Đột phá mở đường, tháo gỡ khó khăn
Những khó khăn sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và những khuyết điểm của mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, làm cho tình hình kinh tế - xã hội rơi vào trì trệ, khủng hoảng đặt ra vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải đổi mới mạnh mẽ, cơ bản cách nghĩ, cách làm.
Ông Võ Văn Kiệt trên cương vị người đứng đầu thành phố Hồ Chí Minh “xuất hiện” như một nhà lãnh đạo tiên phong đột phá mở đường, tháo gỡ khó khăn.
Để khắc phục tình trạng “bán như cho, mua như cướp”, ông táo bạo “phá rào”, bỏ những bức tường “ngăn sông cấm chợ”, một loại rào cản gây ách tắc lưu thông, tạo ra sự khan hiếm giả tạo về hàng hóa, mở đường tạo sự thông thoáng giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trong nước.
Ông tán thành phương án thành lập “Tổ thu mua lúa gạo” ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo giá thỏa thuận - giá thị trường - với nông dân. Không chỉ được gọi tên là “Chủ tịch gạo”, ông Võ Văn Kiệt còn xông xáo đi xuống các cơ sở sản xuất kinh doanh “cởi trói” sản xuất hàng hóa.
Sau năm 1975, ông suy nghĩ nhiều về con số lạm phát 774%; về đời sống khó khăn của người dân nói chung, người nghèo nói riêng. Xuống với các nhà máy, xí nghiệp, ông cùng công nhân tìm cách tháo gỡ “nút thắt” của cơ chế kế hoạch hóa tập trung để thúc đẩy sản xuất phát triển
Năm 1981, ông Võ Văn Kiệt thành lập Văn phòng Công tác nghiên cứu kinh tế trực thuộc Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, mở ra cách tổ chức làm việc mới để giải quyết những bế tắc về kinh tế. Trong thập kỷ tám mươi, ông Võ Văn Kiệt là người đã ký ban hành nhiều nghị định, quyết định liên quan tới việc bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả các tuyến giao thông trong nước; Về kinh tế tư doanh, kinh tế gia đình; Về việc giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, xóa hệ thống chỉ tiêu kế hoạch áp đặt từ trên xuống; Về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, v.v...
Những thử nghiệm, tìm tòi ở thành phố Hồ Chí Minh từ sau giải phóng miền Nam đến đầu thập niên tám mươi cùng với một số địa phương trên cả nước góp phần quan trọng để Đảng và Chính phủ có những chỉ thị, quyết định trên con đường đi tới đổi mới [1].
Cách làm, cách nghĩ đột phá, đổi mới đầu tiên về kinh tế - tuy còn sơ khai và chập chững - nhưng mang lại giá trị lớn ở chỗ xuất hiện hình dáng của thị trường.
Sự kiểm chứng bằng thực tiễn, hiệu quả thực tế qua cách nghĩ, cách làm mới mẻ của đồng chí Võ Văn Kiệt mà quan trọng nhất là đời sống nhân dân được cải thiện, năng suất lao động được nâng cao...
Một trong những tác giả của quá trình hình thành và phát triển đường lối đổi mới
Đại hội V của Đảng đưa ra một số quan điểm mới, nhưng sự tìm tòi đổi mới vẫn gặp những lực cản lớn, thử thách rất phức tạp. Vẫn tồn tại cách nghĩ, cách làm cũ, muốn đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, thu mua, nắm nguồn hàng, cải tạo thị trường tự do. Việc níu kéo cái cũ làm cho khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày một nghiêm trọng, đời sống nhân dân, nhất là người làm công ăn lương ngày càng khó khăn.
Trên những trọng trách mới được Đảng giao phó, ông Võ Văn Kiệt bám sát thực tiễn, tiếp tục tạo ra những mũi đột phá mới mà quan trọng nhất là tổ chức những chuyến đi khảo sát ở các địa phương, nhà máy, công trình lớn của đất nước, nắm bắt hơi thở cuộc sống để có sự điều chỉnh, hoạch định chủ trương phù hợp thực tế.
Ông Võ Văn Kiệt là con người dị ứng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, bảo thủ, trì trệ, duy ý chí, không dám làm, dè dặt, nói mà không làm, lập kế hoạch trong phòng giấy. Nắm vững quy luật của cuộc sống, đồng chí là con người luôn đề cao cái mới, sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ trong tổ chức thực hiện; khuyến khích tính năng động, sáng tạo, chủ động, tự chủ của các địa phương, các ngành...
Cách nghĩ và cách làm đổi mới của ông Võ Văn Kiệt, đặc biệt tham gia góp ý kiến, dự thảo nội dung, chỉ đạo triển khai các nghị quyết Trung ương khóa V góp phần quan trọng vào việc đánh dấu bước đột phá thứ hai [2] và bước đột phá thứ ba [3], có ý nghĩa đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, trong suốt quá trình đó, Võ Văn Kiệt là người chịu trách nhiệm thiết kế ba chương trình kinh tế lớn trong văn kiện Đại hội VI nhằm “sửa sai” những chủ trương mang nặng tư tưởng chủ quan, duy ý chí trong phát triển kinh tế.
Cách nghĩ, cách làm đổi mới về kinh tế của ông Võ Văn Kiệt gắn với các công trình do đồng chí đề xuất và chỉ đạo thực hiện. Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo, nhân dân gọi ông Võ Văn Kiệt với những cái tên trìu mến như “Thủ tướng điện”, “Thủ tướng cầu đường”, “tổng công trình sư”.
Ông Võ Văn Kiệt từ một lãnh đạo địa phương đến người đứng đầu Chính phủ đã có những suy nghĩ, tìm tòi mới mẻ, táo bạo về phát triển kinh tế, trở thành một trong những tác giả của quá trình hình thành và phát triển đường lối đổi mới.
Ông Võ Văn Kiệt sinh ngày 23.11.1922, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, quê quán Vĩnh Long. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938. Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (8.1991), ông Võ Văn Kiệt được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6.1996), ông Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng được Ban Chấp hành T.Ư Đảng bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị và được cử làm Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992-1997), ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Từ tháng 12.1997 đến tháng 4.2001, ông Võ Văn Kiệt được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam. T.Vương
[1] Hội nghị Trung ương 6 khóa IV - bước đột phá thứ nhất (tháng 8-1979); Chỉ thị 100 - CT/TW, ngày 13.1.1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động.
[2] Bước đột phá thứ hai được ghi nhận tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6.1985).
[3] Bước đột phá thứ ba là sự kiện ngày 20.9.1986, Bộ Chính trị họp chuẩn bị cho Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI, đưa ra Kết luận đối với một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế.