Công nghiệp văn hóa là xu thế phát triển

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Phát triển công nghiệp văn hóa góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, bảo tồn, tái sinh và phát huy vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của đất nước.

Chiều 12.9.2022, tại Bảo tàng Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức hội thảo khoa học Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021.

Tại hội thảo các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đều cho rằng phát triển công nghiệp văn hóa là xu thế tất yếu, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Thực trạng công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Tháng 9.2016, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành. Đánh giá về vai trò của chiến lược này, ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng sự ra đời của chiến lược này chính là nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc đổi mới thể chế nhằm tháo gỡ nút thắt, thay đổi nhận thức để hình thành nên một khung chính sách có khả năng tạo nên sự đổi thay và hội nhập của các ngành công nghiệp văn hóa. Quá trình triển khai chiến lược cho thấy khung chính sách đã thể hiện được khả năng bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, từng bước quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Từ khi chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ra đời, đến nay thị phần xuất khẩu hàng hóa văn hóa của Việt Nam ra thế giới bao gồm: Sách, tạp chí, sản phẩm đa phương tiện, phần mềm, bản ghi âm, phim, video, chương trình nghe nhìn, hàng thủ công và thời trang…

Sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa thể hiện rõ trong việc đóng góp vào tỉ trọng GDP cả nước: năm 2010 là 2,44%; năm 2015 là 3,5%; năm 2018 là 3,61%. Năm 2019, xuất khẩu sản phẩm văn hóa đạt hơn 2 tỉ USD. Tỉ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực văn hóa tăng từ 1,72% của năm 2009, lên 5% vào năm 2019. Nước ta hiện nay có hơn 115 đơn vị văn hóa nghệ thuật công lập, 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa – nghệ thuật. Số lượng không gian văn hóa sáng tạo ngoài công lập tăng từ 40 không gian của năm 2017, lên 195 không gian vào năm 2021. Số lượng doanh nghiệp văn hóa năm 2019 là 97.167 doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực làng nghề, năm 2020 cả nước có 1.926 làng nghề, tăng 275 làng nghề so với năm 2011. Mức độ tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 2,35 tỉ USD, trong đó có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như: Các sản phẩm gốm sứ đạt 539 triệu USD, sản phẩm mây tre cói thảm đạt 484 triệu USD…

Với những đóng góp với quá trình phát triển bền vững của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh quan điểm của UNESCO về chỉ số văn hóa với phát triển triển bền vững: “Ngành công nghiệp văn hóa được coi là động lực vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội và vừa góp phần vào hiệu quả của các can thiệp phát triển”.

Triển vọng phát triển

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, thậm chí tạo nên hướng đột phá trong phát triển kinh tế tri thức, kinh tế văn hóa để phát triển kinh tế theo chiều sâu.

Công nghiệp văn hóa sẽ đưa đến sự thay đổi cơ cấu các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Sự xuất hiện của các trung tâm sản xuất công nghiệp văn hóa làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Cơ cấu thành phần kinh tế cũng có sự chuyển dịch thích hợp, gắn với quá trình chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp văn hóa cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Đánh giá về triển vọng của ngành công nghiệp văn hóa với phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng: Công nghiệp văn hóa góp phần tái tạo các thành phố, cải thiện cuộc sống đô thị, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng và khu vực trong cả nước; bảo tồn, tái sinh và phát huy vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống như di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, thủ công truyền thống; thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước; góp phần thúc đẩy hòa nhập và cố kết xã hội…

Công nghiệp văn hóa mặc dù mới được chú trọng phát triển ở Việt Nam, đã có những đóng góp ban đầu vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thị trường công nghiệp văn hóa của Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, chưa phát huy hết tiềm năng vốn có, đó là vấn đề đặt ra và cũng là cơ hội để ngành này phát triển trong tương lai.

LÝ VIẾT TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới

TS. NGUYỄN HỮU MẠNH (KHOA LỊCH SỬ - ĐẠI HỌC KHXH&NV, ĐHQGHN) |

Tại lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) tại Ninh Bình, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã ghi nhận vai trò, đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm tôn vinh, phát huy giá trị của Công ước. Tổng Giám đốc UNESCO cũng ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới.

Đưa Hoàng Thành Thăng Long lên tà áo dài Việt

Linh Chi |

Với mong muốn lan toả những giá trị Việt, nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo Giang đã đưa những hình ảnh di vật khảo cổ lên tà áo dài với BST "Hoàng Thành Thăng Long - Dấu ấn vàng son". 

Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Song Minh |

Chiều 8.9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). 

Thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới

TS. NGUYỄN HỮU MẠNH (KHOA LỊCH SỬ - ĐẠI HỌC KHXH&NV, ĐHQGHN) |

Tại lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) tại Ninh Bình, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã ghi nhận vai trò, đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm tôn vinh, phát huy giá trị của Công ước. Tổng Giám đốc UNESCO cũng ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới.

Đưa Hoàng Thành Thăng Long lên tà áo dài Việt

Linh Chi |

Với mong muốn lan toả những giá trị Việt, nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo Giang đã đưa những hình ảnh di vật khảo cổ lên tà áo dài với BST "Hoàng Thành Thăng Long - Dấu ấn vàng son". 

Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Song Minh |

Chiều 8.9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).