Sức sống mãnh liệt, trường tồn từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Vương Trần |

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước.

Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt

Những ngày diễn ra Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng triệu người hành hương hướng về cội nguồn dân tộc. Ban tổ chức (BTC) lễ hội thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo cho mọi người tham gia giỗ tổ trang nghiêm, an toàn.

Những ngày tháng Ba âm lịch, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng du khách thập phương khắp nơi lại nô nức trở về Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ) dâng hương, tham quan, cùng tham gia vào không gian văn hoá truyền thống. Khắp các lối lên từ cổng Đền hướng về núi Nghĩa Lĩnh lễ tổ đều đông kín du khách. 

Cùng với nghi lễ thờ cúng, hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian như: Rước kiệu truyền thống, hát Xoan, đánh trống đồng, thi giã bánh giầy, gói bánh chưng… được phục dựng nguyên bản làm cho Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng ngày càng gắn với tín ngưỡng, không gian văn hóa truyền thống.

Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn nằm trong khuôn khổ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 mang nhiều nét đặc sắc. Ảnh: Khánh Linh
Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn nằm trong khuôn khổ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 mang nhiều nét đặc sắc. Ảnh: Khánh Linh

Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống của đông đảo người Việt Nam, gắn với thờ cúng Tổ tiên là một biểu hiện nhất quán của văn hóa truyền thống dân tộc, được xem như một biểu tượng phản ánh tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc và sự kết nối cộng đồng của người Việt Nam. 

ThS Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Thọ cho hay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Các Vua Hùng được nhân dân lập đền thờ chính tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra còn có rất nhiều các đền miếu thờ cúng Hùng Vương và tướng lĩnh dưới thời các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều địa phương trong cả nước. 

Thực tế Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng ngàn năm nay. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước.

Theo ông Khôi, Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng từ ngàn đời nay đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Tổ tiên chung của dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn. Các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau ngày càng biết trân trọng và giữ gìn những thành quả mà ông cha để lại, tự hào về quá khứ của dân tộc mình.

"Về nơi thờ Tổ tiên của dân tộc không chỉ là về với cội nguồn mà còn là cuộc hành hương về với đức tin truyền thống, vào sự linh thiêng huyền diệu của Tổ tiên, của hồn thiêng sông núi. Cũng chính nhờ có đức tin và sự tôn thờ bất diệt trong tâm thức của mỗi người con đất Việt đối với tổ tiên ông bà, cha mẹ đến các Vua Hùng, mà trong các thời kỳ lịch sử, sức mạnh của dân tộc đã được nhân lên gấp bội. Vượt qua mọi khó khăn thử thách dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và không ngừng phát triển" - ông Khôi phân tích.

Lan toả hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng đậm bản sắc Việt

GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) phân tích, nhìn lại tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời cũng là những nghìn năm của tiến trình sáng tạo, thực hành tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng, có thể thấy rõ bước đường lan tỏa, lưu truyền một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Với sức sống ngày một mãnh liệt, xoáy tụ từ vùng đất thiêng Nghĩa Lĩnh - Việt Trì, Phú Thọ, tỏa ra nhiều làng quê châu thổ Bắc Bộ, lan tỏa dọc theo vùng đất cách mạng Trung Bộ và nhiều làng quê Nam Bộ, thậm chí lan sang một số nước trên thế giới, nơi có con cháu Vua Hùng đã và đang cư trú, làm ăn, sinh sống.

Du khách thập phương về dự Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Trần Vương
Du khách thập phương về dự Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Trần Vương

Nhìn ra các nước trên thế giới, nơi có con em người Việt nhiều thế hệ đã và đang cư trú, làm ăn sinh sống, có thể thấy rằng, hầu như mọi gia đình đều thiết lập ban thờ Tổ tiên, hướng về cội nguồn dân tộc, thể hiện tấm lòng của người xa quê đối với quê hương đất nước. Hàng nghìn đoàn du lịch từ nước ngoài đã được tổ chức cho con em người Việt xa xứ hành hương về đất thiêng Nghĩa Lĩnh ngày Giỗ Tổ hàng năm. Tại một số nước, Hội người Việt Nam sở tại đã bằng những cách thức khác nhau tổ chức xây dựng những đền, chùa, trong đó có nơi dành cho thờ cúng các Vua Hùng, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng tôn giáo của người dân, như Liên bang Nga, Liên bang Hoa Kỳ, Ba Lan, Đức…

"Như vậy, từ vùng đất cội nguồn của Phú Thọ với dấu thiêng Nghĩa Lĩnh - Việt Trì, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy, lan tỏa mở rộng trên phạm vi cả nước cũng như đã và đang được chuyển hóa xuyên biên giới lan tỏa đến cộng đồng người Việt ở nhiều nước trên thế giới" - GS.TS Bùi Quang Thanh phân tích.

“Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” là chủ đề của Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần – 2022. Lễ Giỗ Tổ năm nay do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức được gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vương Trần
TIN LIÊN QUAN

“Định vị” giá trị trường tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên toàn cầu

Vương Trần |

“Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” không chỉ khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, giá trị trường tồn của Di sản Tín ngưỡng Hùng Vương mà còn mang ý nghĩa hun đúc lòng tự tôn, tự hào dân tộc, vun đắp giá trị và phẩm hạnh của người Việt, giúp chúng ta tự tin hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới”.

Phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Vương Trần |

Trong không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc các chức sắc Phật giáo, chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer; đồng thời gửi lời thăm hỏi, chúc Tết đến toàn thể đồng bào Phật giáo Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022.

Việt Nam bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân

Khánh Minh |

Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh Việt Nam bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử đối với tất cả các tôn giáo.

“Định vị” giá trị trường tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên toàn cầu

Vương Trần |

“Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” không chỉ khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, giá trị trường tồn của Di sản Tín ngưỡng Hùng Vương mà còn mang ý nghĩa hun đúc lòng tự tôn, tự hào dân tộc, vun đắp giá trị và phẩm hạnh của người Việt, giúp chúng ta tự tin hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới”.

Phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Vương Trần |

Trong không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc các chức sắc Phật giáo, chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer; đồng thời gửi lời thăm hỏi, chúc Tết đến toàn thể đồng bào Phật giáo Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022.

Việt Nam bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân

Khánh Minh |

Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh Việt Nam bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử đối với tất cả các tôn giáo.