Cúng sao giải hạn không giải được hạn
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết, tập tục cúng sao giải hạn bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, tập tục đấy không có trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, người Trung Hoa quan niệm, vận hạn của con người được quản lý bởi 28 vì sao chiếu mạng. Từ quan niệm như vậy, dẫn đến tình trạng phải cung kính, cầu mong các thần sao gia hộ, ngăn họa và ban phúc vào mỗi dịp đầu năm.
"Thực tế hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại và mỗi cảnh huống mà chúng ta gặp trong đời đều do luật nhân quả chi phối và quyết định, không có ngôi sao nào giải được việc này. Con người muốn chuyển họa thì phải gieo nhân tích đức và làm các việc nhân văn. Khi làm được nhiều việc phúc lành, thì những họa cũ sẽ tan biến, còn bản thân việc cúng sao không có giá trị gì mà chỉ chìm sâu vào mê tín và sợ hãi” - Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.
Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam chia sẻ thêm thông tin, việc cúng dâng sao giải hạn chỉ là hoạt động trấn an tâm lý, phản Phật giáo, phản khoa học, phản nhân quả và không phải là giải pháp để thoát khổ.
Phật giáo chỉ cúng cầu an, không có cúng sao
Thượng tọa Thích Đạo Phước - Phó Trưởng Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN cho biết, trong nghi thức của Phật giáo không có cúng sao giải hạn mà chỉ có cúng cầu an đầu năm. Việc cúng cầu an này là cầu mong thế giới hòa bình, đất nước được thịnh vượng, mọi người được bình an, và bớt khổ.
"Trong giáo lý nhà Phật không có quan niệm sao xấu, sao tốt, không có việc cúng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này" - Thượng tọa Thích Đạo Phước cho biết.
Theo PGS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu tín ngưỡng, văn hóa dân gian, dâng sao giải hạn đầu năm không phải là vấn đề thuộc về tín ngưỡng, đây chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên.
Còn Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng II GHPGVN cho biết, xoay quanh việc cúng sao giải hạn, Trung ương Giáo hội đã có công văn gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành chấn chỉnh vấn đề này tại các chùa.
Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, Trung ương Giáo hội đề cao tinh thần trách nhiệm của chư tôn đức tăng ni, hướng dẫn đồng bào phật tử sinh hoạt đúng chính pháp. Giáo hội đã có nhiều đổi mới trong hình thức sinh hoạt tâm linh và truyền bá chính pháp, nhưng vẫn phát huy được bản sắc Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc.