cao so với những năm trước đó.
Một số địa phương không phải vùng du lịch nhưng cũng đón rất đông khách đến tham quan, trải nghiệm. Như huyện Văn Yên đón 40.700 lượt khách, huyện Văn Chấn đón 23.100 lượt khách, huyện Lục Yên đón 21.000 lượt khách…
Điều thú vị khi đến những bản làng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số - khu vực có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất so với cả nước, nhiều người tỏ ra thích thú khi tên địa danh rất hay và ấn tượng.
Ví dụ như xã vùng cao Báo Đáp, Bảo Hưng, Hồng Ca, Hưng Khánh, Kiên Thành, Lương Thịnh, Việt Cường của huyện Trấn Yên.
Xã Tú Lệ, An Lương, Bình Thuận, Cát Thịnh, Chấn Thịnh, Minh An, Nghĩa Tâm, Sơn Lương, Tân Thịnh của huyện Văn Chấn.
Xã vùng sâu, vùng xa An Lạc, An Phú, Động Quan, Khai Trung, Khánh Thiện, Lâm Thượng, Mai Sơn, Minh Chuẩn, Minh Tiến, Minh Xuân, Phúc Lợi, Tân Lập, Tân Lĩnh, Tân Phượng, Yên Thắng của huyện Lục Yên.
Xã Yên Bình, Bạch Hà, Bảo Ái, Đại Đồng, Đại Minh, Mỹ Gia, Ngọc Chấn, Phúc An, Phúc Ninh của huyện Yên Bình...
Xã nghèo Mỏ Vàng, An Bình, An Thịnh Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng, Đại Sơn, Đông An, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Viễn Sơn, Yên Phú của huyện Văn Yên.
Chưa kể, tại các thôn bản của đồng bào dân tộc thiểu số như H’Mông, Tày, Dao, Thái cũng có tên gọi rất "miền xuôi" chứ không mang màu sắc đặc trưng vùng cao như những tỉnh miền núi khác.
Có thể điểm như thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, thôn Chấn Hưng, xã Hưng Thịnh thuộc huyện Văn Yên; thôn Yên Bình, Xã Hưng Thịnh, thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca thuộc huyện Trấn Yên.
Thôn Trung Tâm, xã Yên Bình, thôn Làng Ca, xã Cẩm Nhân thuộc huyện Yên Bình hay Bản Nước Nóng, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; Bản Trang, xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên…
"Chưa có công trình nghiên cứu"
Nói về câu chuyện phần lớn tên của 150 xã của Yên Bái đều hay đặc biệt, đại diện các sở ngành cho biết, tỉnh do thực dân Pháp thành lập năm 1900. Từ thời điểm đó, một số phủ, châu đã được đặt tên rất hay. Sau nhiều lần sáp nhập, tái lập, nhiều tên gọi hay của các xã, huyện vẫn được lưu giữ.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái - chia sẻ, đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu về ý nghĩa cũng như lịch sử tên gọi các địa danh của địa phương. Tuy nhiên, đây là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân khi các đoàn công tác của Trung ương và tỉnh bạn về Yên Bái đều rất ấn tượng về tên của các xã, huyện.
Ông Đỗ Đức Duy cũng cho biết, cùng với tên địa danh ấn tượng, Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội.
Tuy là việc làm mới, khái niệm "hạnh phúc” lại khá trừu tượng, khó có thể “lượng hóa”, nhưng Yên Bái đã vừa làm, vừa điều chỉnh dựa trên 3 tiêu chí: sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình.
Sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, tới nay, kết quả khảo sát Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2023 đạt 65,62%. Yên Bái phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ.
“Yên Bái là một tỉnh điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nếu như đặt mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, về thu ngân sách thì có thể mãi mãi vẫn là một tỉnh đi sau.
Tuy nhiên, dù là tỉnh phát triển đến mức độ nào thì vấn đề cuối cùng vẫn là phải bảo đảm đời sống ấm no, hạnh phúc của người dân. Do vậy, Yên Bái đã lựa chọn triết lý phát triển xanh, hài hòa, bản sắc hạnh phúc với mục đích mọi thành quả của sự phát triển cuối cùng cũng là để đem lại sự hạnh phúc cho nhân dân, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân” - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái bày tỏ.