Chăm lo tốt cho người lao động để họ coi công ty như nhà mình

QUẾ CHI |

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp mong người lao động khi đến làm việc tại công ty đều coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình, là nơi đáng để tự hào. Để có được điều đó, doanh nghiệp luôn phải chăm lo tốt nhất cho người lao động, coi họ là tài sản quý giá.

Chăm lo để người lao động yên tâm sản xuất

Công ty Cổ phần XNK Bắc Giang (phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) có 556 cán bộ công nhân viên.

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, công ty vẫn đảm bảo đủ việc làm cho người lao động; 100% cán bộ, công nhân lao động được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc; không nợ lương người lao động.

Định kỳ 6 tháng, 1 năm, công ty nâng lương cho cán bộ công nhân viên. Không chỉ vậy, trong 1 năm, công ty thưởng cho người lao động tổng cộng 2-3 tháng lương vào các dịp nghỉ lễ, Tết…

Thu nhập bình quân của của người lao động công ty là 10,5 triệu đồng/tháng; riêng ở nhà máy khoảng 12 triệu đồng/tháng. 

Nhà ăn tại nhà máy của công ty được đầu tư xây dựng hàng tỉ đồng, rất khang trang, sạch sẽ. Công nhân được ăn tuỳ ý, không giới hạn số lượng các món ăn tự chọn, miễn là không bỏ thừa thức ăn.

“Bữa ăn có giá trị 20.000 đồng/suất, nhưng chỉ tính riêng tiền thức ăn, không tính chi phí nhân công, phí quản lý hay chi phí khác, nên rất chất lượng, hợp khẩu vị với công nhân” - một công nhân tại nhà máy cho biết.

Ông Hà Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang. Ảnh: Quế Chi
Ông Hà Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang. Ảnh: Quế Chi

Chia sẻ với phóng viên, ông Hà Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty - cho rằng, cần phải chăm lo tốt cho người lao động thì họ mới có sức khoẻ, không bị ốm đau, từ đó lao động sản xuất tốt hơn.  

“Doanh nghiệp cần chăm lo tốt cho người lao động để họ yên tâm công tác, từ đó dốc hết sức mình, bỏ chất xám, sức lực để cống hiến cho tập thể mà họ làm việc. Ngoài ra, chăm lo tốt cho người lao động còn khiến người lao động cảm thấy được tin tưởng, yêu thương và muốn gắn bó lâu dài với nhà máy” – ông Hoa cho hay và nói thêm, chính sách tốt cho người lao động còn giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Vì vậy, thời gian qua, dù có sự cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp khác cũng như tác động của dịch COVID-19, nhưng công ty vẫn giữ được lượng người lao động ổn định, giữ được mối quan hệ lao động hài hoà.  

Là một doanh nghiệp FDI, Công ty TNHH Luxshare ICT (Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang) cũng chia sẻ quan điểm trên về chăm lo cho người lao động. Công ty này bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2015. Hiện tại công ty có 4 nhà xưởng tại Bắc Giang, thu hút 5 vạn công nhân lao động. 

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Chính Hùng - phụ trách đối ngoại của Công ty cho biết, mức lương của công nhân tại công ty luôn nằm trong top 1, 2 của tỉnh, nên có sức cạnh tranh, thu hút lao động tốt. Tỉ lệ nghỉ việc tại công ty chỉ khoảng 200-300 người/tháng - hầu hết là những công nhân mới vào làm vì thấy việc không phù hợp; còn những công nhân làm việc lâu năm chiếm phần nhỏ.  

“Quan tâm, chăm lo đến người lao động khiến người lao động an tâm làm việc, cống hiến hết mình đối với công ty. Khi chăm lo tốt cho người lao động, công nhân mới coi công ty như một gia đình, từ đó mới có thể phát triển bản thân, giúp cho công ty cũng như chính bản thân công nhân ngày càng phát triển hơn.

Tôi luôn hy vọng mọi công nhân viên coi việc vào tại công ty là một niềm vinh hạnh, tự hào của mỗi người” - ông Lý Chính Hùng chia sẻ.  

Theo đại diện Công ty, chỉ khi người lao động làm việc lâu dài, ổn định thì doanh nghiệp mới có thể đào tạo một cách bài bản hơn cho người lao động cũng như phát triển một cách ổn định.

“Nếu người lao động làm việc lâu dài thì doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí tuyển dụng, đào tạo, vì nếu tỉ lệ nghỉ việc, nhảy việc cao, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều chi phí tuyển dụng, đào tạo.

Việc chăm sóc tốt đời sống cho công nhân lao động không chỉ tốt cho chính công nhân, doanh nghiệp mà còn tốt đối với cả lĩnh vực lao động của tỉnh Bắc Giang” - người phụ trách đối ngoại của công ty phân tích.

Ông Lý Chính Hùng - phụ trách đối ngoại Công ty TNHH Luxshare ICT. Ảnh: Quế Chi
Ông Lý Chính Hùng - phụ trách đối ngoại Công ty TNHH Luxshare ICT. Ảnh: Quế Chi

Chia sẻ về phối hợp với tổ chức Công đoàn trong chăm lo cho người lao động, ông Lý Chính Hùng khẳng định, công ty luôn hỗ trợ hết mình với các hoạt động của công đoàn.

“Chỉ cần Công đoàn cơ sở đưa ra các hoạt động dành cho đoàn viên, người lao động thì công ty đều hỗ trợ hết mình. Hoặc khi có bất kỳ phản ánh nào của công nhân, ví dụ về vấn đề nhà ăn, môi trường làm việc lên Công đoàn thì lãnh đạo công ty và bộ phận liên quan đều hỗ trợ hết mình để giải quyết” - ông Lý Chính Hùng nói.

Tạo động lực để người lao động gắn bó lâu dài

Theo TS Nguyễn Thị Thuỳ Yên, Trưởng Khoa Quan hệ Lao động và Công đoàn (Trường Đại học Công đoàn), đối với người sử dụng lao động, việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp là cơ sở để đem lại lợi ích, như: Có điều kiện thu hút nhân tài cho doanh nghiệp; tạo động lực khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, nỗ lực lao động, sản xuất.

“Bởi khi quyền và lợi ích của người lao động được đảm bảo, người lao động sẽ có ý thức hơn trong lao động sản xuất, trong việc tiết kiệm, chống lãng phí, làm cho chi phí sản xuất giảm, giảm giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm” -  TS Nguyễn Thị Thuỳ Yên nói.

Ngoài ra, có mối quan hệ lao động hài hoà còn nâng cao uy tín và vị thế của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được đánh giá là một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, hoạt động đáng tin cậy, do vậy sẽ tăng niềm tin của các đối tác và khách hàng, từ đó doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiêu thụ được nhiều sản phẩm, sản xuất phát triển.  

“Quan hệ lao động hài hoà ổn định, tiến bộ là biện pháp căn bản, lâu dài nhất để giảm thiểu các rủi ro do tranh chấp lao dộng, giảm thiểu ngừng việc, đình công, giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không bị đình trệ, hợp đồng với khách hàng được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng” - TS Nguyễn Thị Thuỳ Yên phân tích.  

Theo TS Nguyễn Thị Thuỳ Yên, để có mối quan hệ lao động hài hoà, đối với người sử dụng lao động, họ phải xem người lao động là yếu tố cơ bản tạo động lực phát triển của doanh nghiệp, từ đó xây dựng các chiến lược phát triển công ty trên nền tảng xây dựng đời sống tinh thần, vật chất của người lao động.

“Chia sẻ lợi nhuận để tăng thu nhập cho người lao động vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý. Điều đó sẽ tạo nên sự gắn kết bền chặt giữ doanh nghiệp và người lao động” - TS Nguyễn Thị Thuỳ Yên nhấn mạnh. 

QUẾ CHI
TIN LIÊN QUAN

Khích lệ, biểu dương gia đình nghèo nỗ lực lao động, sản xuất, sáng tạo

PHẠM ĐÔNG |

Thông qua chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 sẽ động viên, khích lệ, biểu dương gia đình nghèo, cộng đồng nghèo nỗ lực lao động, sản xuất, sáng tạo, vượt khó, thực hành tiết kiệm, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP

Thanh Hà |

Hà Nội lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bằng hình thức livestream trên nền tảng TikTok nhằm giúp các tổ chức, cá nhân quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP. 

Chúc mừng cô giáo ở Thanh Hóa - đoàn viên đạt mốc thứ 1 triệu sáng kiến

QUÁCH DU |

Ngày 10.10, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã trao thưởng cho một đoàn viên Công đoàn Trường Tiểu học Lê Văn Tám (ở TP.Thanh Hóa), tác giả có đóng góp sáng kiến thứ 1 triệu, trong Chương trình “1 triệu sáng kiến vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐVN phát động.

Khích lệ, biểu dương gia đình nghèo nỗ lực lao động, sản xuất, sáng tạo

PHẠM ĐÔNG |

Thông qua chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 sẽ động viên, khích lệ, biểu dương gia đình nghèo, cộng đồng nghèo nỗ lực lao động, sản xuất, sáng tạo, vượt khó, thực hành tiết kiệm, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP

Thanh Hà |

Hà Nội lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bằng hình thức livestream trên nền tảng TikTok nhằm giúp các tổ chức, cá nhân quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP. 

Chúc mừng cô giáo ở Thanh Hóa - đoàn viên đạt mốc thứ 1 triệu sáng kiến

QUÁCH DU |

Ngày 10.10, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã trao thưởng cho một đoàn viên Công đoàn Trường Tiểu học Lê Văn Tám (ở TP.Thanh Hóa), tác giả có đóng góp sáng kiến thứ 1 triệu, trong Chương trình “1 triệu sáng kiến vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐVN phát động.