“Định vị” giá trị trường tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên toàn cầu

Vương Trần |

“Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” không chỉ khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, giá trị trường tồn của Di sản Tín ngưỡng Hùng Vương mà còn mang ý nghĩa hun đúc lòng tự tôn, tự hào dân tộc, vun đắp giá trị và phẩm hạnh của người Việt, giúp chúng ta tự tin hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới”.

Triệu trái tim hướng về nguồn cội

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Mỗi độ tháng ba âm lịch về, trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại hướng về Lễ hội Đền Hùng - một thời khắc linh thiêng để chúng ta cảm nhận sâu sắc tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết, cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ đến công ơn của Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước.

Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở thờ cúng Hùng Vương. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nơi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thờ cúng Hùng Vương.

Đây là niềm tự hào, tự tôn của một dân tộc trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Vì vậy, ngày 23.8.2001, Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT, quy định cụ thể về việc tổ chức lễ Giỗ Tổ trên cả nước.

Theo đó, lễ Giỗ Tổ được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại nơi thờ tự chính thức của các Vua Hùng đó là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Đến ngày 2.4.2007, Quốc hội và Chính phủ quyết định lấy ngày 10.3 âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được tổ chức quy mô cấp tỉnh gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Ảnh: Minh Anh
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Ảnh: Minh Anh

Ngày này được xem là ngày Quốc lễ, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với lịch sử văn hóa dân tộc, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể hành hương về Đất Tổ, thắp nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng. Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, không chỉ đồng bào ở trong nước mà cả kiều bào ở nước ngoài cũng thành tâm hướng về nguồn cội.

"Định vị" giá trị văn hoá trên toàn cầu

Đáp ứng niềm mong mỏi được hướng về cội nguồn dân tộc và lan tỏa, “định vị” giá trị văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên toàn cầu, năm 2015, đại diện một số trí thức kiều bào được mời về tham dự “Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc  lần thứ IX” tại Hà Nội đã đưa ra sáng kiến hình thành  một chiến lược ngoại giao văn hóa, đó là Dự án “Ngày Quốc Tổ toàn cầu” (Chiến lược phối hợp tổ chức Ngày giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu).

Ngay sau khi được thành lập, dự án đã phối hợp với các hội đoàn cộng đồng kiều bào ở các nước thí điểm theo một kịch bản chung tại 10 nước: Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Cộng hòa liên bang Đức, Hungary, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Ba Lan, Ucraina, Canada.  

Nhiều nhà khoa học, lịch sử, văn hóa đã có nhiều tham vấn xây dựng thành một kịch bản chung về “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” và đã được phối hợp thực hiện (từng phần) thành công ở các nước như: Liên Bang Nga, Séc, Đức, Hungary, Ba lan, Ukraine, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada (năm 2018, 2019).  

Đến nay, sau 6 năm triển khai, “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con kiều bào, bạn bè, công chúng, chính khách, báo chí truyền thông quốc tế và “định vị” được giá trị văn hóa của người Việt về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên trường quốc tế.

Trong hai năm qua, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhưng đông đảo bà con kiều bào vẫn mong muốn được hướng về cội nguồn, Ban Dự án đã hoãn tổ chức lễ Giỗ Tổ trực tiếp chuyển sang tổ chức trên không gian mạng internet với tên gọi “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu online” thông qua phát động cuộc thi viết thông điệp hướng về "Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu" nội dung thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc, những câu chuyện cảm động về tình người xa xứ, bà con kiều bào giúp đỡ nhau trong đại dịch… 

Trao đổi với chuyên trang Dân tộc - Tôn giáo của Báo Lao động, nhà nghiên cứu văn hoá, TS Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) - nhìn nhận, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cấp quốc gia dân tộc là tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng.

Ngày 6.12.2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Do vậy, hằng năm cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương lại có hàng triệu đồng bào hành hương, hướng về nguồn cội tại Đền Hùng (Phú Thọ). Nhiều đồng bào ta ở nước ngoài cũng tổ chức các hoạt động hướng về Giỗ Tổ.

“Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” không chỉ khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, giá trị trường tồn của Di sản Tín ngưỡng Hùng Vương mà còn mang ý nghĩa hun đúc lòng tự tôn, tự hào dân tộc, vun đắp giá trị và phẩm hạnh của người Việt, giúp chúng ta tự tin hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới” - TS Nguyễn Ánh Hồng nói.

Vương Trần
TIN LIÊN QUAN

Phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Vương Trần |

Trong không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc các chức sắc Phật giáo, chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer; đồng thời gửi lời thăm hỏi, chúc Tết đến toàn thể đồng bào Phật giáo Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022.

Những cuộc chiến mở sử trong thời đại Hùng Vương

BÀI VÀ ẢNH MINH THI |

Thời đại Hùng Vương trên mảnh đất Việt ngày nay kéo dài khoảng 3.000 năm với các nấc thang phát triển chế độ xã hội ngày càng tiến bộ. Không phải triều đại Hùng Vương nào cũng bắt đầu bởi chiến tranh giành giật quyền thống lĩnh thiên hạ, nhưng phần lớn những bước tiến trên nấc thang lịch sử Việt thời dựng nước đều là kết quả của những cuộc chiến "cách cổ đỉnh tân", phá bỏ đi triều đại cũ để xây nên nền móng cho một triều đại mới.

Đồ thờ cúng Hùng Vương - sản phẩm biểu tượng dâng Đức Thánh của nghề nông

GS.TS BÙI QUANG THANH |

Trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân loại xưa nay, đồ thờ cúng luôn luôn là những thành tố văn hóa vật thể đặc biệt, giữ vai trò quan trọng, mang tính biểu trưng của tiến trình thực hành nghi lễ tâm linh, từ cá nhân, gia đình, dòng họ cho đến cộng đồng làng xã.

Phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Vương Trần |

Trong không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc các chức sắc Phật giáo, chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer; đồng thời gửi lời thăm hỏi, chúc Tết đến toàn thể đồng bào Phật giáo Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022.

Những cuộc chiến mở sử trong thời đại Hùng Vương

BÀI VÀ ẢNH MINH THI |

Thời đại Hùng Vương trên mảnh đất Việt ngày nay kéo dài khoảng 3.000 năm với các nấc thang phát triển chế độ xã hội ngày càng tiến bộ. Không phải triều đại Hùng Vương nào cũng bắt đầu bởi chiến tranh giành giật quyền thống lĩnh thiên hạ, nhưng phần lớn những bước tiến trên nấc thang lịch sử Việt thời dựng nước đều là kết quả của những cuộc chiến "cách cổ đỉnh tân", phá bỏ đi triều đại cũ để xây nên nền móng cho một triều đại mới.

Đồ thờ cúng Hùng Vương - sản phẩm biểu tượng dâng Đức Thánh của nghề nông

GS.TS BÙI QUANG THANH |

Trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân loại xưa nay, đồ thờ cúng luôn luôn là những thành tố văn hóa vật thể đặc biệt, giữ vai trò quan trọng, mang tính biểu trưng của tiến trình thực hành nghi lễ tâm linh, từ cá nhân, gia đình, dòng họ cho đến cộng đồng làng xã.