Long An: Khát vọng Sông Vàm

Nguyễn Phấn Đấu |

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tỉnh Long An vinh dự được Trung ương phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Trong hòa bình xây dựng đất nước, Long An đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành tỉnh đi đầu trong phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau

Ngày 17.9, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 55 năm Ngày tỉnh Long An được phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (17.9.1967 - 17.9.2022). Dự lễ dâng hương có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; lãnh đạo các cơ quan ban, bộ ngành Trung ương; đại biểu các tỉnh bạn.

Đây là hoạt động nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau ở Long An về tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm; thể hiện lòng tôn kính, tri ân đối với các thế hệ cách mạng và nhân dân, từ đó khơi dậy lòng tự hào, sức mạnh nội sinh trong hệ thống chính trị và cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc.

Cách đây 55 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc ở vào giai đoạn khốc liệt, tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ II họp ở miền Đông Nam Bộ, ngày 17.9.1967, Long An đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Danh hiệu cao quý là sự ghi nhận truyền thống của vùng đất Long An có bề dày lịch sử và văn hóa, có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm và đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường”, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Long An đã có những đột phá sáng tạo trong cải cách phân phối lưu thông, tiến công khai hoang vùng Đồng Tháp Mười và trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Từ 1 tỉnh nghèo, tỉnh Long An đã vươn lên đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu, quy mô nền kinh tế và thu ngân sách cũng như nâng cao mức sống của nhân dân.

Theo Sở VHTTDL Long An, sau rất nhiều nỗ lực, năm 2019 du lịch tỉnh Long An đã bắt đầu khởi sắc với gần 1 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội đã làm kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tạo cú hích mạnh mẽ cho du lịch

Để đưa ngành du lịch địa phương nhanh chóng lấy lại đà như trước khi xảy ra dịch COVID-19 và tạo cú hích mạnh mẽ cho phát triển tiếp theo, nhân sự kiện 55 năm Long An được phong tặng 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, lãnh đạo tỉnh quyết định tổ chức đợt sinh hoạt khá quy mô và ấn tượng mang tên “Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022” với chủ đề “Long An - Khát vọng sông Vàm” bắt đầu từ ngày 17.9.2022.

Chủ đề “Khát vọng Sông Vàm” lấy cảm hứng từ 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây trên địa bàn tỉnh. Hai dòng sông huyền thoại đã góp phần làm nên những chiến công vang dội trong chiến tranh, ngày nay tiếp tục là 2 dòng sông huyết mạch trong phát triển kinh tế, phục vụ du lịch.

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022 là sự kiện có quy mô lớn, lần đầu tiên được Long An tổ chức, với chuỗi 13 hoạt động đa dạng và phong phú gồm Lễ hội ẩm thực đường phố, Giao lưu đờn ca tài tử, Giao lưu các loại hình nghệ thuật dân tộc, Cuộc thi Hoa khôi Sông Vàm, Famtrip, bắn pháo hoa tầm thấp… cùng một số hoạt động thể thao: Giải marathon, Giao lưu bóng chuyền.

Với thông điệp “Du lịch Long An an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022 là cơ hội cho các khu di tích, điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, làng nghề truyền thống liên kết, hợp tác phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến du khách trong và ngoài nước. Thông qua Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022, Long An giới thiệu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, ẩm thực đặc trưng, các dịch vụ du lịch chất lượng gắn kết giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, tăng cường kết nối tour, tuyến, thu hút du khách. 

Bí thư Tỉnh ủy - ông Nguyễn Văn Được - kỳ vọng, du khách sẽ có những kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp về vùng đất và con người Long An, được tận hưởng những làn điệu đờn ca tài tử, tham quan những di tích lịch sử, văn hóa và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thưởng thức các món ăn đặc sản để thêm yêu, thêm quý đất và người Long An.

Nguyễn Phấn Đấu
TIN LIÊN QUAN

"Tôi muốn giới thiệu Hà Nội vừa hiện đại, vừa cổ kính trên Discovery"

Trang Ngọc |

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt đã có chia sẻ thú vị khi được mời làm tourguide bằng xe máy, đưa du khách đi khám phá từng ngóc ngách ẩm thực Hà Nội qua trên kênh truyền hình nổi tiếng Discovery.

Đưa Hoàng Thành Thăng Long lên tà áo dài Việt

Linh Chi |

Với mong muốn lan toả những giá trị Việt, nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo Giang đã đưa những hình ảnh di vật khảo cổ lên tà áo dài với BST "Hoàng Thành Thăng Long - Dấu ấn vàng son". 

Áo dài góp phần quảng bá du lịch Việt như thế nào?

Trang Ngọc |

Không chỉ là trang phục truyền thống mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, tà áo dài Việt Nam còn góp phần thúc đẩy nền du lịch phát triển theo nhiều cách.

"Tôi muốn giới thiệu Hà Nội vừa hiện đại, vừa cổ kính trên Discovery"

Trang Ngọc |

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt đã có chia sẻ thú vị khi được mời làm tourguide bằng xe máy, đưa du khách đi khám phá từng ngóc ngách ẩm thực Hà Nội qua trên kênh truyền hình nổi tiếng Discovery.

Đưa Hoàng Thành Thăng Long lên tà áo dài Việt

Linh Chi |

Với mong muốn lan toả những giá trị Việt, nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo Giang đã đưa những hình ảnh di vật khảo cổ lên tà áo dài với BST "Hoàng Thành Thăng Long - Dấu ấn vàng son". 

Áo dài góp phần quảng bá du lịch Việt như thế nào?

Trang Ngọc |

Không chỉ là trang phục truyền thống mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, tà áo dài Việt Nam còn góp phần thúc đẩy nền du lịch phát triển theo nhiều cách.