Lai Châu phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo TTXVN |

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc có 20 dân tộc sinh sống với gần 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Mường Tè từ lâu được biết đến là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Toàn huyện có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có dân tộc rất ít người là Si La. Ngoài ra, còn có các dân tộc đặc biệt khó khăn như Cống, Mảng, La Hủ. Toàn huyện có 6 xã biên giới Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ và 11/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Những năm qua, nhằm quan tâm tới việc phát triển kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số, Mường Tè đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh toàn dân để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, huyện lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình mục tiêu Quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, đường sản xuất, nhà văn hoá; hỗ trợ sinh kế cho người dân phát triển kinh tế, nhất là quan tâm đến đời sống của đồng bào các dân tộc ít người.

Từ đó, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng "phên dậu" của Quốc gia.

Cách trung tâm huyện Mường Tè khoảng hơn 20 km, Pa Vệ Sủ - xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè nay đã khoác lên mình một diện mạo mới.

Toàn xã có hơn 30 km đường biên giới, 12 bản, 3 cụm dân cư và 9 dân tộc cùng sinh sống; trong đó có 2 dân tộc sinh sống lâu đời là dân tộc La Hủ và Mảng (hơn 90% dân số là người dân tộc La Hủ).

Do địa hình phức tạp, giao thông cách trở cùng với trình độ dân trí thấp nên công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân Pa Vệ Sủ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là nhiệm vụ cấp thiết đối với đảng bộ, chính quyền địa phương. 

Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ Giàng Ha Cà cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia; trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đã rà soát những hộ gia đình nằm trong các chương trình để hỗ trợ về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp.

Trong đó, xã xác định chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi là mũi nhọn về kinh tế để nâng cao năng suất, sản lượng. Đến nay, chăn nuôi gia súc toàn xã đạt khoảng 1.800 con, gần 2.300 con gia cầm và nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả.

Nhờ sự hỗ trợ của của Nhà nước về giống lúa mới, bà con dân tộc Cống ở bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tăng được sản lượng lương thực. Ảnh: TTXVN
Nhờ sự hỗ trợ của của Nhà nước về giống lúa mới, bà con dân tộc Cống ở bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tăng được sản lượng lương thực. Ảnh: TTXVN 

Đặc biệt, do xã có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây dược liệu, nhất là cây sâm Lai Châu, xã đã chỉ đạo các bản tập trung rà soát diện tích để mở rộng trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với việc chăm sóc, bảo vệ rừng.

Cùng với việc giúp đỡ bà con đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, chính quyền xã Pa Vệ Sủ thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để bám, nắm địa bàn, kịp thời giải quyết khúc mắc trong dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. 

Hết năm 2022, sản lượng lương thực có hạt của xã Pa Vệ Sủ đạt trên 1.600 tấn, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 6% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm;

Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 88,5% (năm 2021) xuống còn 81,6% theo tiêu chí mới; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 86%... Qua đó, giúp nhân dân cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Gia đình bà Ly Mỳ Hừ, dân tộc La Hủ ở bản Seo Thèn, xã Pa Vệ Sủ trước đây thuộc diện hộ nghèo. Khi được nhà nước hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, bà Hừ đã trồng 2 sào ruộng, nuôi 4 con lợn và chăm sóc bảo vệ rừng. Đến nay, kinh tế gia đình khá hơn mỗi năm thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng và thoát nghèo.

Năm 2023, toàn huyện Mường Tè được giao kế hoạch vốn 241,5 tỷ đồng, trong đó 157,9 là nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, toàn huyện giải ngân được trên 23 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch giao.

Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịc UBND huyện Mường Tè cho hay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình lớn của quốc gia; là động lực quan trọng để vừa khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách lẫn lâu dài đối với mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, biên giới.

Nhờ các chương trình, chính sách của Đảng bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới của huyện có chuyển biến tích cực. Hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 27,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,4%/năm.

Để thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian tới Mường Tè tiếp tục triển khai các nguồn vốn đảm bảo đúng các đối tượng thụ hưởng; tiếp tục phát huy mọi nguồn lực đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả; khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình và trang trại; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tương tự, tại huyện Nậm Nhùn có 11 dân tộc cùng sinh sống với trên 6.200 hộ dân, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, đặc biệt là có các dân tộc ít người như Cống, Mảng, La Hủ, Si La. Cho đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện có sự chuyển biến rõ nét, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc trong huyện và trong tỉnh Lai Châu.

Ông Vũ Tiến Hoá, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, những năm qua, đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện, nhất là dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/người/năm.

Tất cả các thôn, bản đều có đường xe máy, trên 70% số bản có đường ô tô, trên 92,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 98% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp về sinh, 100% dân số đô thị được sử dụng nước sạch.

Tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi ngày càng cao, việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được quan tâm. Có được những kết quả trên là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Lai Châu thông qua những chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai của huyện.

Song song với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, huyện Nậm Nhùn còn dành nguồn lực ưu tiên cho phát triển giáo dục. Bởi nâng cao chất lượng giáo dục đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của địa phương.

Vì vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, triển khai kịp thời các chế độ chính sách cho học sinh, gần 5 năm qua, Nậm Nhùn đã thực hiện tốt đề án đưa học sinh Trung học cơ sở người Mảng về học tập trung tại huyện để tạo nguồn cán bộ cho đồng bào dân tộc Mảng. Đến nay, có 100 học sinh người dân tộc Mảng về học tại trường trung tâm huyện.

Có thể thấy rằng, với sự quyết tâm cao, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu đã và đang ngày càng phát triển. Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục có những chính sách đặc thù riêng về phát triển kinh tế - xã hội đối với các huyện nghèo, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách về giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số; chính sách phát triển nông - lâm nghiệp; chính sách nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phát triển văn hóa, xã hội và chính sách bảo vệ môi trường.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam quan tâm phát triển vùng đồng bào Khmer

Khánh Minh |

Ngày 2.6, báo Tia sáng Campuchia (Rasmei Kampuchea) - một trong những cơ quan báo chí uy tín và lâu đời nhất ở Campuchia - đăng bài viết “Việt Nam quan tâm tạo sinh kế bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Khmer”.

Trà Vinh nhân rộng giá trị tốt đẹp của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Thanh Hà |

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh mong muốn Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tiếp tục được tổ chức hiệu quả để mỗi khu dân cư luôn đoàn kết, gắn bó, đồng tâm thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Trà Vinh ngày no ấm, giàu đẹp.

Sôi nổi Ngày hội “Thanh niên công nhân - Lan tỏa năng lượng tích cực"

Ái Vân |

Thông qua ngày hội “Thanh niên công nhân - Lan tỏa năng lượng tích cực", Ban tổ chức mong muốn trang bị kiến thức, kỹ năng, tạo môi trường giao lưu, cổ vũ tinh thần hăng say làm việc cho thanh niên công nhân nâng cao hiệu suất công việc, góp phần phát triển doanh nghiệp, địa phương và đất nước.

Việt Nam quan tâm phát triển vùng đồng bào Khmer

Khánh Minh |

Ngày 2.6, báo Tia sáng Campuchia (Rasmei Kampuchea) - một trong những cơ quan báo chí uy tín và lâu đời nhất ở Campuchia - đăng bài viết “Việt Nam quan tâm tạo sinh kế bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Khmer”.

Trà Vinh nhân rộng giá trị tốt đẹp của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Thanh Hà |

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh mong muốn Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tiếp tục được tổ chức hiệu quả để mỗi khu dân cư luôn đoàn kết, gắn bó, đồng tâm thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Trà Vinh ngày no ấm, giàu đẹp.

Sôi nổi Ngày hội “Thanh niên công nhân - Lan tỏa năng lượng tích cực"

Ái Vân |

Thông qua ngày hội “Thanh niên công nhân - Lan tỏa năng lượng tích cực", Ban tổ chức mong muốn trang bị kiến thức, kỹ năng, tạo môi trường giao lưu, cổ vũ tinh thần hăng say làm việc cho thanh niên công nhân nâng cao hiệu suất công việc, góp phần phát triển doanh nghiệp, địa phương và đất nước.