Giữ gìn, phát huy giá trị các loại nhạc cụ dân tộc ở Sơn La

Theo TTXVN |

Sơn La nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, không chỉ được biết đến với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là cái nôi văn hóa lâu đời của cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có những giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo; trong đó không thể không nhắc đến các loại nhạc cụ, những vũ điệu dân gian như múa khèn của đồng bào Mông, múa xòe - múa sạp của đồng bào Thái...

Từ nhiều đời nay, trống, chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành âm thanh quen thuộc, gần gũi, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Thái. Để làm được một bộ trống chiêng phải mất từ 6 - 10 ngày, trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự kiên trì, tỷ mỉ, cộng thêm trình độ thẩm âm tốt của người thợ mới cho ra sản phẩm có chất lượng âm thanh chuẩn, kiểu dáng đẹp và độ bền cao. Trống, chiêng thường được sử dụng trong múa xòe cộng đồng, tạo không khí vui tươi, sôi động, lôi cuốn mọi người tham gia, giúp người dân xua đi mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả.

Ông Hà Đức Tiện (bản Ngoàng, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu) cho biết, khi có tiếng trống, chiêng nổi lên, tiếng khèn bè ngân vang và lời nhạc hấp dẫn sẽ thu hút mọi người, không phân biệt già, trẻ, gái, trai đều uyển chuyển trong vòng xòe thân ái, đoàn kết. Ông và người dân nơi đây sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp này.

Một trong những loại nhạc cụ nổi bật khác của đồng bào dân tộc Thái là Tính tẩu được dùng phổ biến trong các lễ hội, những ngày vui của người Thái. Nhạc cụ này được dùng để độc tấu hoặc phối hợp với các nhạc cụ khác tạo nên bản nhạc đa âm thanh. Trong tiếng Thái, tính có nghĩa là đàn, còn tẩu là bầu (quả bầu); tính tẩu có nghĩa là đàn bầu. Cây đàn gồm các bộ phận: Bát tính, cần tính, hon tính, má láng tính, tép tính, mạ tính, má pố tính, dây tính. Nhìn bề ngoài có thiết kế khá đơn giản, nhưng để làm được một cây Tính tẩu có âm thanh hay thì tất cả các bộ phận, các khâu phải được thực hiện tỉ mỉ, khéo léo.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm (bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai) là một trong những người thường xuyên làm Tính tẩu của người Thái chia sẻ, để có âm thanh hay, cần đàn được làm từ cây sữa, bầu đàn phải chọn quả bầu già, tròn, sau đó được phơi trên gác bếp, náp đàn là rễ cây vông, dây đàn phải được làm bằng dây cước tốt nhất. Nhằm tiếp tục giữ gìn, phát huy tinh hoa của Tính tẩu, ông Chiêm cùng các nghệ nhân khác đã mở 3 lớp để truyền dạy cho con cháu và tiếp tục mở thêm lớp dạy cho các thế hệ sau.

Ngoài ra, điệu múa Xòe cũng là nghệ thuật dân gian đặc trưng của người Thái; luôn hiện hữu từ những cuộc vui nhỏ của gia đình (như lễ mừng nhà mới, đám cưới, hỏi) đến những lễ hội lớn của bản làng (như Xên bản, lễ mừng cơm mới, lễ hội hoa Ban…). Nổi bật nhất là các điệu xòe như: Xòe nón, xòe khăn, xòe quạt, xòe vòng… Mỗi động tác, dáng đi, cách chuyển động là những khát vọng cuộc sống, tình yêu... được gửi gắm trong mỗi điệu xòe luôn được đồng bào dân tộc Thái bảo tồn, phát huy.

Cây khèn cũng là một nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo và quan trọng đối với đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông. Cây khèn được cấu thành bởi nhiều bộ phận như: Thân khèn, bầu khèn, đuôi khèn, ống khèn, lam khèn (lưỡi gà), lỗ khèn, đai khèn. Để chế tạo được cây khèn tốt, phải trải qua rất nhiều công đoạn hết sức công phu, tỉ mỉ từ việc chọn, gia công vật liệu và tạo âm sắc… Trong những dịp lễ hội, đón năm mới của người Mông không thể thiếu tiếng khèn. Các bài biểu diễn múa khèn có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng xum họp, vui chơi. Tiếng khèn làm vơi bớt, quên đi những khó khăn, vất vả sau thời gian chăm chỉ lao động; qua đó góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu, tình làng bản.

Là một trong số ít người còn thổi khèn và múa các điệu khèn cổ, ông Tráng A Lữ, bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) cho hay, theo các cụ kể, điệu múa khèn được học từ Thần. Thổi khèn chủ yếu là để khai hội tổng kết năm cũ, đón năm mới. Do đó, sẽ có những bài ngắn gọn để đón Xuân về, có thể múa đơn hoặc múa đông người.

Theo ông Lữ, cây khèn và điệu múa của dân tộc Mông chính là nét đặc trưng của người Mông, không giống với các dân tộc khác. Ông sẽ truyền dạy cho con cháu trong gia đình, thế hệ trẻ ở làng bản và học sinh trên địa bàn huyện Vân Hồ để có thể chế tác được cây khèn, hiểu được lời hát, điệu múa nhằm lưu giữ tục lệ đặc sắc của người Mông.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ Nguyễn Thị Lư cho biết, để bảo tồn, phát huy các nhạc cụ truyền thống, trên địa bàn huyện đã thành lập các câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ dân tộc; trong đó tập trung duy trì, bảo tồn, phát huy các điệu múa khèn, sáo của dân tộc Mông, gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa với nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ phát triển du lịch của huyện. Các câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động thông qua các hội thi, thu hút được nhiều nghệ nhân tham gia; đồng thời mở các lớp học để truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Qua đó, đồng bào cũng trân trọng và giữ gìn hơn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Qua thời gian, cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La vẫn luôn gìn giữ, phát huy các loại nhạc cụ, những điệu múa dân gian độc đáo gắn liền với đời sống tinh thần của dân tộc. Đây cũng là biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết của các dân tộc, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, chứa đựng giá trị nhân văn, khát vọng của con người, ca ngợi những điều tốt đẹp nhất của tình yêu và cuộc sống.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN

Bộ Giao thông vận tải ủng hộ Sơn La có thể đầu tư sân bay chuyên dùng

KHÁNH LINH |

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) không đồng ý quy hoạch sân bay Mộc Châu, tuy nhiên ủng hộ tỉnh Sơn La có thể đầu tư sân bay chuyên dùng để phát triển du lịch.

Dấu ấn Tết Độc lập trên vùng cao Sơn La

Khánh Linh |

Đã thành thông lệ, vào dịp Quốc khánh 2.9 hàng năm, đồng bào các dân tộc trên vùng cao đều gác lại công việc, nô nức vui Tết Độc lập.

Chuyện về cô giáo nặng lòng với học sinh vùng cao Sơn La

Khánh Linh |

Bén duyên với mảnh đất vùng cao Mai Sơn, hơn 20 năm nay, cô giáo Phạm Thị Hồng Phượng vẫn miệt mài gieo chữ, gieo yêu thương cho học sinh dân tộc thiểu số nơi đây. 

Bộ Giao thông vận tải ủng hộ Sơn La có thể đầu tư sân bay chuyên dùng

KHÁNH LINH |

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) không đồng ý quy hoạch sân bay Mộc Châu, tuy nhiên ủng hộ tỉnh Sơn La có thể đầu tư sân bay chuyên dùng để phát triển du lịch.

Dấu ấn Tết Độc lập trên vùng cao Sơn La

Khánh Linh |

Đã thành thông lệ, vào dịp Quốc khánh 2.9 hàng năm, đồng bào các dân tộc trên vùng cao đều gác lại công việc, nô nức vui Tết Độc lập.

Chuyện về cô giáo nặng lòng với học sinh vùng cao Sơn La

Khánh Linh |

Bén duyên với mảnh đất vùng cao Mai Sơn, hơn 20 năm nay, cô giáo Phạm Thị Hồng Phượng vẫn miệt mài gieo chữ, gieo yêu thương cho học sinh dân tộc thiểu số nơi đây.