Kể từ khi xuất bản đầu tiên bằng tiếng Hebrew vào năm 2020, cuốn sách đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất tại Israel và chỉ trong vòng 3 tháng, tác phẩm đã bán được bản quyền cho hơn 20 quốc gia và 30 vùng lãnh thổ trên thế giới.
Việt Nam chính thức là ngôn ngữ thứ 30 mua bản quyền của cuốn sách này, từ bản tiếng Anh có cập nhật và chỉnh sửa (NXB Dân trí và Omega Plus vừa ấn hành), được chuyển ngữ bởi hai dịch giả Trần Thị Kim Chi, Đỗ Ngọc Quỳnh Chi và phần hiệu đính do Vũ Thành Tự Anh đảm nhiệm.
“Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng” là tổng hợp phần lớn thành quả nghiên cứu của tác giả với lý thuyết mới chưa từng xuất hiện về lịch sử loài người: Lý thuyết tăng trưởng thống nhất - góp phần làm sáng tỏ những động lực chi phối quá trình chuyển đổi từ kỷ nguyên trì trệ sang kỷ nguyên tăng trưởng ổn định về mức sống; đồng thời lý thuyết này cũng khai quật những dấu chân của quá khứ xa xôi trong số phận của các quốc gia.
Cuốn sách được bổ sung bằng những nghiên cứu thực nghiệm và định lượng, với nhiều dữ liệu mới; với nhiều bảng biểu số liệu hấp dẫn; với góc nhìn mới về hành trình phát triển của nhân loại.
Tác giả Oded Galor chia sẻ: “Cuốn sách này không chứa đựng những thuật ngữ hàn lâm, mà bù lại, đầy những giai thoại và bài học thú vị từ lịch sử, chứa đựng vô cùng nhiều khía cạnh đơn giản mà hấp dẫn về công cuộc tiến hóa của con người.
Tôi hy vọng rằng, mọi người, thậm chí là những học sinh ở độ tuổi trung học phổ thông, đều có thể đọc và học hỏi từ cuốn sách. Nó được viết theo cách mà từ các chuyên gia hàng đầu đến độc giả thường thức đều có thể hiểu được…’’.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu và nhiều tờ báo trên thế giới đã đánh giá cao về ấn phẩm này. TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Việt Nam - nhận xét: ''Cuốn sách đã thay đổi một số quan điểm mà tôi đã giữ trong thời gian dài. Một điểm khác rất thú vị: Đây quả thực là một cuốn sách ngắn. Tác giả đã viết lại toàn bộ lịch sử của nhân loại trong 300.000 năm chỉ trong khoảng 300 trang. Điều này thật phi thường…’’.