Đồ thờ cúng Hùng Vương - sản phẩm biểu tượng dâng Đức Thánh của nghề nông

GS.TS BÙI QUANG THANH |

Trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân loại xưa nay, đồ thờ cúng luôn luôn là những thành tố văn hóa vật thể đặc biệt, giữ vai trò quan trọng, mang tính biểu trưng của tiến trình thực hành nghi lễ tâm linh, từ cá nhân, gia đình, dòng họ cho đến cộng đồng làng xã.

Đi kèm hoặc hòa nhập vào những đồ vật đã được “thiêng hóa” đó còn là sự bao bọc vô hình của hàng loạt lớp lang văn hóa tín ngưỡng khác, vừa mang yếu tố huyền thoại, vừa tiếp biến, đan xen bởi những nhận thức về lịch sử, thẩm mỹ và tâm linh của chính các thành viên đại diện cộng đồng tự sáng tạo ra, tự thực hành nghi lễ.

1. Tiêu biểu cho hệ thống vật thờ còn bảo lưu tín ngưỡng nông nghiệp cổ sơ, được gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hiện tượng thờ hạt Lúa thần. Truyền thuyết dân gian vùng Phong Châu qua hàng trăm năm vẫn “ghi nhận” rằng, tại ngọn chủ sơn trong hệ thống “Tam sơn cấm địa”, còn được gọi một cách dân giã là núi Cả, với tên chữ “Kính Thiên Lĩnh Điện - điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh, nơi thờ tự linh thiêng ba vị Thánh Vương (Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn) - vốn là nơi hội tụ những hình thức tín ngưỡng thờ thần tự nhiên của cư dân Việt - Mường cổ trong vùng. Vật chứng hiện tồn cho đến tận đầu thế kỷ XX trên ngọn núi này là hạt Lúa thần. Đó là tảng đá mang hình dạng một hạt lúa khổng lồ, có kích thước bằng chiếc thuyền nan của dân Phú Thọ thường dùng, được ngự tại nơi cao nhất của cụm Nghĩa Lĩnh, sau là vị trí xây dựng đền Thượng thờ các vua Hùng.

Người dân truyền tin, tại chính nơi đây, từ thuở khai lập nhà nước Văn Lang, các vua Hùng hàng năm kế tục nhau lên cầu trời đất, khấn tế gọi vía hạt Lúa thần và cầu cho mưa thuận gió hòa, an dân hạnh phúc, kết hợp chặt chẽ với các lễ thức “tế khí” - đánh trống đồng. Kể từ khi Văn Lang được thay thế bằng nhà nước Âu Lạc, dân chúng quanh vùng vẫn truyền các đời, kéo nhau lên đỉnh ngọn chủ sơn này, hương khói thờ cúng các vua Hùng và tế lễ trước hạt Lúa thần, tỏ lòng tri ân các Đức Vua đã dạy cho dân biết nghề trồng lúa, giúp cho con cháu sinh tồn trước mọi đe dọa của lũ lụt và thú dữ.

Cho đến năm 1917, thời điểm đại trùng tu di tích đền Thượng thờ các vua Hùng, hạt Lúa thần bằng đá không hiểu vì lý do gì đã được đội quân tu sửa đền thay bởi nguyên khối cây gỗ to bằng chiếc thuyền con, gọt đẽo theo hình hạt lúa, khoét rỗng giữa thân, tạo thành hai nửa xếp úp vào nhau như hai mảnh vỏ trấu khổng lồ, được sơn son thếp vàng và đặt trang trọng trên bệ thờ. Liền kề ngay sau đền Thượng, hai tảng đá to xếp chồng lên nhau theo hình chiếc cối đá xay lúa, cũng được người dân làm lễ thờ sau khi đã tế Lúa thần phía trong đền. Và như vậy, nghi lễ thờ hạt Lúa thần và tục thờ phồn thực trên đền Thượng chính là sản phẩm đặc trưng của những tập tục tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước được gắn với không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng thời dựng nước, thông qua những câu chuyện xoay quanh việc vua Hùng dạy dân trồng lúa, mang lại cho dân đời sống ấm no.

Từ những biểu tượng mang tính trung tâm này, trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cư dân quanh vùng Nghĩa Lĩnh (các làng Hy Cương, Cổ Tích, Kim Đơi, Thậm Thình, Minh Nông,...) đã sáng tạo ra hàng loạt các hình thức sinh hoạt lễ hội khác nhau, từ lễ hạ điền đến lễ rước Lúa thần, trong đó, vị thần chủ được dân chúng tôn vinh như con cháu Thần Nông và muôn đời được thờ phụng chính là các vua Hùng. Và, những biểu tượng hạt Lúa thần, cối xay đá cùng hàng loạt các hành động nghi lễ mang tính biểu tượng khác, trở thành những thứ vật linh, nơi hướng tới của người dân mỗi khi muốn cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt hoặc cầu cho nhân khang vật thịnh, cho đông đàn dài lũ, thiên hạ thái bình.

Dâng lễ tại lễ hội mừng xuân đón vua Hùng, xã Tiên Kiên, Lâm Thao. Ảnh: Quang Thanh
Dâng lễ tại lễ hội mừng xuân đón vua Hùng, xã Tiên Kiên, Lâm Thao. Ảnh: Quang Thanh

2. Một trong những loại đồ thờ cúng mang tính bắt buộc cho mọi cuộc thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là thịt lợn đen. Thịt lợn được chuẩn bị để làm đồ thờ nơi đây, lại gắn với tín ngưỡng tế hèm độc đáo. Trong lễ hội “Rước vua Hùng về làng bản ăn Tết” của cư dân làng He (làng Vi và làng Trẹo hiện nay), thuộc huyện Lâm Thao, kề sát chân Nghĩa Lĩnh, đồ thờ là thịt lợn đen đem dâng cúng vua lại được chuẩn bị thông qua hình thức sinh hoạt lễ hội gắn với một lễ tục đặc biệt.

Vào trước ngày nghênh kiệu lên Nghĩa Lĩnh đón vua về làng ăn Tết (trước đây thường vào sáng mùng 4 tháng Giêng, hiện nay thực hành vào chiều 25 tháng Chạp hàng năm), cánh trai đinh của hai làng Vi, Trẹo (dưới 30 tuổi) khỏe mạnh, có tư cách đạo đức tốt được chọn ra đăng cai việc làng năm đó, lập thành hai đội quân, tập trung ngủ đêm ở nhà trưởng thôn làng mình.

Sáng sớm, hai đội cùng dân làng tập trung tại cánh ruộng thuộc khoảng giữa hai đình Đông và Trẹo, tổ chức thi cướp cờ. Sau đó, tất cả lại cùng nhau thực hành lễ săn lợn, tục địa phương gọi là “Chạy địch”. Đại diện của hai làng cho khênh hai con lợn đen tuyền, to khỏe từ làng mình đưa vào bãi hội.

Trong khi dân làng vây quanh bờ hò reo, gióng chiêng, trống rộn vang, hai nhóm thanh niên xô vào dồn lợn chạy khắp bãi. Khi hai con lợn không còn sức chạy nữa, hai nhóm người mới xông vào bắt đem về sân đình làng mình mổ thịt. Vị chủ tế của từng đình cho lấy tiết sống và toàn bộ nội tạng đem đặt lên bàn thờ nhỏ ngay đấy, làm lễ lấy mật khẩu tế hèm trước. Sau đó, lấy lòng lợn đem luộc chín, đặt lên ván cùng con lợn đã được cạo sạch lông, lấy mỡ chài phủ lên, đưa vào ban thờ giữa đình làm lễ vật cúng tế các vua Hùng.

Cúng xong, cho người mang tiết và lòng ra đổ xuống cánh đồng trước cửa đình làng mình, thân lợn còn lại đưa ra xả thịt chế biến và nấu chín làm cỗ hội, khao mọi người dân trong làng, coi là cùng thụ lộc Thánh, cầu mong sức khỏe, làm ăn phát đạt.

3. Trong số các đồ thờ cúng được chọn làm ra từ động vật, gà là loại vật phẩm mang tính phổ biến, ngự trị trên hầu khắp các ban thờ của người Việt - Mường từ xưa đến nay. Tuy nhiên, soi vào quá trình thực hành nghi lễ - tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, chúng ta lại bắt gặp nhiều nét độc đáo của “quy trình” chuẩn bị loại vật lễ gần gũi nhưng sang trọng này.

Tại trang Khả Lẫm (tên Nôm là Kẻ Xốm), từ thế kỷ XVII đến XIX đổi tên làng An Lão và sau 1945 gọi là Hùng Lô, cách trung tâm Nghĩa Lĩnh chừng 9 km về hướng Nam, đã từ nhiều trăm năm nay hiện tồn một lễ hội rước kiệu vua Hùng cực kỳ hấp dẫn và đặc sắc. Có lẽ, đây là một trong số ít các làng suy tôn các vua Hùng làm Thành hoàng, với ước mong các vị Tổ tiên luôn che chở, phù trợ cho sự yên ấm, thanh bình cho dân làng mình.

Hàng năm, cứ vào dịp mùng Mười tháng Ba lịch Trăng, tục thờ cúng vua Hùng lại được thực hành, găn liền với lễ hội truyền thống trồng kiệu tế lễ, rồi rước về Nghĩa Lĩnh. Truyền thuyết quanh vùng còn lưu truyền: Ngày xưa, khi vua Hùng cùng quan quân đi săn ở tận miệt rừng Thanh Sơn, Thanh Thủy, cuộc săn thu được nhiều gà rừng quý hiếm. Trên đường về Kinh đô, qua đất Hùng Lô (Kẻ Xốm), vua truyền cho dừng lại nghỉ và thịt gà khao quân cùng dân làng. Từ đấy trở đi, dân làng cùng nhau lập dựng ngôi đình Hùng Lô và hàng năm, cứ vào dịp giỗ Đức Vua, cả làng lại tập trung mở hội, chọn gà làm cỗ thờ, tế tại đình làng, rồi đặt lên kiệu rước về Nghĩa Lĩnh dâng các vua Hùng.

Một trong các nghi thức phục vụ cho cuộc tế lễ ngày chính hội là việc chuẩn bị gà thờ. Ngay từ đầu năm mới, dân làng đã họp bàn để bầu chọn người đảm trách việc làm cỗ thờ và nuôi gà thờ. Tục nuôi gà thờ luôn được thực hiện rất nghiêm ngặt. Người được chọn làm cỗ thờ phải có trách nhiệm từ tháng rưỡi đến hai tháng trước đó đi khắp vùng Tân Sơn, tìm mua từ 5 đến 7 con gà về nuôi. Đó phải là loại gà trống thiến, có từ 8 đến 9 cựa, đẹp mã, không có dị tật, nặng khoảng một cân rưỡi đến hai cân.

Trong suốt thời gian chăm nuôi gà, người nuôi phải ăn chay, tránh sinh hoạt vợ chồng, gia đình người nuôi phải dành một gian nhà rộng để chứa gà, tiện đường trông nom chăm sóc. Khi nuôi gà, người nuôi phải chọn ngô tốt, giã nhỏ, giây lấy bột mịn rồi chộn nhào với nước chè tươi, nặn ra từng viên như quả ớt to, hàng ngày bón cho gà ăn no. Kết thúc thời gian chăm nuôi, sao cho đàn gà lớn nặng tới chừng ba đến bốn cân, từng con gà không được xây xát, mắc bệnh dịch là đạt yêu cầu.

Đến ngày lễ hội, con gà nào được chọn lọc lại để làm cỗ thờ đều được gọi là “Ông gà”. Người mổ gà và đảm trách việc luộc gà cũng được chọn từ những người từng trải, có kinh nghiệm mổ moi, biết cách uốn cổ gà, luồn cánh tiên đưa vào nồi luộc.

Nồi luộc “Ông gà” phải là nồi đồng to, đánh trấu cho sáng trước đó. Nước luộc phải được lấy từ giếng làng, hoặc có năm lấy từ giữa dòng sông Hồng.

Trong thời gian luộc, người phụ trách phải chăm chú theo dõi mức độ lửa cháy, sao cho gà trong nồi không bị nứt, không sứt chân, vớt ra phải đủ chín, da vàng đẹp mã. Sau khi gà đã ráo khô nước, chủ lễ mới đặt lên trên mâm xôi để biện thành mâm lễ, cùng các mâm lễ khác, mang vào đặt lên kiệu giữa đình làng chờ tế lễ các vua Hùng.

4. Trong hệ thống cấu trúc đồ thờ cúng mang tính vĩnh hằng là “Xôi - Thịt” của người Việt - Mường từ cổ xưa cho đến nay, loại vật thờ được chế tác từ gạo nếp luôn đóng vai trò thiết yếu, ẩn chứa những quan niệm và triết lý tồn tại của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Nhìn về ngọn nguồn, do cư trú và làm ăn canh tác nương rẫy là chủ yếu, người dân thưở xưa đã quen với việc lấy gạo nếp làm thứ lương thực thường ngày. Tư liệu khảo cổ học quanh vùng Phong Châu đã minh chứng cho sự hiện tồn của gạo nếp trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Lúa nếp được dành cho việc nấu xôi, gói bánh thờ cúng phải được trồng ở nơi đầu nguồn, sạch sẽ, cao ráo, riêng biệt, không lẫn với nơi trồng lúa tẻ và các giống cây trồng khác. Thu hoạch về, lúa nếp phải được bó, treo tại nơi cao, sạch, tránh nơi uế tạp và sinh hoạt đời thường. Gạo được làm ra trước khi nấu xôi, phải chọn loại nếp cái, hạt to đều, không vỡ, không lẫn gạo tẻ.

Cách thức đồ xôi cũng không giống với việc nấu xôi ăn thường ngày. Đó là phải ngâm gạo vào nước đầu nguồn hoặc giếng nước sạch của làng/bản. Người đảm trách công việc đồ/nấu xôi phải biết cách chọn lá rừng để chế tác ra thêm 4 loại nước màu đen, đỏ, vàng, xanh sao cho thành 4 loại xôi có màu tương ứng, bên cạnh loại xôi trắng thông thường. Có vậy, khi đơm xôi ghép đủ 5 loại màu lên đĩa hoặc mâm, đồ thờ cúng khi được đặt vào không gian thiêng, nó không chỉ thể hiện sự ngưỡng vọng dâng kính, bộc lộ thẩm mỹ mà còn thể hiện triết lý sống thông qua biểu tượng năm màu - tượng trưng cho ngũ hành tương sinh trong thế ứng xử với tự nhiên, xã hội của con người.

Cũng từ gạo nếp, con người đi tới trưng cất ra một thứ tinh tuy là rượu để trở thành thứ đồ thờ không thể thiếu trong phạm vi mọi ban thờ tự nói chung, ban thờ cúng các vua Hùng nói riêng.

5. Nếu cứ cho truyền thuyết ẩn chứa dấu ấn lịch sử về sự ra đời của bánh chưng, bánh giầy/dầy (do Lang Liêu chế tác ra từ đời Hùng Vương thứ 6!), thì đồ thờ cúng Hùng Vương đã góp thêm được một sản phẩm thờ hoàn thiện về mặt triết lý, đạo lý, quan niệm về thế giới tự nhiên, quan hệ xã hội và con người.

Tại hàng chục làng quê có sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng, hầu hết cư dân đều coi bánh chưng, bánh giầy (theo cách viết trong các bộ Từ điển tiếng Việt) là thứ đồ thờ mang tính bắt buộc. Vì thế, tuy gạo nếp được sản xuất ra một cách nghiêm cẩn, người đảm trách việc gói bánh chưng còn phải tuân thủ những quy định chung, nghiêm ngặt.

Trước hết, gạo được chọn để gói bánh chưng hay giã bánh giầy phải là gạo nếp cái hoa vàng, không lẫn gạo tẻ, hương thơm từ khi chưa đồ/nấu và hạt không nát, gãy. Lá được chọn để gói bánh phải là lá dong bánh tẻ, mặt lá to đủ gói được bánh có chiều dài khoảng hai gang tay (thuở xưa thường gói bánh dài tròn, sau mới xuất hiện gói bánh vuông). Bánh gói có nhân được làm từ đậu xanh đã luộc chín, giã nhuyễn, nhân nằm chính lõi bánh. Gói xong, dùng lạt giang buộc bình thường.

Đến khi bánh luộc chín (thường trọn một đêm, tương đương khoảng 10 đến 12 giờ), xếp bánh lên tấm phản, ép nhẹ cho ráo nước và chờ nguội. Sau đó, lại bao thêm một lượt lá dong mới còn xanh, giằng thêm một vòng lạt mới ra ngoài cho chắc (để khi tung bánh không bị vỡ).

Với việc làm bánh giầy, lấy số lượng gạo nếp được chọn như gói bánh chưng, đem đồ sao cho xôi không khô, không ướt. Chuẩn bị cối chày xong, từng cặp chày đôi (hai người) hoặc chày bốn (ít khi giã bởi một chày, phần vì sợ lâu, phần sợ xôi mau nguội, không dẻo) nhanh chóng lấy xôi từ chõ ra, cho vào cối, giã liên tục, mạnh mẽ.

Khi nào xôi trong cối dẻo quánh, nhuyễn, mịn, người có kinh nghiệm“vắt” bánh tiến hành dùng hai tay “vuốt” từng lọn nhỏ vừa tầm bát hay đĩa đựng, ngắt ra đong vào khuôn cho đều rồi úp theo cặp đôi xuống từng miếng lá chuối tươi đặt sẵn trên mâm.

Đối với mâm lễ chính, thường mọi người phải dành cả cối bánh đã giã để “vuốt” xuống mâm theo hình bát úp. Khi dẫn lễ thờ vào vị trí trung tâm ban thờ hoặc đội lễ theo đoàn rước kiệu, bao giờ mâm lễ bánh chưng và bánh giầy cũng đi liền nhau (hoặc xếp chung mâm với nhau) để cặp díp minh chứng cho triết lý nhân sinh và quan niệm về vũ trụ (trời tròn, đất vuông) của người dân mọi thế hệ.

Ngoài một số đồ thờ cúng tiêu biểu được giới thiệu trên đây, trong tín ngưỡng của nhiều làng quê Phú Thọ còn sáng tạo ra nhiều loại đồ thờ cúng khác đi kèm, góp phần làm đa dạng, phong phú cho ban thờ ngày tế lễ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những đồ thờ cúng thường gặp đó là trầu cau, bát/mâm gạo trắng, bát/đĩa muối, mâm ngũ quả (xưa kia thường bắt buộc phải chọn 5 loại quả không có hạt!)...

Có nơi chế biến đồ thờ cúng từ cá (làng Đào Xá, huyện Thanh Thủy; làng Hùng Lô, thành phố Việt Trì...). Đặc biệt, có nơi như các làng Cổ Tích, Hy Cương thuộc thành phố Việt Trì, lại chuẩn bị “mâm lễ” là 3 đon mạ xanh tốt dâng cùng các đồ thờ cúng khác trong ngày tế cúng các vua Hùng.

6. Bên cạnh các loại đồ thờ cúng được chế tác từ động vật, thực vật hay các vật thể tự nhiên (đá, gỗ), người dân ở nhiều làng quê Phú Thọ còn sáng tạo ra hàng loạt các loại đồ thờ cúng vốn được coi là đồ hàng mã, làm thủ công từ mây, tre đan, phết giấy màu, ẩn chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh. Chẳng hạn, trong lễ hội làng Mai Đình (Lâm Thao), người dân tập trung chuẩn bị làm 5 ông Giải để tế lễ giữa sân đình ngày chính hội. Ông Giải được làm bằng nửa cây tre (vốn nguyên là cây tre không bị cụt ngọn, kiến xông, có củ và rễ), lấy vải đỏ cuốn vào thân tre, cắt từng miếng giấy màu theo hình vẩy rồng dán lên thân tre. Củ tre được cuộn giấy trang trí làm đầu ông Giải, rế tre làm râu ông Giải, đuôi giải được gắn nhiều mảnh giấy màu, trên đó dán hình các con ba ba, tôm, cua, cá, ếch.

Khi tế lễ, đội tế đóng các vai người đánh dậm, người nơm cá... Sau đó, thực hành những động tác đánh bắt cá xung quanh ban thờ đặt 5 ông Giải trong suốt cuộc rước Giải quanh sân đình, kết thúc bằng việc “hóa” ngay nơi đặt ban thờ lúc tế lễ. Trong lễ hội “Rước vua Hùng về làng bản ăn Tết”, người dân làng Vi (thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao) lại có đồ thờ riêng để phục vụ cuộc tế sóc và trình voi ngay cạnh ban thờ các vua Hùng.

Trước khi diễn ra lễ hội, dân làng tập trung những người khéo tay làm một “ông” voi đen và hai “ông” ngựa (một hồng, một trắng) bằng nứa đan, phết giấy, to lớn như thật, có đủ cả bành, yên cương. Bên sườn voi, ngựa phải làm một ống nứa để thắp hương từ lúc khởi đầu tế lễ đến khi hóa. Vào chính hội, cả voi lẫn ngựa được rước ra đình làm đồ thờ cúng các vua Hùng...

Sau khi trực tiếp khảo sát 178 di tích gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (tại 122 làng/thôn ở 12 huyện, thành phố thuộc tỉnh Phú Thọ các năm 2009, 2010), có thể còn dẫn ra nhiều loại đồ thờ cúng khác, mang tính biểu tượng đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước và bán sơn địa, nơi được coi là Kinh đô nước Văn Lang do các vua Hùng khởi nghiệp. Tựu trung, dễ nhận ra 4 hệ thống đồ thờ/đồ thờ cúng, trong đó ẩn chứa những quan niệm, triết lý gắn chặt với nghề nông, biểu trưng cho hàng loạt các lớp lang văn hóa trên tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của nhiều thế hệ, hướng về các chủ điện thờ là các vua Hùng. Đó là các loại đồ thờ cúng mang tính biểu tượng đặc sắc, được chế tác từ vật thể tự nhiên (đá, gỗ), được chế tác từ động vật (lợn, gà, cá), được chế tác từ thực vật (hoa quả, gạo nếp, cây mạ) và loại đồ thờ hàng mã, do bàn tay khéo léo của con người sáng tạo nên (các hình động vật, voi nan, ngựa nan...).

Và, nét tương đồng hiện ra từ quá trình chuẩn bị các loại đồ thờ cúng trong các làng xã cho thấy, đó chính là sự nghiêm cẩn của tập tục, sự trân trọng trong tâm thức và hành vi (mang tính thiêng, hướng về một không gian thiêng) cùng thái độ ngưỡng vọng, tri ân sâu sắc, đậm bản sắc văn hóa của cư dân lúa nước vùng Phong Châu đối với các vua Hùng, những người có công khai sinh ra quốc gia văn Lang, tiền thân của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, góp phần tạo nên giá trị văn hóa độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

GS.TS BÙI QUANG THANH