"Mệ" Tuyết tại Huế - người hết lòng thương trẻ ung thư

ĐÀO HƯỞNG |

Thừa Thiên Huế - Đến với làng hương Thủy Xuân (TP.Huế), không khó để bắt gặp người phụ nữ có dáng vẻ gầy gò, nhỏ nhắn ngày ngày cặm cụi sắp xếp hàng chục bó hương ra bày trước quán. Dù đã ngoài 70 nhưng bà vẫn chăm chỉ làm việc, kiếm tiền chỉ vì cái tâm muốn gắn bó với làng nghề và ước mong giúp đỡ những bệnh nhân ung thư nhỏ tuổi.

Người "giữ hương"

Người phụ nữ với chất giọng nhẹ nhàng được mọi người ví von như là “nàng thơ xứ Huế” chính hiệu. Người phụ nữ ấy là bà Tôn Nữ Ánh Tuyết hay được biết đến với cái tên mệ Tuyết ("mệ" là từ địa phương đồng nghĩa với từ "bà").

Tất bật từ sáng sớm cho tới khi trời tắt hẳn nắng, tay xoè những bó chân hương rực rỡ sắc màu lên kệ, treo những chiếc nón lá lên trên cao; hễ có khách đi qua, mệ Tuyết mời đon đả bằng giọng Huế: "Con ơi, chụp ảnh đi con. Con không mua thì mệ cũng cho mượn, cứ tự nhiên chụp ảnh đi con”. Mệ dáng người nhỏ nhắn, lưng còng nhưng lại nhanh tay kê ghế, lấy nón lá cho khách.

 
Mệ Tuyết 

Thi thoảng có người hỏi, mệ Tuyết lại tâm sự với du khách về câu chuyện đời, câu chuyện nghề và đặc biệt là về những việc làm tô đẹp cho đời.

Mệ Tuyết không nhớ năm nay mình bảy mấy tuổi, chỉ biết đã theo ông ngoại làm hương trầm từ năm lên 9 và gắn bó với làng hương mấy chục năm nay.

Làng hương cách trung tâm TP.Huế 7km đi về hướng Tây Nam. Đây là ngôi làng có hơn 700 năm về làm hương trầm. Từ thời nhà Nguyễn, làng hương này chính là nơi cung cấp trầm - hương cho triều đình, phủ quan và người dân trong vùng Thuận Hoá, Phú Xuân.

 
 Du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm ở làng hương. 

Những năm gần đây, làng hương là địa điểm quen thuộc của du khách trong và ngoài nước khi đến xứ Huế. Những người làm hương như mệ Tuyết ngoài sản xuất hương trầm thủ công nay lại có thêm một công việc đó là bán hàng lưu niệm, đón khách tham quan.

Mệ chia sẻ, thay vì se hương bằng máy thì đa phần ở làng đều dùng thủ công để lưu giữ cách làm hương truyền thống. Tuy ít nhiều có sự vất vả, những cây hương có thể sẽ không đều tăm tắp như làm bằng máy móc song cách làm này đậm tính độc đáo và sẽ khiến cho du khách thu hút và yêu thích hơn. 

Theo mệ Tuyết, khi có nhiều người quan tâm, lan tỏa nghề truyền thống của làng, đó là điều vui nhất và cũng là động lực để những người trong làng cố gắng gìn giữ nét đẹp của cố đô này.

“Trẻ em ung thư luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tim”

Không phải du khách nào đến làng hương Thủy Xuân cũng chỉ vì những bó hương sắc màu sặc sỡ. Nhiều người đến để tìm mệ Tuyết khi nghe câu chuyện suốt hơn 7 năm dành phần lớn lợi nhuận bán hàng để trao tặng trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Vừa làm xong các bước để tạo nên một cây hương, mệ Tuyết kéo ghế xuống chia sẻ về cơ duyên đến với công việc thiện nguyện.

 
 Làng hương Thuỷ Xuân là một trong ít làng hương vẫn còn làm hương thủ công ở Huế.

Trong một lần vào viện thăm bạn thân bị ung thư, mệ gặp một cháu nhỏ khoảng 5 tuổi với một mắt đã không còn, mắt còn lại thì sưng tấy, hỏi thăm gia đình mới biết bé bị ung thư giác mạc.

Khi ấy dồn hết tất cả trong người được 100.000 đồng nhưng người bạn thân của mệ có tâm nguyện dành số tiền đó cho đứa trẻ tội nghiệp.

"Mệ biết mình phải thương trẻ ung thư, giống như cái duyên cho mệ gặp gỡ. Đối với mệ, trẻ em ung thư luôn chiếm một phần trong trái tim mệ" - mệ Tuyết thổ lộ.

Cứ mỗi tháng, những bệnh nhi của Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế lại nhận được một bì thư có 100.000 đồng và ít bánh kẹo của mệ Tuyết.

"Mệ biết 100.000 đồng không là gì với những gia đình khá giả, nhưng với bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo, đó là sự động viên với họ. Mệ không mong điều gì, chỉ mong mình có sức khoẻ để có thể buôn bán, trích tiền lời ra để có thể giúp đỡ các em một phần nào đó" - mệ Tuyết chia sẻ.

 
 Mệ Tuyết trong chuyến thăm trẻ em ở Bệnh viện Trung ương Huế năm 2020. 

Cứ thế, mệ Tuyết như "cây cổ thụ" lưu giữ nghề hương truyền thống, là người truyền cảm hứng, động lực để cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Hương thơm của trầm, của quế rồi cũng sẽ có lúc phai nhưng hương thơm về tấm lòng nhân nghĩa, tận tuỵ với nghề, hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh của mệ Tuyết thì mãi mãi rực rỡ và ngát hương.

ĐÀO HƯỞNG
TIN LIÊN QUAN

Phật giáo TP.Thủ Đức tặng 182 suất học bổng đến trẻ em mồ côi vì COVID

Ái Vân |

Vừa qua (ngày 20.8), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP.Thủ Đức đã trao tặng 182 suất học bổng đến các em mồ côi vì COVID-19 trên địa bàn.

Phật giáo Sóc Trăng phát huy tinh thần đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc

Phạm Đông |

Trong nhiệm kỳ 2022-2027, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đề ra nhiệm vụ phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tập hợp sức mạnh, trí tuệ tập thể, chung tay tích cực nhiều công tác xã hội an dân. Đồng thời có nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ các phật tử khó khăn.

Chùa ở Nhật Bản cưu mang người Việt gặp khó

Ngọc Vân |

Sư cô Thích Tâm Trí mở ngôi chùa thứ 2 ở Nhật Bản để cưu mang người Việt gặp khó khăn do COVID-19.

Phật giáo TP.Thủ Đức tặng 182 suất học bổng đến trẻ em mồ côi vì COVID

Ái Vân |

Vừa qua (ngày 20.8), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP.Thủ Đức đã trao tặng 182 suất học bổng đến các em mồ côi vì COVID-19 trên địa bàn.

Phật giáo Sóc Trăng phát huy tinh thần đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc

Phạm Đông |

Trong nhiệm kỳ 2022-2027, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đề ra nhiệm vụ phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tập hợp sức mạnh, trí tuệ tập thể, chung tay tích cực nhiều công tác xã hội an dân. Đồng thời có nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ các phật tử khó khăn.

Chùa ở Nhật Bản cưu mang người Việt gặp khó

Ngọc Vân |

Sư cô Thích Tâm Trí mở ngôi chùa thứ 2 ở Nhật Bản để cưu mang người Việt gặp khó khăn do COVID-19.