Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, Dự án luật cần được xây dựng với tầm nhìn dài hạn, (khoảng 10-15 năm) khi dân số nước ta có khoảng 110-115 triệu dân và GDP bình quân đầu người vào khoảng 10-15 nghìn USD (thu nhập trung bình cao), còn nếu hướng tới năm 2045, 2050 sẽ là 25-32 nghìn USD (thu nhập cao) và mục tiêu mà Đảng đã đặt ra là tới năm 2030 có 10% dân số tham gia Hợp tác xã và tới năm 2045 có 20% dân số tham gia Hợp tác xã. Có như vậy kinh tế tập thể mới có thể làm tốt sứ mệnh lịch sử của mình.
PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) liên quan tới dự án Luật này.
Thưa đại biểu, qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi), những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác xã được thể hiện như thế nào?
Đại biểu Tạ Thị Yên: Về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều cử tri.
Để thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 20 Trung ương 5, Dự án luật đã thiết kế khá đầy đủ 8 nhóm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tôi xin không nhắc lại.
Nhưng tôi nhận thấy, tổ chức thực hiện được không phải là dễ vì sẽ có những xung đột pháp luật nhất định liên quan đến ngân sách, tín dụng, thuế, phí và lệ phí, quản lý tài sản nhà nước, khoa học công nghệ, đất đai, tài nguyên, quản lý nước, môi trường…
Vậy làm sao để có thể thiết kế, hay sử dụng kỹ thuật lập pháp như thế nào để đưa ra các quy định pháp luật mới có tính thực thi cao mà không phải dùng “một luật sửa nhiều luật” hay chờ đợi rất lâu các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành quy định chi tiết việc thi hành luật.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là, có nên thiết kế một chương trình nào đó cho kinh tế tập thể để cụ thể hóa các chính sách bằng những nguồn lực vật chất cụ thể nhất là khi Dự án Luật đã bổ sung quy định về phương thức hỗ trợ của Nhà nước, thông qua hình thức dự án đầu tư hoặc phi dự án và dự kiến một Chương trình tổng thể về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ được Nhà nước thông qua để tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước cho kinh tế tập thể.
Tôi cho rằng nếu xây dựng được một Chương trình như vậy, gần như một Chương trình mục tiêu quốc gia, hay Chương trình hỗ trợ có mục tiêu cho một giai đoạn nhất định là rất quan trọng với những cơ chế, chính sách đủ sức đột phá, vượt qua những rào cản: thiếu vốn, thiếu đất đai, thiếu khoa học công nghệ, thiếu kỹ năng… của kinh tế tập thể hiện nay. Quy mô của Chương trình chắc chắn sẽ thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội.
Nội dung liên quan tới Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cũng còn những ý kiến khác nhau. Quan điểm của đại biểu như thế nào?
Về quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 cho thấy, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quỹ còn nhiều hạn chế, chẳng hạn như:
Về huy động vốn: Năng lực tài chính của Quỹ còn hạn chế, nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước bố trí;
Về chất lượng tín dụng của các Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; Cơ cấu tổ chức của Quỹ chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý tài chính, đánh giá, thẩm định cho vay đối với các Hợp tác xã, Liên hiệp các Hợp tác xã; chưa có hệ thống xếp hạng tín dụng đối với các Hợp tác xã, liên hiệp các Hợp tác xã; Hai nhiệm vụ là bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư chưa thực hiện được.
Như vậy việc thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã quy định trong Dự thảo Luật hiện nay đều chưa đảm bảo. Cơ cấu tổ chức của Quỹ còn thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy cần tiếp tục duy trì và đổi mới Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã khi Dự thảo Luật đã quy định về chính sách ưu đãi tín dụng đối với các tổ chức kinh tế hợp tác.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đặt vấn đề về việc cần làm rõ vai trò, chức năng của Quỹ, để tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân.
Để quyền làm chủ tập thể của thành viên Hợp tác xã được thực hiện đầy đủ và bảo đảm dân chủ, vấn đề cung cấp thông tin cần thiết liên quan tới hoạt động hợp tác xã cần được quy định như thế nào?
Quy định về quyền “Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã” tại điểm h khoản 1 Điều 75 của Dự thảo Luật.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua đã xảy ra không ít vi phạm quyền của các thành viên được tiếp cận thông tin, như: Hợp tác xã gây khó khăn trong việc thành viên thực hiện quyền của mình hoặc các Hợp tác xã công bố thông tin không chính xác, hay không hết nội dung, có những nội dung mập mờ khiến thành viên đánh giá không đúng về Hợp tác xã …
Tôi nhận thấy, trong dự thảo Luật nội dung điểm này chưa làm rõ được thế nào là “thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã” và cũng chưa có chế tài xử lý trong trường hợp, người quản lý Hợp tác xã không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã.
Tôi đề nghị, để quyền làm chủ tập thể của thành viên Hợp tác xã được thực hiện đầy đủ và bảo đảm dân chủ, bình đẳng trong tổ chức và hoạt động, cần bổ sung quy định các thành viên phải được cung cấp đầy đủ, trung thực, khách quan thông tin về mọi hoạt động và tình hình tổ chức quản lý của Hợp tác xã.
Xin cảm ơn đại biểu!