Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Nhớ về nguồn cội, kết nối tương lai

Vương Trần |

Giá trị sâu xa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự gắn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.

Nhớ về cội nguồn

Mỗi độ tháng ba âm lịch về, trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại hướng về Lễ hội Đền Hùng - một thời khắc linh thiêng để chúng ta cảm nhận sâu sắc tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết, cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ đến công ơn của Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước. Dịp này, nhiều người từ khắp mọi nơi gác lại những công việc hàng ngày, sắp xếp thời gian về Việt Trì, Phú Thọ dự Lễ hội Đền Hùng.

Theo Ban quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, năm nay, lễ Giỗ Tổ sẽ được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh. Trong đó có những nghi lễ truyền thống như Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh, Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được tổ chức quy mô cấp tỉnh gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Ái Vân
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được tổ chức quy mô cấp tỉnh gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Trần Vương

Đặc biệt, du khách thập phương sẽ được thưởng thức các làn điệu hát Xoan thấm đậm tình đất, tình người Phú Thọ. Đây là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, được phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước, chỉ có ở vùng đất Tổ-Phú Thọ và đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, sau 10 năm được ghi danh, đánh giá lại nỗ lực của chúng ta trong việc tôn vinh giá trị tổ tiên, dân tộc mình, có thể thấy tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện thành công rất nhiều việc.

Cộng đồng đã tiến hành phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền, phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số làng xã với sự hỗ trợ của Nhà nước.

“54 dân tộc anh em, dù là người Kinh, Dao, Mông, Thái hay Ê-đê, Ba Na… dù là dân tộc nào đều có chung một quốc tổ. Tất cả đều đồng lòng chung sức, đoàn kết hướng về cội nguồn. Việc UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt”, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Sức mạnh văn hoá của dân tộc

Nhà nghiên cứu văn hoá, TS Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cấp quốc gia dân tộc. Điều này tạo nên đặc trưng văn hóa và sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh của đồng tâm, đồng chí, đồng lòng. Do đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Đặc biệt, từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội ngày càng được lan rộng trong và ngoài nước.

“Không chỉ đơn thuần là một ngày nghỉ lễ, ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chính là nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, nguồn cội, lối sống có trước có sau và cao hơn là nêu cao khối đại đoàn kết dân tộc. Thực tế đã chứng minh ở những thời điểm đất nước đối mặt với khó khăn chính là khi tinh thần đoàn kết được nêu cao. Điều này có thể thấy ở bất cứ cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền nào của người Việt kéo dài suốt chiều dài lịch sử. Và nó đặc biệt phát huy tác dụng trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình COVID-19 suốt hơn 2 năm qua”, TS Nguyễn Ánh Hồng nói.

Dòng người về tham dự Lễ hội Đền Hùng 2022. Ảnh: Trần Vương
Dòng người về tham dự Lễ hội Đền Hùng 2022. Ảnh: Trần Vương

GS.TS. NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một hình thức thờ Tổ độc đáo mà hiếm quốc gia nào trên thế giới có được.

Huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ đã giáo dục chúng ta lòng biết ơn, đặc biệt là ý thức về cội nguồn giống nòi, mối quan hệ máu thịt của người Việt Nam. Hai chữ "đồng bào" đã nói lên điều đó, "đồng" là cùng, "bào" là bọc, "đồng bào" là cùng một bọc. Tất cả chúng ta, dù người miền Bắc, miền Nam, miền Trung, dù người miền núi, miền xuôi, miền biển đều cùng chung một bọc trứng của Âu Cơ. Đó là một mối quan hệ đặc biệt, chỉ dân tộc Việt Nam mới có.

Vì vậy, theo GS.TS. NGND Trần Văn Bính, giá trị sâu xa của tín ngưỡng Hùng Vương là sự gắn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.

Vương Trần
TIN LIÊN QUAN

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Kết nối người Việt trên toàn cầu

Vương Trần |

Đại diện kiều bào Việt Nam xúc động khi về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên. Mặc dù sống xa Tổ quốc, nhưng kiều bào ở nước ngoài vẫn luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cùng hướng về cội nguồn.

Sức sống mãnh liệt, trường tồn từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Vương Trần |

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước.

“Định vị” giá trị trường tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên toàn cầu

Vương Trần |

“Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” không chỉ khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, giá trị trường tồn của Di sản Tín ngưỡng Hùng Vương mà còn mang ý nghĩa hun đúc lòng tự tôn, tự hào dân tộc, vun đắp giá trị và phẩm hạnh của người Việt, giúp chúng ta tự tin hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Kết nối người Việt trên toàn cầu

Vương Trần |

Đại diện kiều bào Việt Nam xúc động khi về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên. Mặc dù sống xa Tổ quốc, nhưng kiều bào ở nước ngoài vẫn luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cùng hướng về cội nguồn.

Sức sống mãnh liệt, trường tồn từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Vương Trần |

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước.

“Định vị” giá trị trường tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên toàn cầu

Vương Trần |

“Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” không chỉ khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, giá trị trường tồn của Di sản Tín ngưỡng Hùng Vương mà còn mang ý nghĩa hun đúc lòng tự tôn, tự hào dân tộc, vun đắp giá trị và phẩm hạnh của người Việt, giúp chúng ta tự tin hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới”.