Chuyện về đoàn y tế vùng cao giữa điểm nóng Bắc Giang

VĂN ĐỨC |

Dù ở xa, điều kiện còn nhiều khó khăn, song với tinh thần tương thân tương ái, lần lượt các tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã chi viện những cán bộ “tốt nhất có thể” tới “chia lửa” tại tâm dịch Bắc Giang với quyết tâm giúp bạn cũng là giúp chính mình.

Chỉ rút quân khi Bắc Giang kiểm soát được dịch bệnh

Sáng 28.5, đoàn y tế gồm 30 cán bộ bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện của tỉnh Lào Cai lên đường đi Bắc Giang hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đoàn công tác gồm 10 bác sĩ, 2 cử nhân sinh học, 1 cử nhân điều dưỡng, còn lại là các điều dưỡng, y sĩ đa khoa, hộ sinh trung học. Là những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực truy vết, xét nghiệm của y tế tỉnh và lựa chọn từ hơn 100 lá đơn tình nguyện đăng ký tham gia lên hỗ trợ Bắc Giang chống dịch của ngành Y tế và UBND tỉnh Lào Cai.

Tại buổi lễ xuất quân, ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai - đã biểu dương tinh thần tình nguyện, xung phong đi vào tâm dịch Bắc Giang để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 của các chiến sĩ.

Bí thư tỉnh ủy nhấn mạnh: “Chúng ta coi chống đại dịch COVID-19 như đi chống giặc, các y, bác sĩ đi lần này là những chiến sĩ đi đầu, là những anh hùng thầm lặng đi chống giặc không tiếng súng, đoàn đi lần này giúp cho Bắc Giang cũng là giúp cho Lào Cai thể hiện được sự nghĩa tình đoàn kết, chung tay đẩy lùi dịch bệnh..”.

Ngay khi đến Bắc Giang vào trưa 28.5, đoàn y tế Lào Cai lập tức lao vào công việc. Theo đó, đoàn chia thành 2 tổ gồm: Tổ điều trị và tổ y tế dự phòng và được phân công về hỗ trợ Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện YHCT và một số đơn vị khác.

Trao đổi với PV, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai cho biết: “Đáp lại lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng tôi đã nhanh chóng kêu gọi được những cán bộ, nhân viên y tế có chuyên môn cao của Lào Cai để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đối phó với dịch COVID-19. Tất cả những người tham gia đều trên tinh thần xung kích và chỉ rút quân khi tỉnh bạn chủ động kiểm soát được tình hình dịch bệnh”.

Bắc Giang đang là điểm nóng nhất của dịch COVID-19 với 1.749 ca dương tính và 15.023 trường hợp F1 (thống kê ngày 28.5). Địa phương này tuy phát hiện bệnh nhân muộn nhưng tăng chóng mặt, có ngày gần 200 ca dương tính mới, hàng chục nghìn người đi cách ly, vì vậy lúc này “sờ” đến cái gì cũng thiếu và rất cần sự chi viện của Trung ương và các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ, theo thống kê hiện nay Lào Cai có 1.162 công nhân đang làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Cùng với đó, thời điểm này số lượng vải của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành của Lào Cai rất lớn (khoảng 200-250 tấn quả tươi mỗi ngày). “Chúng tôi giúp tỉnh bạn cũng chính là giúp địa phương mình. Chính quyền và nhân dân Lào Cai mong tỉnh Bắc Giang sớm khống chế được dịch bệnh, khôi phục, phát triển kinh tế” - ông Trịnh Xuân Trường bày tỏ.

Trao đổi với PV, Bác sĩ Nguyễn Quốc Huy - Trưởng đoàn chi viện Lào Cai chia sẻ: “Trong các đợt chống dịch vừa qua, Lào Cai đã phát huy hiệu quả trong việc khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu. Chúng tôi mong rằng sẽ cùng lực lượng y tế tỉnh Bắc Giang sớm chiến thắng dịch bệnh”.

Những bác sĩ trẻ đi theo lời kêu gọi của ngành y tế Yên Bái

Hoàng Việt Tiệp năm nay tròn 26 tuổi, là thành viên trẻ nhất trong đoàn chi viện lần hai của ngành Y tế Yên Bái. 8h sáng 25.5, sau khi nhận điện thoại từ Sở Y tế Yên Bái, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã gọi Tiệp lên hỏi ý kiến về việc cử y bác sĩ đi Bắc Giang chi viện chống dịch COVID-19.

Không chút đắn đo, Tiệp đồng ý tham gia và có 1 tiếng để chuẩn bị hành trang trước khi lên đường. Đoàn công tác tỉnh Yên Bái gồm 22 cán bộ y, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế nhận nhiệm vụ tại tâm dịch huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Đoàn chia thành 4 tổ, tổ của Tiệp về điểm nóng đang đóng chốt tại chùa Trung Đồng của xã Vân Trung, huyện Việt Yên.

Những ngày cuối tháng 5, tiết trời Bắc Giang nắng nóng cao độ. Trong trang bảo hộ kín mít, nhóm của Tiệp liên tục tiếp nhận, thăm khám, sàng lọc cũng như chăm sóc ban đầu cho các ca nghi mắc COVID-19. Chẳng ai bảo ai, cả đoàn cứ thế làm việc đến tối muộn.

“Chuông chùa ngân tiếng vấn vương/Bâng khuâng muôn ngàn sầu nhớ”, Tiệp ngâm nga câu thơ khi nhớ về cô người yêu ở cùng trường Đại học Y dược Hải Phòng. Đã nhiều ngày nay từ khi vào tâm dịch làm việc, anh chưa được nói chuyện với người yêu. Giữa nơi đất khách quê người, nỗi nhớ càng thêm cồn cào, da diết…

Giống như Tiệp, Bùi Thành Công cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ ngày nhận nhiệm vụ lên đường, Công chỉ kịp nói vài câu với bố mẹ: “Con đi theo lời kêu gọi của ngành Y tế Yên Bái xuống Bắc Giang chống dịch”.

Do đặc thù luôn trong tình trạng “trực chiến 24/24h” nên bất kể lúc sáng sớm hay khi tối muộn, cứ có bệnh nhân đến là mọi người đều sẵn sàng làm việc. “Có những hôm phải vào từng thôn làm công tác truy vết, khám bệnh cho người nghi mắc COVID-19 tại nhà, bọn em quên cả ăn. Nhiều lúc uống sữa thay ăn để lấy sức làm việc. Làm việc ở đây rất mệt nhưng em không cảm thấy buồn. Những lúc mệt mỏi, mọi người đều nói với nhau rằng chỉ cần cố thêm một chút nữa, một chút nữa thôi...”.

Công và Tiệp đều hiểu, lần này nhiệm vụ của đoàn chi viện Yên Bái sẽ khó khăn và nhiều thử thách hơn. Cả 2 tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để sớm được trở về mảnh đất Tây Bắc yêu thương…

VĂN ĐỨC
TIN LIÊN QUAN

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam chia sẻ khó khăn cùng người dân

THANH CHUNG |

Trong những năm qua, ngoài công tác tuyên truyền những giá trị xã hội, nét đẹp của đồng bào, về đạo đức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam còn thường xuyên đến từng nhà tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi đầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

VƯƠNG TRẦN |

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn và đặt nhiều niềm tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước

Vương Trần |

Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam chia sẻ khó khăn cùng người dân

THANH CHUNG |

Trong những năm qua, ngoài công tác tuyên truyền những giá trị xã hội, nét đẹp của đồng bào, về đạo đức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam còn thường xuyên đến từng nhà tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi đầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

VƯƠNG TRẦN |

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn và đặt nhiều niềm tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước

Vương Trần |

Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”.