Hiện đang có nhiều tranh luận về chuyện chọn lễ phục hay quốc phục cho nam giới, theo Tiến sĩ vì sao đối với nữ giới - mặc áo dài không gây nhiều tranh cãi mà nam giới lại có nhiều định kiến, phải chăng do áo dài dành cho nam không đẹp hay không phù hợp?
- Câu hỏi này liên quan tới lịch sử hình thành và biến đổi các loại trang phục của Việt Nam khác nhau giữa nam và nữ. Vào thời phong kiến, lễ phục cho nam và nữ không giống nhau; và những người hành lễ nam và nữ có lễ phục được chế định khác nhau qua các triều đại.
Sang thời kỳ hiện đại đầu thế kỷ XX, phong trào Duy Tân và phong trào Âu hoá làm biến đổi trang phục của nam giới mà ít tác động đến nữ giới. Nam giới ở miền Bắc, miền Trung dần dần đổi sang cắt tóc ngắn, mặc âu phục rồi bỏ hết các khăn đóng áo dài. Đến thập niên 1930 mới ra đời các kiểu loại áo dài tân thời dành cho nữ giới, nhưng áo dài khăn đóng của nam giới thì không có ai đề xướng cách tân, và được đồng hoá với các biểu tượng của chế độ phong kiến lỗi thời.
Vậy, con đường hình thành áo dài của nữ và nam khác nhau; áo dài cho nữ giới cứ phát triển các loại áo dài vừa truyền thống vừa hiện đại, chứ không bị đóng cái mác phong kiến hay là Nho giáo... Nhưng nam giới thì khác hẳn, nam giới người Việt đã quen với các loại lễ phục phương Tây, bộ veston, cà vạt, mang giày tây các loại, và chúng ta đã không còn quen mắt với các loại lễ phục thời phong kiến nữa.
Lễ phục hay quốc phục của Việt Nam chúng ta hiện bây giờ không thể thống nhất được bởi chúng ta đang sống trong bối cảnh văn hóa nửa truyền thống nửa hiện đại, nửa Tây nửa ta. Nó hỗn hợp, pha trộn và không thống nhất. Chúng ta có một quãng thời gian, có một bối cảnh lịch sử khiến cho truyền thống không kết nối được với hiện đại, và hiện đại bị đứt quãng với truyền thống, dẫn đến trình trạng là ngày nay việc chọn duy nhất một loại trang phục dù là nó trang trọng đến mấy cho mọi người sử dụng trong các lễ hội thì chắc chắn cũng có tranh cãi.
Việt Nam cần có lễ phục hay quốc phục cho các sự kiện mang tính quốc tế, vậy Tiến sĩ nghĩ sao về việc này?
- Chúng ta có thể quan sát các mẫu lễ phục, quốc phục truyền thống của các nước ở Đông Nam Á như một hình mẫu để tham khảo, rút kinh nghiệm. Ở các nước Đông Nam Á, khi chọn lễ phục, quốc phục dành cho nam giới, người ra sẽ chọn các kiểu mẫu lễ phục, quốc phục có cách tân. Trong đó, ví dụ điển hình là lễ phục, quốc phục của các quan chức Malaysia, Indonesia.
Việc cách tân lễ phục, quốc phục để nó mang màu sắc hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ trang trọng, vẫn có được cái đặc trưng, đại diện cho văn hóa truyền thống của họ. Như vậy, để chọn lễ phục, quốc phục, cần có 2 phương án: Phương án thứ nhất là tạo ra các kiểu quốc phục cho nam có tính truyền thống mà có chút cách tân để nó mang màu sắc hiện đại. Thứ hai, đa dạng hóa lễ phục cho nam giới để có thể sử dụng được cho nhiều bối cảnh, đối tượng, chứ không nên đóng khung trong một kiểu mẫu duy nhất và đơn điệu.
Có lẽ điều đó có thể là một giải pháp bị chê bai là ba phải, không đến nơi đến chốn, nhưng trong bối cảnh Việt Nam chúng ta nói chung thì việc chọn những phương án như thế tuy không được mọi người thống nhất hoàn toàn nhưng có thể giúp chúng ta có thêm nhiều lựa chọn.
Áo dài nam truyền thống là áo dài nam ngũ thân, tức là có 5 thân. Nhưng giờ đây người ta toàn may theo kiểu áo dài sân khấu. Tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề này?
- Mẫu áo dài cho nam giới ngày xưa có nhiều kiểu dáng khác nhau. Vấn đề là áo dài trong sinh hoạt thường nhật, ví dụ như thăm xóm làng hay dự đám giỗ khác với áo dài dành cho lễ hội nói chung và dành cho đại lễ nói riêng.
Cho nên chọn áo dài cho nam cũng khá đa dạng. Giả sử chúng ta thích phương án khôi phục lại áo dài nam giới cổ truyền thì cũng phải xem xét những kiểu mẫu áo dài nam giới nào trước kia dùng cho sinh hoạt thường nhật, cho đại lễ, lễ hội... Có những kiểu mẫu áo dài gắn liền với các buổi lễ phong kiến ngày xưa và ngày nay nếu chúng ta tiếp tục sử dụng thì không thích hợp cho bối cảnh hiện đại hoặc nó sẽ trở nên kệch cỡm.
Vậy theo Tiến sĩ, việc diện áo dài trong những ngày lễ lớn hoặc khuyến khích nam giới, nữ giới diện áo dài nơi công sở trong những ngày thứ hai đầu tuần hoặc một tháng mặc một lần, điều đó có nên hay là không?
- Ngày xưa khi áo dài còn phổ biến thì người ta không bắt buộc mặc nó mọi lúc mọi nơi, trong sinh hoạt thường nhật người ta có những loại trang phục khác phù hợp với nghề nghiệp, với công việc của mỗi người. Cho nên ngày nay chúng ta muốn khôi phục truyền thống thì không nên trói buộc người lao động ở các giới, các độ tuổi khác nhau phải nhất loạt đi theo một kiểu hiện đại hay truyền thống nào đó. Tùy theo địa bàn nông thôn hay thành thị, theo nghề nghiệp trí óc hay là lao động chân tay... để người ta lựa chọn những loại trang phục phù hợp với công việc người ta đang làm .
Có lẽ trong các loại lễ phục trang trọng và đẹp mắt thì áo dài là lựa chọn khả dĩ hơn cả. Nên, bên cạnh những lựa chọn khác, tôi nghĩ có thể khuyến khích trang phục áo dài trong những dịp đặc biệt và đối với những môi trường, nghề nghiệp, công việc thích hợp.
Việc cách tân áo dài có nên được khuyến khích không?
- Vấn đề không phải là nên hay không nên nữa mà nó là việc đương nhiên phải làm. Thập niên 1930 có một quá trình, một cuộc cách mạng cách tân áo dài. Từ áo dài năm thân, kiểu áo dài phụ nữ người Hoa, áo dài phụ nữ Chăm, rồi đến áo dài Ngự Bình của phụ nữ Huế cách tân thành áo dài tân thời để phụ nữ Việt thế kỷ 20 mặc nó mà không cảm thấy quê mùa hay lạc hậu. Và nhờ đó, áo dài nữ đã tiếp tục sống và tiếp tục cách tân đến ngày nay.
Nếu không cách tân thì không chỉ áo dài mà bất kể thứ gì thuộc về truyền thống, thuộc về phục sức nói chung và áo dài nói riêng sẽ bị đào thải theo thời gian. Vấn đề là cách tân như thế nào và cách tân dành cho ai, chứ chúng ta không thể bảo thủ buộc người ta phải dừng lại ở một kiểu phục sức truyền thống.
Theo cá nhân ông, nếu chúng ta cần lễ phục hay quốc phục thì những điều kiện kiên quyết nào để đề án lễ phục, quốc phục thành hiện thực?
- Điều kiện kiên quyết là phải tính tới đối tượng sử dụng và mục đích sử dụng. Không nên áp đặt cho những đối tượng khác nhau và mục đích sử dụng khác nhau một kiểu mẫu duy nhất mà cần đa dạng hoá. Mặt khác, để trở thành lễ phục và quốc phục thì các kiểu mẫu được chọn phải được điển chế hoá, nhưng việc điển chế hoá trong bối cảnh ngày nay cũng nên linh hoạt, có điều chỉnh tuỳ theo sự đón nhận của người Việt Nam. Nếu chúng ta xem áo dài hay một vài sản phẩm văn hóa khác của Việt Nam như một biểu tượng thì hãy yêu quý nó chứ không nên áp đặt một kiểu mẫu duy nhất.
Cảm ơn chia sẻ của Tiến sĩ!