Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc
Xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh nội sinh nên những năm qua, Yên Bái luôn quán triệt và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh 2020-2025 đến nay, Yên Bái đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kết hợp với tích cực tổ chức các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh ưu tiên bố trí trên 12.000 tỉ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung vào hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn 2021-2025, Yên Bái được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trên 1.384 tỉ đồng, chiếm 54% tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Giảm nghèo nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân
Theo ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, sở và các ngành liên quan đã tập trung làm tốt công tác tham mưu, xây dựng thể chế, chính sách về công tác giảm nghèo bền vững mà trọng tâm là về huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
"Định kỳ hằng năm, sở phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó xác định rõ mục tiêu và nguồn lực huy động để thực hiện công tác giảm nghèo, cũng như trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc huy động nguồn lực cho giảm nghèo" - ông Giang chia sẻ.
Báo cáo của UBND tỉnh cũng cho thấy, đến nay, gần 100% xã đã có đường ôtô đến trung tâm xã. Hơn 95% đường từ các thôn, bản đến trung tâm xã được cứng hóa. Trên 97% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư với 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 47 trường Phổ thông Dân tộc bán trú, 30 trường có học sinh bán trú. Học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường nội trú, bán trú đạt 40,7%. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên.
Đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân vùng cao được cải thiện rõ rệt. Hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm còn 12,9% (giảm 5,15% so với 2021); trong đó hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 22,2% (giảm 8,15% so với 2021), vượt mục tiêu đề ra.
Ông Trần Xuân Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh - cho biết, Yên Bái đặt mục tiêu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bằng 1,5 lần so với mức giảm tỉ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh.