Từ chuyện Hãng phim truyện Việt Nam đến đầu tư cho điện ảnh

VIỆT VĂN |

Câu chuyện buồn về hậu quả cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam được khơi lại trong Lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15.3.1953 - 15.3.2023) tạo ra hiệu ứng xã hội với nhiều ý kiến khác nhau… Và từ đó cũng đặt ra những vấn đề về đầu tư cho điện ảnh, nhất là mảng phim truyền thống cách mạng.

Hai chiều

Câu chuyện về Hãng phim truyện Việt Nam không phải chỉ nóng lên với những giọt nước mắt của NSND Trà Giang mà nó đã gây chú ý từ nhiều năm trước, kéo dài dai dẳng cho đến khi các cơ quan quản lý cấp trên phải vào cuộc… Nhưng rồi mọi thứ vẫn chưa giải quyết dứt điểm được, cán bộ, nhân viên hãng phim không có lương, không có tiền bảo hiểm, mọi người phải tứ tán khắp nơi để kiếm sống, biên chế còn lại của hãng phim giờ còn lại mấy cái tên…

Nhiều ý kiến bênh vực nghệ sĩ nhất là khi Hãng phim truyện Việt Nam một thời là “con chim đầu đàn” của điện ảnh Việt, sản xuất ra hàng trăm bộ phim, nhiều phim giành giải thưởng trong nước và quốc tế. Và nhìn vào hình ảnh hãng phim nay vắng ngắt như chùa Bà Đanh, hoang phế, đổ nát, nhìn vào những thước phim đã bị hủy hoại theo thời gian… những người yêu điện ảnh thấy đau xót. Nhiều người đề nghị phải làm rốt ráo và đưa những ai đẩy Hãng phim đến nông nỗi này ra “xử”!

Ở chiều khác, có không ít ý kiến phản biện lại rằng, không nên sống mãi bằng quá khứ, phải nhìn vào thực tế giá trị thương hiệu của hãng phim từng được định giá bằng 0, bao năm nay làm ăn thua lỗ, sản xuất ra nhiều phim truyền thống chất lượng yếu, không có doanh thu, làm xong chỉ để chiếu lễ lạt, kỷ niệm rồi cất kho, lãng phí tiền thuế của dân.

Ý kiến cả hai bên đều có cơ sở và lý lẽ của nó. Dĩ nhiên không phải ai cũng nắm vững thấu đáo thực tế của hãng phim, trong đó chuyện định giá thương hiệu bằng 0 còn là do ý muốn của một số cá nhân muốn chiếm mảnh đất “vàng” bên hồ Tây với giá rẻ bèo. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số hôm nay, mọi thứ đã khác và không thể quay ngược bánh xe thời gian.

Đấu thầu và cơ chế thưởng phạt công minh

Đã xa rồi cái thời làm phim truyền thống cách mạng chỉ chiếu miễn phí trong các ngày lễ, không cần doanh thu và đặt nhiệm vụ tuyên truyền lên hàng đầu.

Việc đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh là cần thiết như ý kiến PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: “Muốn có một tác phẩm điện ảnh tốt dù là phim giải trí hay nghệ thuật cao siêu cũng cần phải có tiền đầu tư đúng nghĩa, thậm chí là đầu tư tốn kém. Nghị Quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã từng chỉ rõ “sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về quan điểm, chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí, ngân sách cho lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa đúng tầm và đúng mức”.

Do đó, nếu cắt giảm một cách cơ học, đầu tư nhỏ giọt từ Nhà nước một cách thiếu trọng điểm chiến lược cho điện ảnh sẽ làm cho hoạt động toàn ngành không thể đạt hiệu quả như mong muốn. Để điện ảnh có thể phát triển mạnh mẽ vươn lên trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, cần có sự đầu tư toàn diện về cơ chế cũng như kinh tế đối với các dòng phim, tạo nên dòng chảy phong phú cho điện ảnh”.

Tuy nhiên, giờ đây, có lẽ Nhà nước nên thay thế việc đặt hàng các phim lịch sử truyền thống và chiến tranh cách mạng, bằng cơ chế đấu thầu công khai sẽ hiệu quả hơn. Bởi lẽ việc đấu thầu sẽ thu hút được các dự án nghiêm túc và chất lượng không chỉ từ các hãng phim Nhà nước mà cả các đơn vị tư nhân. Sẽ không có chuyện đạo diễn phim Nhà nước nhận được phim đặt hàng mà còn “làm cao” từ chối, đùn đẩy lẫn nhau vì kinh phí ít (không có tiền cho quảng cáo), vì kịch bản dở. Đấu thầu công tâm sẽ chọn ra đúng đạo diễn tâm huyết, làm phim với sự đam mê và am hiểu về lĩnh vực đó.

Đào tạo nhân lực là then chốt

Bài học mà điện ảnh Hàn Quốc phát triển rực rỡ như hiện nay còn được nhắc mãi khởi nguồn từ việc cử 300 người đi học đủ các ngành sản xuất phim của Hollywood (từ sản xuất đến đạo diễn, biên kịch, quay phim…).

Việt Nam đã có dự án và đã cử một số cá nhân đi học, đi đào tạo điện ảnh ở nước ngoài. Chắc trái ngọt còn phải chờ ở những năm tới. Còn trước mắt, điện ảnh Việt vẫn vật vã trên con đường xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh hiện đại dù quy hoạch và chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, gần đây là Luật Điện ảnh (sửa đổi) bước đầu đã tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng cũng như động lực có tính thúc đẩy cho bước phát triển mới của ngành.

Bài toán cân bằng để phim làm sao vừa bán được vé, vừa có chất lượng nghệ thuật cao, luôn là bài toán đau đầu của các nhà làm phim Việt. Cái khó vẫn nằm ở yếu tố con người.

Ai cũng nói về tầm quan trọng của kịch bản vì “có bột mới gột nên hồ” nhưng thử hỏi ai là cây bút viết kịch bản điện ảnh nổi tiếng ở ta hiện nay, nhất là đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng? Sau những cái tên như nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà văn Hoàng Nhuận Cầm… là ai?  

Còn đạo diễn thì thế hệ làm phim truyền thống có chất lượng đã ra đi hoặc đã qua thời hoàng kim, đỉnh cao. Đạo diễn trẻ đang “sung” hiện nay thiên về làm phim thương mại hoặc phim độc lập về đề tài tâm lý xã hội để thi đấu quốc tế là chủ yếu. Đầu tư cho điện ảnh là cả một chiến lược với những sách lược từng giai đoạn với những mục tiêu và bước đi cụ thể. Và nhiều khi phải có những sửa đổi để cập nhật với tình hình mới.

VIỆT VĂN
TIN LIÊN QUAN

Quảng bá ẩm thực, văn hoá Việt Nam trong tháng Francophonie tại Malaysia

Thanh Hà |

Việt Nam cùng 9 quốc gia khác đại diện cho các quốc gia thành viên và quan sát viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã có các hoạt động quảng bá về ẩm thực và văn hóa tại sự kiện thường niên Tháng Francophonie tại Malaysia. 

Phục dựng nghi lễ cúng sức khỏe cho voi ở Đắk Lắk

PHAN TUẤN |

Cúng bến nước, cúng hạ thủy thuyền, cúng sức khỏe cho voi là ba nghi lễ đặc sắc của người M'nông ở huyện Lắk (Đắk Lắk).

Kiên Giang tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, an toàn, tiết kiệm

Thanh Hà |

Kiên Giang tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả mừng Tết Chôl Chnăm Thmây, tạo không khí vui tươi, ấm áp, qua đó tuyên truyền, giáo dục, phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, thắt chặt tình quân dân, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quảng bá ẩm thực, văn hoá Việt Nam trong tháng Francophonie tại Malaysia

Thanh Hà |

Việt Nam cùng 9 quốc gia khác đại diện cho các quốc gia thành viên và quan sát viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã có các hoạt động quảng bá về ẩm thực và văn hóa tại sự kiện thường niên Tháng Francophonie tại Malaysia. 

Phục dựng nghi lễ cúng sức khỏe cho voi ở Đắk Lắk

PHAN TUẤN |

Cúng bến nước, cúng hạ thủy thuyền, cúng sức khỏe cho voi là ba nghi lễ đặc sắc của người M'nông ở huyện Lắk (Đắk Lắk).

Kiên Giang tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, an toàn, tiết kiệm

Thanh Hà |

Kiên Giang tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả mừng Tết Chôl Chnăm Thmây, tạo không khí vui tươi, ấm áp, qua đó tuyên truyền, giáo dục, phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, thắt chặt tình quân dân, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.