Công nghiệp văn hoá: Cần những ngọn cờ

THU HƯƠNG |

Trao đổi với phóng viên Lao Động, các chuyên gia có kinh nghiệm ở nhiều ngành văn hóa đã đưa ra giải pháp cụ thể với mong muốn đóng góp xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045.

Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” (the culture industry) lần đầu tiên xuất hiện năm 1944, trong cuốn sách Dialectic of Enlightenment của hai nhà nghiên cứu người Đức là Adorno và Horkneimer. Năm 1982, UNESCO cho rằng: “Công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”.

Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch Việt Nam khởi công xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa từ 2016 đến 2030, tầm nhìn đến 2045 trên 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.

Công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, sau 6 năm thực hiện (2016-2022) vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Theo các chuyên gia đánh giá, chiến lược công nghiệp văn hóa ở Việt Nam cần bắt tay sớm vào 4 yếu tố chính: Nhân sự, vốn đầu tư, chiến lược cụ thể với từng ngành, và nhanh chóng học hỏi từ thế giới.

Cần lực lượng nhân sự hạt giống

Trong mọi ngành nghề, tài năng luôn là điểm nhấn quan trọng. Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - sở dĩ công nghiệp phim ảnh, âm nhạc của Hàn Quốc phát triển nhanh và mạnh đến như vậy là do họ đội ngũ nhân sự tài năng rất hùng hậu ở mọi khâu, từ biên kịch, biên đạo, đạo diễn, quay dựng, đến nghệ sĩ biểu diễn.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan. Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Ngô Phương Lan. Ảnh: NVCC

“Đặc biệt, họ có những “ngọn cờ” - là những tài năng xuất chúng đặc biệt. Những người này có đủ khả năng mang tác phẩm ra giới thiệu với thế giới, gây ấn tượng được với thế giới, để từ đó thế giới biết đến Hàn Quốc. Chúng ta chưa có được những “ngọn cờ” như thế. Giữa năng khiếu và tài năng cách nhau rất xa” - Tiến sĩ Ngô Phương Lan nói.

Với lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn (bao gồm âm nhạc), nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, anh quan ngại khi nhìn tổng thể, Việt Nam không chỉ thiếu tài năng nghiêm trọng ở tất cả các khâu, còn thiếu những nghệ sĩ có khát vọng.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, “Nghệ sĩ Việt Nam không có khát vọng bước ra thế giới, họ chỉ đang lo chạy được nhiều show, được lên TV, được chơi gameshow, lo làm thế nào để sản phẩm thu hút được khán giả xem nhiều... ”. Chính vì thiếu khát vọng, trong khi nghệ sĩ K-pop làm việc 10-12 tiếng/ngày, nghệ sĩ Việt chỉ làm việc bằng 1/10, với khoảng cách này, rất khó để công nghiệp hóa được những lĩnh vực cần nhân sự tài năng vượt bậc như điện ảnh, âm nhạc và các nền nghệ thuật biểu diễn.

Nhạc sĩ Quốc Trung và Tiến sĩ Ngô Phương Lan đều cho rằng, hơn bao giờ hết, nhà nước cần có cơ chế tìm kiếm tài năng, quy tụ tài năng và thúc đẩy khả năng sáng tạo từ họ.

Công nghiệp văn hóa giải trí Hàn Quốc thành công bởi họ có lực lượng nghệ sĩ đông đảo, tài năng, tập luyện chăm chỉ, sống kỷ luật và đầy tham vọng.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc - ông Suk Jin Young khẳng định: “Tính sáng tạo của những người nghệ sĩ nằm trên tuyến đầu của ngành công nghiệp văn hóa, và để họ có thể hoạt động một cách mạnh mẽ thì các chính sách hiệu quả của Chính phủ nhằm xây dựng cơ sở vật chất xã hội cũng phải theo ngay sau. Chính phủ và nhà nước cần có nhiều hoạt động hỗ trợ họ phát huy hết khả năng vốn có”.

Thúc đẩy học hỏi từ quốc tế

Để rút ngắn khoảng cách về trình độ giữa nhân lực của ngành công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế, theo nhạc sĩ Quốc Trung và Tiến sĩ Ngô Phương Lan, chúng ta cần tổ chức những hoạt động có quy mô quốc tế, để nghệ sĩ Việt sớm được cọ xát, học hỏi từ nghệ sĩ quốc tế.

Ông Suk Jin Young - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam thưởng thức phở Việt. Ảnh: NVCC
Ông Suk Jin Young - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam thưởng thức phở Việt. Ảnh: NVCC

“Sẽ phải kết hợp rất nhiều cách cùng lúc. Có thể bắt đầu từ những lò đào tạo trong nước, cách này Iran đã từng làm. Họ có những gia đình nhiều thế hệ cùng làm nghệ thuật. Chúng ta cũng nên tổ chức những sự kiện quốc tế lớn, kéo những nhà làm phim thế giới về đây, đồng thời đưa các nhà làm phim Việt Nam vào quỹ đạo của quốc tế để rút ngắn khoảng cách nhanh chóng. Tổ chức nhiều cuộc thi viết kịch bản, cuộc thi phim, giải thưởng cho những cuộc này là sang Mỹ du học, hoặc là những bộ thiết bị làm phim hiện đại” - Tiến sĩ Ngô Phương Lan nói.

Đồng quan điểm này, nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho rằng, nhà nước cần mở cửa đón nhận nền văn hóa khác, từ đó học hỏi kỹ năng, chiến lược từ các nước phát triển.

“Chúng ta cứ nói về Hàn Quốc về Kpop, nhưng chưa thấy ai sang đó học hỏi. Ở những nền công nghiệp giải trí như Hàn Quốc, Mỹ hay các quốc gia Châu Âu họ đều có công thức, quy luật để thành công” - nhạc sĩ Quốc Trung đưa quan điểm.

Xã hội hóa vốn đầu tư, chủ động kêu gọi vốn

Giới chuyên gia của 12 ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa đều đồng tình với việc kêu gọi xã hội hóa các nguồn đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa.

“Một mình nhà nước sẽ không thể đầu tư hết được. Chúng ta cần xã hội hóa các nguồn lực đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp chung tay với nhà nước đầu tư cho các ngành văn hóa. Đồng tới, các lĩnh vực cũng nên chủ động xây dựng dự án, chủ động kêu gọi vốn đầu tư cho dự án của mình” - nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Ý kiến này nhận được nhiều đồng thuận của chuyên gia các ngành tại Hội thảo về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến 2030 tầm nhìn đến 2045 diễn ra trung tuần tháng 9 vừa qua.

Xây dựng chiến lược cụ thể với thế mạnh từng ngành

Đánh giá về 12 lĩnh vực mũi nhọn của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam, ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nói với phóng viên Lao Động: “Tôi hiểu rằng Việt Nam sẽ cần rất nhiều nỗ lực và nguồn lực nếu đầu tư vào cả 12 lĩnh vực. Lệ thường, các thành phố hoặc khu vực trên thế giới có thể lựa chọn những lợi thế phù hợp với chiến lược phát triển của thành phố hoặc vùng. 

Tôi sẽ lấy "Mạng lưới các thành phố sáng tạo" của UNESCO làm ví dụ điển hình. Đơn cử, Adelaide của Úc là thành phố sáng tạo về âm nhạc, hay Dương Châu của Trung Quốc là thành phố sáng tạo về ẩm thực, Hà Nội có thể phát triển mạnh về du lịch văn hóa và ẩm thực”.

Theo ông Christian Manhart, bằng cách tập trung vào một lĩnh vực sáng tạo, các thành phố như Hà Nội có thể tối đa hóa lợi tức đầu tư các nguồn lực và làm cho tên tuổi của thành phố được biết đến như một điểm đến sáng tạo của một lĩnh vực cụ thể.

“Tôi có thể chia sẻ với các bạn rằng UNESCO đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hỗ trợ Việt Nam thiết lập một vành đai sáng tạo bao gồm bảy thành phố sáng tạo trên cả nước. Chúng tôi rất lạc quan về sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam” - ông Manhart cho biết.

Ông Manhart lưu ý Việt Nam nên cân bằng giữa bảo tồn và phát triển văn hóa. “Du khách đến Việt Nam không chỉ để ngắm nhìn những điều đẹp đẽ mà còn để giao lưu với người dân địa phương, tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa, truyền thống. Khi phát triển các dịch vụ chỉ phục vụ khách du lịch quốc tế, có thể sẽ đánh mất đi cái hồn thực sự của địa điểm đó. Chúng ta cần phải có cách tiếp cận, phát triển bền vững vì nếu không có văn hóa, cái hồn của vùng đất, khách du lịch sẽ ngừng đến đây”.

Với ông Suk Jin Young, ông đánh giá cao ngành du lịch văn hóa của Việt Nam và theo ông Suk Jin Young phát triển du lịch qua phim ảnh là cách làm hữu hiệu. “Khi đến thăm các vùng biển, những ngọn núi xinh đẹp, những thành phố lịch sử hay cả những thành phố hiện đại, với tư cách là một người dân Hàn Quốc, tôi thực sự cảm thấy ghen tị với nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, phong phú mà Việt Nam đang sở hữu.

Hàn Quốc cũng có nguồn tài nguyên hấp dẫn, đầy sức hút về du lịch. Tuy nhiên, để phát triển du lịch, Hàn Quốc không dừng lại ở việc quảng bá thô nguồn tài nguyên du lịch của mình, mà còn đang đầu tư khá nhiều ngân sách và nỗ lực cho việc quảng bá thông qua những câu chuyện, hình ảnh hấp dẫn. Ví dụ, thu hút du lịch qua phim ảnh là một cách quảng bá rất hữu hiệu và Hàn Quốc đã thành công”.

THU HƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Dấu ấn nữ quyền ở phim điện ảnh Việt

Ngọc Dủ |

Điện ảnh Việt trong những năm gần đây luôn có những tác phẩm mang đậm dấu ấn của nữ quyền. Nó thể hiện không chỉ ở người tạo ra các sản phẩm đó là nữ giới mà còn ý nghĩa cài cắm ở mỗi bộ phim.

Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 chính thức khai mạc

Hạ Âu |

Tin văn hoá trong tuần gây chú ý với Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 chính thức được khai mạc tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam (Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Nguồn cảm hứng sáng tác về công nhân là vô tận

HOÀNG HÀ |

Tham dự cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Báo Lao Động là đơn vị thực hiện, tác giả Vũ Minh Phúc, một công nhân ở Phú Xuyên (Hà Nội), người đều đặn gửi các tác phẩm về dự thi, có những chia sẻ cơ duyên và nguồn cảm hứng sáng tác về đề tài công nhân, người lao động.

Dấu ấn nữ quyền ở phim điện ảnh Việt

Ngọc Dủ |

Điện ảnh Việt trong những năm gần đây luôn có những tác phẩm mang đậm dấu ấn của nữ quyền. Nó thể hiện không chỉ ở người tạo ra các sản phẩm đó là nữ giới mà còn ý nghĩa cài cắm ở mỗi bộ phim.

Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 chính thức khai mạc

Hạ Âu |

Tin văn hoá trong tuần gây chú ý với Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 chính thức được khai mạc tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam (Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Nguồn cảm hứng sáng tác về công nhân là vô tận

HOÀNG HÀ |

Tham dự cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Báo Lao Động là đơn vị thực hiện, tác giả Vũ Minh Phúc, một công nhân ở Phú Xuyên (Hà Nội), người đều đặn gửi các tác phẩm về dự thi, có những chia sẻ cơ duyên và nguồn cảm hứng sáng tác về đề tài công nhân, người lao động.