Giá điện tăng, hàng hóa sẽ tăng theo
Anh Đoàn Trần Nhiệm, CN Công ty Nidec Việt Nam, hiện đang ở trọ tại Khu giãn dân phường Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức (TPHCM) cho biết, hiện gia đình của anh phải trả tiền điện giá 3.000 đồng/kW. Mặc dù chủ nhà trọ có lắp đồng hồ điện riêng, nhưng hằng tháng chỉ căn cứ theo số điện đã tiêu thụ và nhân với giá 3.000 đồng/kW chứ không tính theo giá điện bậc thang. “Điện tăng thì sẽ đẩy vật giá leo thang và chủ nhà sẽ thu tiền cao hơn nữa. Lúc đó, đời sống CN của chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nên sẽ phải hạn chế chi tiêu các khoản khác để dành tiền lo cho con cái ăn học. Chúng tôi mong Nhà nước tính toán để không tăng giá điện thì tốt nhất”, anh Nhiệm chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Văn Quý, thuê trọ tại đường Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, cho biết trước đây, người quản lý khu nhà trọ cũ tính tiền điện theo giá bậc thang. Thế nhưng, từ ngày đổi quản lý mới, người này tính cào bằng. “Tôi ở đây rất lâu rồi nhưng chủ tính tiền sao thì mình phải theo. Tăng giá điện thì vật giá tăng theo, chủ nhà trọ lại tăng tiền điện cao hơn mức 3.000 đồng/kW hiện nay, CN sẽ bị ảnh hưởng”, anh Quý nói.
Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Việt Nam - cho biết, công ty có xây khu nhà lưu trú cho CN ở với gần 300 phòng. Mỗi tháng, công ty hỗ trợ NLĐ 300.000 đồng tiền thuê nhà trọ, kể cả những người ở trong khu lưu trú vẫn được hỗ trợ. Người ở trong khu lưu trú chỉ phải trả khoảng 20.000 đồng tiền điện, nước/tháng. “Khi giá xăng tăng cao vừa qua, rất nhiều mặt hàng tiêu dùng đã tăng theo, và bây giờ dù giá xăng giảm nhưng hàng tiêu dùng không giảm. Sắp tới tăng giá điện lại trùng với dịp Tết thì hàng hóa sẽ càng tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống của CN. Nên chăng Nhà nước chưa nên tăng giá điện, trước mắt là từ nay đến Tết thì sẽ đỡ hơn cho CN”, bà Vân kiến nghị.
Chưa nên tăng giá điện
Ông Vũ Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Công ty Hansae Việt Nam - cũng cho rằng, tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống CN đang có thu nhập eo hẹp, cuộc sống của họ sẽ khó khăn hơn. Ông Hùng kiến nghị, trước mắt, Nhà nước không nên tăng giá điện hoặc có chính sách cho CN được hưởng giá điện theo những bậc giá thấp theo quy định hiện hành.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Phước Đại - Chủ tịch CĐ Công ty Juki Việt Nam - cho biết, hiện tại nhiều doanh nghiệp đều đang khó khăn, ít hoặc giảm đơn hàng, đời sống của CN bị ảnh hưởng rất nhiều vì không có thu nhập từ tăng ca như trước. “Thu nhập của CN giảm, trong khi hàng hoá thì tăng giá do ảnh hưởng của tăng giá xăng trước đây. Trong khi đó, việc kiểm soát của chính quyền đối với các chủ nhà trọ trong việc bán điện cho CN còn nhiều hạn chế. Việc tăng giá điện thời điểm khó khăn này chưa phù hợp vì tăng giá điện không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến đời sống của số đông CN, nhất là những người phải đi thuê trọ”, ông Đại nói.
Theo ông Quách Mẫn Nghĩa - Chủ tịch CĐ Công ty Always Việt Nam - nếu tăng giá điện thì tất cả người dân đều chịu ảnh hưởng, chứ không riêng gì CN. Tuy nhiên, với CN ở trọ sẽ bị chịu thiệt thòi hơn, vì nhiều nơi chủ nhà trọ không bán điện cho người thuê nhà đúng giá mà bán giá điện cao hơn. “Nếu Nhà nước tăng giá điện thì CN cũng phải chấp nhận chia sẻ khó khăn với ngành điện, Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên chia sẻ với CN trong lúc khó khăn như hiện nay, cụ thể là chưa nên tăng giá điện”, ông Nghĩa kiến nghị.