Nguồn cảm hứng sáng tác về công nhân là vô tận

HOÀNG HÀ |

Tham dự cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Báo Lao Động là đơn vị thực hiện, tác giả Vũ Minh Phúc, một công nhân ở Phú Xuyên (Hà Nội), người đều đặn gửi các tác phẩm về dự thi, có những chia sẻ cơ duyên và nguồn cảm hứng sáng tác về đề tài công nhân, người lao động.

<?> Xin chào anh Vũ Minh Phúc, đầu tiên xin cảm ơn anh đã gửi nhiều tác phẩm tới Cuộc thi sáng tác Văn học về đề tài công nhân, công đoàn do Tổng LĐLĐVN phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức. Câu đầu tiên xin hỏi, anh đang làm nghề gì và anh đến với Văn học như thế nào?

- Tôi tốt nghiệp Khoa Báo viết, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, sau đó từng có thời gian làm báo tại một số cơ quan báo chí tại Hà Nội trong nhiều năm sau khi ra trường. Sau đó, vì lý do gia đình, tôi về sinh sống tại Phú Xuyên (Hà Nội) và lựa chọn trở thành công nhân từ năm 2017 đến nay. Tôi trực tiếp làm việc tại xưởng may và xưởng in. Tôi có duyên với báo chí, viết lách, văn học và cũng thích viết, nên khi trở thành công nhân, tôi kết hợp cả hai niềm yêu thích và hiểu biết này, tôi bắt đầu viết nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn về đề tài công nhân cùng với các đề tài khác mà tôi tâm huyết.

<?> Anh biết đến Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn như thế nào và điều gì đã thôi thúc anh gửi tác phẩm?

- Tôi là độc giả thường xuyên của Báo Lao Động, cũng từng có duyên cộng tác với Báo Lao Động một thời gian, nên rất nhanh sau khi cuộc thi được phát động thì tôi đã đọc được. Bản thân tôi là một công nhân trong 5 năm qua, em gái ruột cũng là công nhân làm việc ở khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam), tôi có rất nhiều vốn sống và câu chuyện về đề tài này nên đã thử sức, viết và gửi tác phẩm. Dù không biết có được đăng và đoạt giải hay không nhưng tôi cũng muốn góp tiếng nói nhỏ bé của mình gửi đến cuộc thi, mong sao truyền tải được rằng đời sống của những người công nhân còn nhiều vất vả và khó khăn, tôi mong muốn có được những điều kiện tốt hơn cho người lao động.

<?> BTC đã nhận được nhiều bản thảo Tiểu thuyết của anh, trong đó có hai tiểu thuyết là “Ở những nơi vì sao rực sáng vào ban ngày” và “Người đi khơi nguồn suối than” đều là những tiểu thuyết nói về vùng mỏ và những người thợ mỏ. Tại sao đề tài người thợ mỏ lại được anh quan tâm nhiều như vậy?

- Tôi có nhiều cơ duyên với ngành mỏ và những công nhân mỏ. Đầu tiên là tôi có người bạn thân là thợ mỏ ngành than, trước đây, bạn từng đi mót than ở Quảng Ninh. Bạn chia sẻ rằng công việc mót than là một việc rất vất vả, phải chui xuống hầm lò bụi bặm, thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí…

Ngoài ra, nhà bác của tôi lại ở thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết về đề tài người công nhân mỏ để tri ân bác của mình nên tôi đau đáu đề tài này. Mỗi lần cần thêm chất liệu để viết, tôi lại xuống Cẩm Phả và ở vùng mỏ trong nhiều ngày để quan sát, tìm tòi và viết.

Tôi thường đứng ở trên tầng cao, quan sát toàn bộ vùng mỏ, cho đến ngắm cận vào gương mặt của những người công nhân. Những gương mặt này tôi mô tả trong truyện của mình là những “gương than” nhưng đằng sau đó là sự vất vả, nguy hiểm, nặng nhọc. Tôi ví những người thợ mỏ như những người chiến sĩ, họ đi vào lòng đất, ngoài những vất vả như các công nhân ngành nghề khác, công nhân mỏ còn vất vả hơn, đối mặt với những tổn hại, nguy hiểm đến cả tính mạng. Đôi khi nghe thấy những tin tai nạn ở nơi hầm mỏ, tôi rất xót xa, nên tôi rất trăn trở với đề tài này.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, vẫn có những tín hiệu ánh lên niềm vui và niềm tin. Có những người vẫn bám trụ với nghề công nhân và được gia đình ủng hộ hết sức, có những mối tình nảy nở từ vùng mỏ, là những câu chuyện vui mà tôi được chứng kiến. Tình yêu khiến người ta thăng hoa, tình yêu giữa những người công nhân giúp người ta yêu đời hơn, hăng say lao động sản xuất hơn. Tôi cũng viết nhiều về tình yêu của những người công nhân, bởi nếu chỉ nhìn vào những điểm khó khăn thì sẽ rất tiêu cực và phiến diện.

<?> Chất liệu, cốt truyện là do anh trải nghiệm từ cuộc sống, công việc của mình hay đơn thuần chỉ là hư cấu văn học?

- Những nhân vật và câu chuyện mà tôi viết ra đều từ những chất liệu cuộc sống, những câu chuyện thật đó của những người công nhân trực tiếp sản xuất. Tôi quan sát và trò chuyện, có những lúc tôi đặt câu hỏi và tìm hiểu về cuộc sống của những anh chị công nhân, sau đó tôi viết theo bút pháp hiện thực chứ không hề hư cấu. Những câu chuyện “Phía sau lớp cửa từ” hay “Giấc mộng thiên thanh” đều là xuất phát từ những hình ảnh, câu chuyện có thực mỗi ngày của những người công nhân xung quanh tôi.

<?> Ý nghĩa và thông điệp lớn nhất mà anh gửi gắm đối với các tác phẩm về người thợ của mình là gì?

- Tôi muốn góp một tiếng nói khắc hoạ lên bức tranh về những người công nhân, bởi những người công nhân thường không được học nhiều, họ không phải là những nhạc công hoặc ca sĩ để có thể nhấn nhá những nốt nhạc, cũng không phải là những hoạ sĩ để tự vẽ được chân dung của mình, nhưng họ có một lòng yêu nghề và trái tim yêu lao động chân chính. Tôi muốn mọi người nhìn thấy được trái tim yêu lao động chân chính đó của những người công nhân, đó là điều tôi muốn gửi gắm thông qua các truyện ngắn và tiểu thuyết về công nhân của mình.

<?> Theo anh, trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện nay, đề tài về người lao động và công nhân đang đứng ở đâu? Phải chăng là cũng đang như những viên than chưa được khai thác? Nghĩa là đời sống, việc làm của người lao động hiện nay đang nảy sinh rất nhiều vấn đề, là chất liệu tốt cho văn học nhưng lại không được các nhà văn, hoặc người yêu thích viết văn khai thác? Đặc biệt là vắng bóng tiểu thuyết về công nhân.

- Tôi có theo dõi các tác phẩm văn học của nền văn học nước nhà. Tôi thấy công nhân là đội ngũ chiếm số lượng khá lớn. Tôi có đi đến những khu công nghiệp ở Bắc Thăng Long (Hà Nội), Vsip (Bắc Ninh), hoặc khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) quê tôi, tôi nhận thấy đề tài công nhân là đề tài phong phú, đa dạng, rất nhiều câu chuyện cuộc sống ý nghĩa ở trong đó.

Ví dụ như trong truyện “Phía sau lớp cửa từ” tôi có kể câu chuyện tình yêu rất lãng mạn của những công nhân, gấp những con hạc giấy đặt lên băng chuyền, trao gửi tình cảm đi, mong muốn tìm được một nửa của mình ở nơi công xưởng. Như vậy, chỉ cần chú ý để ý thì không hề thiếu các câu chuyện, các chất liệu, nguồn cảm hứng sáng tác các tác phẩm về công nhân là không có giới hạn.

Nhiều người cho rằng viết về đời sống công nhân thì khô khan và khó đọc, nhưng có nhiều tác giả mà tôi được đọc như cô Vũ Thảo Ngọc viết “Ánh đèn lò” rất thành công. Trong cuộc thi này cũng có tác giả là cây bút rất lớn như chị Vũ Huyền Trang với tác phẩm “Vệt sáng” rất hay, hay truyện ngắn “Phố thị”, “Chiếc nút cống”… cũng là những tác phẩm rất sát với hiện thực, khiến những người trong cuộc cảm thấy rất tâm đắc, xen lẫn ấm lòng. Trong tương lai, dự báo còn có nhiều tác phẩm hay hơn nữa bổ sung cho đề tài này kể từ sau năm 1975 trở lại đây

<?> Cuối cùng, anh có nhắn gửi gì tới BTC cuộc thi cũng như các tác giả cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công đoàn?

- Tôi xin chúc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BTC cuộc thi, các thành viên trong hội đồng giám khảo cuộc thi, Ban Biên tập của Báo Lao động nhiều sức khoẻ để có thể lựa chọn được các tác phẩm hay, phản ánh được đời sống của người công nhân lao động.

Tôi cũng mong trên khắp cả nước sẽ có thật nhiều cây bút, kể cả nhà văn chuyên nghiệp hoặc không chuyên, có thể tập trung sáng tạo thêm nhiều tác phẩm hay hơn nữa về đề tài công nhân, công đoàn. Bởi lực lượng công nhân trên cả nước rất đông đảo, chỉ cần các tác giả chịu khó đi sâu đi sát, ghi chép, ghi lại những hơi thở của người công nhân, thì tôi tin rằng trong tương lai sẽ có thêm rất nhiều tác phẩm hay về đề tài công nhân, Công đoàn.

HOÀNG HÀ
TIN LIÊN QUAN

Công ty may hỗ trợ tạm thời cho công nhân sau vụ cháy lán để xe

TRUNG DU |

Trước mắt, Công ty THHH May Youngor Smart Shirts Vietnam (viết tắt là Công ty TNHH May YSS) đã đưa ra các mức hỗ trợ đối với công nhân lao động có xe máy bị cháy rụi trong vụ cháy lán để xe vào sáng 10.10.

LĐLĐ Thanh Hóa tôn vinh công nhân, viên chức lao động giỏi năm 2022

QUÁCH DU |

Tối ngày 10.10, LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức Lễ tôn vinh “Công nhân giỏi xứ Thanh”, “Công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu xứ Thanh” năm 2022. Đây là một trong những hoạt động chào mừng 76 năm Ngày thành lập Công đoàn Thanh Hoá. Ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam dự và trao thưởng cho các tấm gương điển hình.

Đề nghị chưa tăng giá điện để chia sẻ khó khăn với công nhân

NAM DƯƠNG |

Nhiều công nhân, cán bộ công đoàn đều có chung nhận xét giá điện tăng sẽ dẫn đến giá cả các loại hàng hóa gia tăng, thậm chí các chủ nhà trọ cũng giá điện thêm và kiến nghị chưa nên tăng giá điện, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước để CN được hưởng giá điện đúng quy định.

Công ty may hỗ trợ tạm thời cho công nhân sau vụ cháy lán để xe

TRUNG DU |

Trước mắt, Công ty THHH May Youngor Smart Shirts Vietnam (viết tắt là Công ty TNHH May YSS) đã đưa ra các mức hỗ trợ đối với công nhân lao động có xe máy bị cháy rụi trong vụ cháy lán để xe vào sáng 10.10.

LĐLĐ Thanh Hóa tôn vinh công nhân, viên chức lao động giỏi năm 2022

QUÁCH DU |

Tối ngày 10.10, LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức Lễ tôn vinh “Công nhân giỏi xứ Thanh”, “Công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu xứ Thanh” năm 2022. Đây là một trong những hoạt động chào mừng 76 năm Ngày thành lập Công đoàn Thanh Hoá. Ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam dự và trao thưởng cho các tấm gương điển hình.

Đề nghị chưa tăng giá điện để chia sẻ khó khăn với công nhân

NAM DƯƠNG |

Nhiều công nhân, cán bộ công đoàn đều có chung nhận xét giá điện tăng sẽ dẫn đến giá cả các loại hàng hóa gia tăng, thậm chí các chủ nhà trọ cũng giá điện thêm và kiến nghị chưa nên tăng giá điện, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước để CN được hưởng giá điện đúng quy định.