Chỉ cần có mặt tại thời điểm lập danh sách
Ngày 26.8, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh triển khai chi hỗ trợ các chính sách của Nhà nước đối với người khó khăn.
Về chính sách hỗ trợ, các địa phương đang chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính Phủ. Ngoài ra, chi hỗ trợ theo chính sách riêng của tỉnh Bình Dương gồm hỗ trợ 300.000 đồng tiền thuê trọ và 500.000 đồng tiền lương thực thực phẩm.
Chính sách đã có từ đầu tháng 8.2021, tuy nhiên đến nay, nhiều người lao động vẫn "than" là chưa nhận được hỗ trợ. Theo các công nhân lao động, 2 tháng nay hoàn toàn không đi làm được, không có thu nhập. Tiền tích trữ đã hết, vì vậy rất khó khăn. Để được hỗ trợ, một số nơi yêu cầu chứng minh có đăng ký tạm trú, nhưng đang phải ở yên tại chỗ, người dân không đáp ứng được yêu cầu này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã có hướng dẫn rất rõ ràng về các chính sách người dân được hưởng, nhóm đối tượng và điều kiện nhận hỗ trợ.
Trong đó nhấn mạnh, không yêu cầu nhóm đối tượng theo chính sách hỗ trợ phải chứng minh có đăng ký tạm trú. Các đối tượng chỉ cần có mặt tại thời điểm lập danh sách là dân thường trú hoặc tạm trú (tính luôn cả người tạm trú nhưng chưa đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương).
Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bình Dương đề nghị các địa phương không đặt ra các yêu cầu như phải photo giấy tờ tùy thân, xác nhận tạm trú, tạm vắng. Đẩy mạnh chi giải ngân hỗ trợ kịp thời cho người khó khăn. Có thể tiến hành song song vừa lập thủ tục vừa chi hỗ trợ nếu đúng đối tượng. Công tác chi hỗ trợ cần hoàn thành trước tháng 9.2021.
Công bố đường dây nóng ở xã/phường, ưu tiên người khó khăn
Ngày 26.8, UBND tỉnh Bình Dương cho biết để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ kịp thời người dân, tỉnh công bố đường dây nóng của các địa phương để người dân liên hệ. Ngoài tổng đài 1022 của tỉnh Bình Dương, còn các đường dây nóng của cấp xã/phường/thị trấn và cấp huyện/thị xã/thành phố. Người dân có thể gọi đề nghị được hỗ trợ về lương thực/y tế trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Trong khi đó, ở các điểm nóng về dịch bệnh (gồm 15 phường) đang bị ''khóa chặt đông cứng", lãnh đạo tỉnh Bình Dương chỉ đạo các địa phương phải chủ động rà soát nắm địa bàn. Không chờ người dân phải gọi lên đường dây nóng mới hỗ trợ, cán bộ phường, khu phố phải có kênh thông tin để nắm bắt được người dân khó khăn, hỗ trợ kịp thời.
Theo ghi nhận những ngày qua, thị xã Tân Uyên đang ngày đêm tiếp nhận và phân phát lương thực thực phẩm đến 332.000 dân thuộc 7 phường "khóa chặt đông cứng". Ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên cho biết, các đơn vị chia ra làm cả ngày lẫn đêm để đưa hỗ trợ đến với người dân sớm nhất có thể và ưu tiên người khó khăn, người già trước.
Theo Sở LĐTB&XH Bình Dương, đến nay địa phương đã thực hiện chi hỗ trợ các chính sách là 987,8 tỉ đồng. Trong đó Nghị quyết 68 chi hỗ trợ 220.084 trường hợp, với số tiền là 343,106 tỉ đồng. Hai chính sách của tỉnh Bình Dương chi hỗ trợ 644,6 tỉ đồng.
Riêng chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Số đơn vị được giảm mức đóng là 14.367 đơn vị có trên 1 triệu lao động với số tiền là 417,8 tỉ đồng.