Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023: Không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế

Vương Trần |

Dự kiến năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%. Nhiều ý kiến nhận định đây là một thách thức trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng

Thách thức lớn về nền kinh tế

Tại báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XV), nhận định hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%... Các giải pháp tập trung gồm tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2023 vẫn là thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khủng hoảng năng lượng diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: Trần Vương
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: Trần Vương

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM nêu quan điểm: “Tôi nghĩ rằng, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong năm 2023 không phải là tăng trưởng kinh tế, mà giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô. Cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, chứ không phải thắt chặt; còn chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở tăng chi đầu tư phát triển nhưng giảm các chi phí lễ hội, liên hoan”.

Theo ông, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn trong bối cảnh giá nguyên vật liệu thế giới tăng, cho nên trong năm 2023 vẫn cần tăng thêm các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

“Trong các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thì có gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh - trên thực tế việc triển khai gặp nhiều khó khăn nhất định cho bản thân người vay và người cho vay. Đến nay mới chỉ giải ngân 12,8 tỉ đồng, trong khi dự toán cho gói này là 40.000 tỉ đồng. Trong năm 2023, tôi nghĩ rằng cần chuyển nguồn này sang hỗ trợ miễn giảm thuế phí, gia hạn thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới tạo được thanh khoản cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh”, ông nói.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, năm 2023, vốn đầu tư công rất lớn, hàng trăm nghìn tỉ đồng, cho nên, ngay từ khâu chuẩn bị dự án, giải ngân… phải thực hiện gấp rút các quy trình đầu tư, để các dự án đầu tư công được lan toả, thu hút các nguồn lực xã hội.

Về lạm phát, theo ông Ngân, báo cáo của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), lạm phát thế giới được dự báo tăng từ 4,7% năm 2021 lên 8,8% năm 2022. Do đó phải có những chính sách chia sẻ với người dân những vấn đề về an sinh xã hội. Tăng lương cơ sở thực hiện tăng nhanh hơn gắn với hiệu quả và trách nhiệm của công chức, viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp...

“Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng tôi tin rằng với sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm điều hành không ngừng nghỉ của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, kinh tế Việt Nam, kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn có nhiều điểm sáng, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới”, ông nói.

Đầu tư công tốt sẽ "bơm máu" ra nền kinh tế

Nhận định về việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho hay, mặc dù trong thời gian tới, còn quá nhiều biến số khó đoán định và không thể lường trước được, nhưng việc đề ra mục tiêu này là phù hợp. Việc đặt ra mục tiêu này để định hướng sự phấn đấu của chúng ta, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp có những nỗ lực trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. 

“Thế giới đang quay cuồng không chỉ trong dịch bệnh mà còn sự đứt gãy của rất nhiều nguồn cung, nhưng với riêng Việt Nam, tất cả hàng hoá, dịch vụ, nguyên vật liệu cho sản xuất được cung ứng rất kịp thời, mọi thứ đều bình ổn. Việc hoàn thành mục tiêu 6,5% tăng trưởng hay không còn phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, tôi tin rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn có những thành tựu đáng nể”, ông nói.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Trần Vương
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Trần Vương

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ đầu tư công. Nếu đầu tư công tốt sẽ “bơm máu” ra được cho nền kinh tế. Nếu đầu tư công "bơm máu" chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

Phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế. Đây là bài học cực kỳ quan trọng. Cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước gần đây đã nhìn nhận được. Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục "bơm máu" cho nền kinh tế.

PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích, cần đánh giá kỹ 3 yếu tố đó là đầu tư công, thị trường vốn dài hạn và cho vay ngắn hạn như thế nào để không mất cân đối. Đây là điểm mấu chốt cho ổn định tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo ông, chúng ta phải nhìn thấy được cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều vấn đề như khủng hoảng về năng lượng, lương thực… Đây cũng có thể là cơ hội đáng để chúng ta phải nhận diện được để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, khu vực này. Khi thế giới đang gặp khó khăn, chúng ta không nên chỉ nhìn khía cạnh gay go mà ở cả khía cạnh tích cực, để có chính sách hỗ trợ các khu vực có thể giúp cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn.

Vương Trần
TIN LIÊN QUAN

Bình Dương: Tặng 1.000 thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

NHÓM PV |

BHXH tỉnh Bình Dương vừa phối hợp tổ chức Chương trình Tặng thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của 4 phường trên địa bàn thị xã Bến Cát.

Phát động cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi”

THANH HƯƠNG |

Nhằm chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam chính thức phát động cuộc thi “Đạo Phật trong trái tim tôi”. 

Doanh nhân, doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế

BẢO TRUNG |

Doanh nhân, doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng giúp phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, góp phần đưa Buôn Ma Thuột (thủ phủ của tỉnh) trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong tương lai gần.

Bình Dương: Tặng 1.000 thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

NHÓM PV |

BHXH tỉnh Bình Dương vừa phối hợp tổ chức Chương trình Tặng thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của 4 phường trên địa bàn thị xã Bến Cát.

Phát động cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi”

THANH HƯƠNG |

Nhằm chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam chính thức phát động cuộc thi “Đạo Phật trong trái tim tôi”. 

Doanh nhân, doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế

BẢO TRUNG |

Doanh nhân, doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng giúp phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, góp phần đưa Buôn Ma Thuột (thủ phủ của tỉnh) trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong tương lai gần.